Vượt nghịch cảnh, cô gái dân tộc Mông quyết tâm nuôi khát khao học tập

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 21:59:39

Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, thu nhập trong gia đình chủ yếu đến từ công việc làm nông của bố mẹ, cô gái người Mông Sùng Thị Sơ (SN 2002) vẫn luôn cố gắng học tập, nuôi ước mơ “đổi đời”. Dù phải trải qua đến 3 lần bị “kéo đi làm vợ", nhưng nhờ nghị lực và lòng quyết tâm mãnh liệt, Sơ vẫn vượt qua hết tất cả. Để rồi giờ đây, cô đã trở thành sinh viên Đại học Luật Hà Nội trong ánh mắt tự hào của bạn bè và người thân trong gia đình. 

Sùng Thị Sơ - cô gái người dân tộc Mông có hành trình đến giảng đường đầy gian nan. (Ảnh: Sinh viên Việt Nam)


Những lần “suýt” thành vợ người ta

Đối với người dân tộc Mông trên vùng núi Tây Bắc, “kéo” vợ là một tập tục lâu đời, thể hiện tự do trong hôn nhân, lối thoát cho những hoàn cảnh nghèo, không đủ tiền lo việc cưới xin. Tục “kéo” vợ chỉ xảy ra khi đôi trai gái đã “ưng” nhau và đây cũng được coi là một nghi lễ trước khi hai người kết hôn. Tuy nhiên, một số người lại lợi dụng tục “kéo” vợ này để giữ người trái pháp luật, ép cô gái không thích mình phải cưới mình, ngay cả khi cô gái đó chưa đủ tuổi vị thành niên. Và nhiều lần chính Sùng Thị Sơ cũng trở thành “nạn nhân” của vấn nạn này.

Sùng Thị Sơ không ít lần trở thành nạn nhân của tục “kéo” vợ. (Ảnh: FB S.T.S)

Lần đầu tiên là khi Sơ học lớp 8, nhưng may mắn có sự giúp đỡ từ hàng xóm nên Sơ trốn thoát được. Năm Sơ tròn 16 tuổi, sự việc này lại xảy ra lần nữa. Dù lần này Sơ cũng được các thanh niên cùng làng kịp thời cứu về, tuy nhiên, đoàn “kéo” vợ và người cùng làng cô đã xảy ra xô xát, thậm chí còn dẫn đến thương tích. Sau khi nạn nhân được đưa đi cấp cứu, bố mẹ của Sơ đã đến đón cô về.

Đã 2 lần Sơ may mắn trốn thoát, lần đầu tiên là năm cô lớp 8. (Ảnh: FB S.T.S)

Chưa dừng lại ở đó, 3 năm sau, Sơ lại tiếp tục “suýt” thành vợ người ta. Chiều tối hôm đó, khi Sơ đang chuẩn bị ăn cơm cùng gia đình, một người đàn ông tên L., hơn cô 6 tuổi, người làng khác đến rủ cô đi chơi. Nhận thấy sự việc không đơn giản như vậy, Sơ đã khéo léo từ chối. Tuy nhiên, ngay sau đó, L. cùng bạn mình đã bế cô lên xe, mặc cho Sơ cố gắng vẫy vùng, khóc lóc, van xin.

Xe đi đến đoạn đường đèo, vì suốt chặng đường đi không ai cứu nên Sơ đã nghĩ đến việc sẽ nhảy xuống. Nhưng nghĩ đến bố mẹ, các em ở nhà và bao dự định chưa hoàn thành, Sơ đã từ bỏ suy nghĩ ấy và quyết định đến nơi sẽ tìm cách thoát thân. Đến nhà L., Sơ đã lấy cớ gọi điện cho trường lấy lịch học, sau đó thành công mượn điện thoại L. gọi điện về cho bố mẹ. Phát hiện Sơ lừa dối mình, L. kiên quyết không cho cô đi. Dù Sơ đã thức trắng đêm tìm cách chạy trốn nhưng đều bất thành.

Lần thứ 3 khi cô vừa tròn 19 tuổi là lần nguy hiểm nhất, cô suýt thành vợ người ta. (Ảnh: FB S.T.S)

Đến tận khi bố mẹ Sơ gọi điện cho L., đe dọa nếu anh không thả cô đi, gia đình sẽ báo công an. Lúc này, L. mới đồng ý thả Sơ về. Ngỡ như mọi việc sẽ kết thúc êm xuôi, nhưng ngay ngày hôm sau, gia đình L. đã sang nhà hỏi cưới Sơ với lý do, đã ở nhà người ta qua đêm rồi thì phải về nhà người ta làm vợ. Cô gái lúc ấy nhất quyết không đồng ý và nói rằng mình còn phải đi học.

