Wall Street Journal: Các ngân hàng bơm gần 180 tỷ USD không phải là 'liều thuốc tiên' cho ngành bất động sản Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
27/11/2022 20:53:35

Những khoản hỗ trợ hào phóng dường như khó có thể nhanh chóng giải quyết một vấn đề đang khiến các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc “đau đầu”: Doanh số bán nhà mới giảm sâu.

Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang mở rộng hạn mức cho vay với các nhà phát triển bất động sản cùng những cam kết hỗ trợ về tài chính khác. Đây là những động thái nhằm kéo ngành bất động sản Trung Quốc ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng sau làn sóng vỡ nợ.

Trong những ngày gần đây, các ngân hàng lớn của Trung Quốc thông báo sẽ bơm ít nhất 178 tỷ USD tín dụng cho một số công ty bất động sản. Trong đó bao gồm các biện pháp: tăng hạn mức tín dụng, cung cấp thư bảo lãnh, cam kết mua trái phiếu trong nước do các doanh nghiệp này phát hành.

Các ngân hàng quốc doanh đưa ra cam kết ngay sau khi PBOC và cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc công bố kế hoạch cứu trợ gồm 16 điểm để vực dậy ngành bất động sản vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Những động thái này - cùng việc mở rộng quy mô của chương trình bảo lãnh trái phiếu, nhằm mục đích giúp các nhà phát triển duy trì hoạt động kinh doanh và hoàn thành các dự án.

Theo đó, áp lực về thanh khoản trong ngắn hạn sẽ được giải quyết. Song, thách thức lớn hơn nhiều sẽ là việc lấy lại niềm tin của người dân Trung Quốc và những người mua nhà.

Zhang Yu - trưởng bộ phận phân tích bất động sản tại CICC Research, cho hay: “Điều quan trọng nhất ở thị trường hiện tại là hồi phục niềm tin của người mua. Để làm được điều đó, những ngôi nhà đã được bán trước phải được bàn giao.” Ông nói thêm, những mối lo ngại ngày càng lớn về các nhà phát triển đang vỡ nợ cũng cần phải được xoa dịu.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và các quy định phòng dịch nghiêm ngặt tiếp diễn, niềm tin của người tiêu dùng suy yếu cũng gây áp lực cho doanh số bán nhà và làm chậm tốc độ việc xây dựng hộ gia đình mới. Số ca mắc Covid-19 gia tăng ở một số thành phố lớn từ Bắc Kinh đến Quảng Châu đã khiến các đợt phong toả lại được triển khai trên diện rộng trong vài ngày qua.

Ting Lu - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura chi nhánh Hong Kong, nhận định: “Nút thắt cổ chai hiện tại là tình hình dịch ở Trung Quốc và chính sách zero Covid. Khi các biện pháp này vẫn được áp dụng thì những gói hỗ trợ tài chính chỉ là những liều thuốc giúp giảm triệu chứng, chứ không thể chữa khỏi bệnh.”

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán nhà là nguồn vốn lớn nhất cho các nhà phát triển nước này. Các khoản vay trong nước chỉ chiếm hơn 10% tổng nguồn vốn của họ. Trong khi đó, dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán nhà mới đã giảm trong 28% trong 10 tháng đầu năm 2022 so với 1 năm trước đó.

Theo Shujin Chen - trưởng bộ phận nghiên cứu tài chính và tài sản bất động sản Trung Quốc tại Jefferies, các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp các nhà phát triển “chất lượng” tránh vỡ nợ. Cho đến nay, hơn 30 nhà phát triển đã vỡ nợ trái phiếu USD. Bà dự đoán, doanh số bán nhà tại đại lục sẽ giảm thêm 10% hoặc hơn vào năm tới, trước khi vào trạng thái cân bằng.

Còn Robin Xing - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley dự đoán doanh số bán nhà có thể đã chạm đáy nhưng đà hồi phục vẫn yếu cho đến quý II/2023. Theo ông, ngay trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra, thì các nhà phát triển bán khoảng 14 triệu căn hộ mỗi năm, nhưng một phần trong đó là kết quả của hoạt động đầu cơ. Xing cũng kỳ vọng doanh số bán nhà tại Trung Quốc sẽ ổn định ở mức khoảng 10 triệu căn mỗi năm.

Mới đây, 6 ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã công bố gói hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) sẽ mở rộng khoản vay lên tới 92 tỷ USD cho 12 nhà phát triển bao gồm các “đại gia” như Country Garden và Longfor, China Vanke. Theo thoả thuận, các ngân hàng sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển với hoạt động bao gồm phát triển dự án, M&A và phát hành trái phiếu trong nước.

Yao Yu - nhà sáng lập YY Rating, công ty nghiên cứu tín dụng độc lập của Trung Quốc, cho biết động thái này cho thấy “các nhà quản lý đang ngày càng lo ngại về ngành bất động sản”. Ông nói thêm, không rõ hạn ngạch cho vay của các ngân hàng sẽ được giải ngân như thế nào.

Nhiều nhà phát triển tư nhân cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ một thực thể được chính phủ hậu thuẫn, Công ty Bảo hiểm Trái phiếu Trung Quốc (CBI), để phát hành trái phiếu trong nước. Hôm thứ Tư, CBI cho biết đã nhận được hơn 100 đơn đăng ký từ các nhà phát triển tư nhân để được nới điều kiện tín dụng. Cho đến nay, chỉ 1 số ít được phê duyệt.

Dù các nhà phát triển Trung Quốc có thể không được sử dụng các khoản vay để thanh toán trái phiếu quốc tế, nhưng giá trái phiếu USD đã hồi phục trong những ngày gần đây. Lợi suất của các trái phiếu không được đánh giá điểm đầu tư của các nhà phát triển Trung Quốc được ICE BofA theo dõi giao dịch ở khoảng 29%, trong khi trước thời điểm các biện pháp cứu trợ được công bố là 32%.


Tham khảo WSJ

Chia sẻ Facebook