Sơ nhất quyết không đồng ý cưới theo tục “kéo” vợ vì cô muốn được đi học. (Ảnh: FB S.T.S)


Sơ cũng chia sẻ quan điểm của mình về tục “kéo” vợ với Sinh viên Việt Nam: “Bản chất của tục “kéo vợ” là không xấu nhưng mình nghĩ trường hợp của mình thì thật sự tiêu cực. Khi người con gái không thích họ nhưng họ vẫn cố tình “kéo” người ta về thì danh dự của cô gái sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”. Hơn thế, với cô, hôn nhân phải dựa trên sự tự nguyện và tôn trọng từ hai phía.

Quyết tâm trở thành luật sư để giúp đỡ người đồng cảnh

Sau những lần bị làng xóm dị nghị, xì xầm bàn tán về mình, Sơ cảm thấy xót xa và thương bố mẹ. Bởi bố mẹ là người luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để cô và các em được học tập. Sơ cũng rất biết ơn khi bố mẹ nghe tất cả những điều tiếng ấy nhưng vẫn không bỏ mặc cô.


“Những cô gái trong làng thường lấy chồng từ năm THCS, rất ít ai chịu đi học tiếp. Nhưng bố mẹ mình luôn ủng hộ niềm đam mê học tập. Những lúc khó khăn, mình đã từng nghĩ đến việc bỏ học để đi làm, nhưng sau tất cả mình vẫn kiên trì đến hiện tại”, Sơ chia sẻ thêm với Sinh viên Việt Nam.

Bố mẹ luôn ủng hộ Sơ trên con đường học tập. (Ảnh: FB S.T.S)

Nhiều năm liền Sơ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. (Ảnh: FB S.T.S)

Bỏ qua những lời đàm tiếu từ hàng xóm láng giềng, Sơ vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ luật sư. Và sau tất cả cố gắng, “trái ngọt” thật sự đã đến với cô gái nghị lực. Khoác lên mình bộ áo cử nhân, trở thành sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, Sơ là niềm tự hào của gia đình. Vì điều kiện gia đình không khá giả nên Sơ vẫn đi làm thêm để trang trải học phí và nhiều khoản sinh hoạt khác trên Hà Nội.

Cô gái người Mông đã thật sự chạm tới giấc mơ giảng đường, mặc láng giềng đàm tiếu. (Ảnh: FB S.T.S)


Chia sẻ về việc lựa chọn ngành Luật, Sơ cho biết: “Mình muốn đem những điều bản thân học được phổ cập về địa phương. Nhưng nếu chỉ có mình thôi thì không đủ. Hơn nữa, nếu không có tiếng nói thì mình không làm được gì cả, vì mình không thể thay đổi được suy nghĩ của mọi người trong tức khắc. Nhưng mình đang cố gắng từng ngày và mình hy vọng mình sẽ làm được nó, hoàn thiện nó trong tương lai”. Sơ mong rằng sau khi ra trường, mình sẽ có công việc ổn định để lo cho các em ăn học, phụ giúp kinh tế gia đình.

Cô mong muốn trở thành luật sư để giúp đỡ các cô gái đồng cảnh ngộ. (Ảnh: FB S.T.S)

Giống như Sùng Thị Sơ, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, cặp chị em thủ khoa Mai Thơm - Anh Thơ cũng khiến nhiều người cảm phục vì nghị lực học tập phi thường. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, 2 người vẫn vươn lên và đạt được thành tích học tập xuất sắc. Với số điểm 26.75, người chị Mai Thơm đã trở thành thủ khoa của trường THPT Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) - trường mà 2 chị em đang theo học. Tuy nhiên, vì kinh tế gia đình khó khăn nên Mai Thơm dự định nghỉ học để đi làm thêm phụ giúp bố mẹ, nhường suất đi học lại cho người em gái sinh đôi là Anh Thơ.

Hoàng Thị Mai Thơm - thủ khoa khối C00 nhưng lại dự định bỏ học vì kinh tế gia đình khó khăn. (Ảnh: VietNamNet)

Bạn nghĩ thế nào về hành trình vươn tới ước mơ giảng đường đầy chông gai của cô gái người Mông này? Hãy để lại bình luận cho mọi người cũng biết nhé!


Và đừng quên, cùng YAN cập nhật những tin tức nóng hổi!

Có thể thấy, trong cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện thuận lợi để theo đuổi con chữ. Trường hợp của em Sùng Thị Sơ - nữ sinh dân tộc Mông phía trên chính là minh chứng cho điều này. Tuy nhiên, vượt lên tất cả khó khăn, thử thách trong cuộc sống, cô gái người dân tộc Mông vẫn quyết tâm theo đuổi con chữ, làm chủ cuộc sống của chính mình. Nghị lực của cô gái đã khiến không ít người ngưỡng mộ, là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.


Xem thêm thông tin tương tự TẠI ĐÂY.

Chia sẻ Facebook