Vướng chính sách, tài sản được tài trợ trong dịch COVID-19 không xác lập được quyền sở hữu toàn dân

Chia sẻ Facebook
30/05/2023 09:36:03

VietTimes – Đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng những tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch như máy móc, thiết bị y tế hiện không thể xác lập quyền sở hữu toàn dân, để ngành y tế tiếp tục sử dụng, nên rất lãng phí.


Vấn đề trên đã từng được lãnh đạo các bệnh viện đưa ra, và nay, một lần nữa được đặt lên bàn nghị sự, khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 . Vướng mắc này khiến ngành y tế dù đang có những tài sản đó vẫn không sử dụng được.

Trong khi đó, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm lại không hướng dẫn hoặc đề xuất xử lý.

Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Không xác lập được quyền sở hữu toàn dân với tài sản được tài trợ


Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đại dịch, các cơ sở y tế, các địa phương đã vận động được số lượng lớn kinh phí và hiện vật cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng kiểm soát đại dịch COVID-19.


Tuy nhiên, nay lại không thể xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch. Bởi theo Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước phải có “ hợp đồng tặng cho tài sản trong trường hợp chuyển giao dưới hình thức tặng cho và theo quy định của pháp luật phải lập thành hợp đồng”.

Nhưng, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không nêu cụ thể trường hợp nào phải lập thành hợp đồng tặng, cho tài sản. Mặt khác, hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản còn bao gồm bảng kê chủng loại, số lượng, khối lượng, giá trị, hiện trạng của tài sản.


Trong đó việc xác định giá trị tài sản được quy định tại khoản 3, Điều 4, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ: "Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường".

Trong khi, trên thực tế “chống dịch như chống giặc”, nhiều đơn vị tiếp nhận hiện vật tài trợ chỉ tiếp nhận về số lượng mà không có đơn giá, không xác định được giá trị, nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị hàng tài trợ, hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ chênh lệch rất lớn so với thị trường và cổng thông tin của cơ quan chức năng.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều nơi tiếp nhận tài trợ để phục vụ phòng, chống dịch, nhưng giờ không chuyển sang phục vụ việc khám chữa bệnh thông thường được

Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản để xác lập sở hữu toàn dân khi hiện chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định giá trị hàng hóa tài trợ, và trong việc quản lý tài sản tài trợ, tặng, cho theo quy định của Luật kế toán. Có trường hợp nhà tài trợ chỉ định đơn vị nhận; thiếu hợp đồng cho, tặng; nhà tài trợ không cung cấp giá trị hàng hóa, tài sản nên khó khăn trong xác lập sở hữu toàn dân cũng như quản lý, sử dụng.


Theo Đoàn giám sát của Quốc hội , còn rất nhiều vướng mắc trong thanh toán, quyết toán, bàn giao tài sản, xác lập sở hữu toàn dân đối với các tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ, như việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế; sử dụng số thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị đã mua từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác khám, chữa bệnh COVID-19 chuyển sang khám, chữa bệnh thông thường; mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ; việc xử lý tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng nhưng không có đầy đủ hồ sơ, không đủ thủ tục, không xác định được giá trị để xác lập sở hữu tài sản công; thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, quyết toán, bàn giao, quản lý, sử dụng đối với bệnh viện dã chiến, khu thu dung, điều trị COVID-19...

Trong đại dịch, nhiều nơi phải vay mượn vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch, nhưng nay vẫn không trả được vì chưa có phương án tháo gỡ

Vay vật tư để chống dịch, giờ vẫn chưa trả nợ

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, đại dịch COVID-19 chưa hề có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó lường, nên việc cung ứng vật tư, hóa chất, sinh phẩm đòi hỏi cấp bách. Song do nhiều nguyên nhân, các mặt hàng y tế khan hiếm, giá cả thường xuyên dao động, xảy ra tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân

Để có vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch, một số địa phương phải vay mượn các đơn vị khác và nhà cung cấp. Nhưng nay, dịch đã được kiểm soát, vẫn còn nhiều địa phương đang nợ vật tư, sinh phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19 mà chưa có phương án tháo gỡ để trả nợ.

“Để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan sớm tham mưu, có phương án xử lý vướng mắc nêu trên” - bà Ngân đề xuất.

Hà Giang cũng vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn diện đối với tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch. Đại biểu Tráng A Dương nêu ý kiến, trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, hầu hết các trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng, chống dịch phải phân bổ ngay cho các cơ sở y tế để kịp thời điều trị cho người bệnh, tránh dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Song, các tài sản trên chưa được thực hiện thủ tục xác lập sở hữu toàn dân.

Theo ông Dương, quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 29 của Thủ tướng Chính phủ, hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản của các tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước phải có hợp đồng tặng, cho tài sản trong trường hợp chuyển giao dưới hình thức tặng, cho và theo quy định của pháp luật phải lập thành hợp đồng. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không nêu cụ thể trường hợp nào phải lập thành hợp đồng tặng, cho tài sản.

Đại biểu Tráng A Dương

Đại biểu đến từ đoàn Hà Giang cho rằng, trong đại dịch, hầu hết các nhà tài trợ chỉ có biên bản xác nhận mà không ký hợp đồng tài trợ trực tiếp với đơn vị được phân bổ hàng tài trợ, dẫn đến khó khăn cho việc xác lập sở hữu toàn dân về tài sản được tài trợ, tặng, cho.

Mặt khác, hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản còn bao gồm bảng kê chủng loại, số lượng, khối lượng, giá trị hiện tại của tài sản, trong đó, việc xác định tài sản được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 29 của Chính phủ là xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân diện theo cơ chế thị trường.

"Trên thực tế, nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị tài sản hoặc giá trị tài trợ, biên bản tài trợ có sự chênh lệch rất lớn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường và cổng thông tin của các cơ quan chức năng" - ông Dương nhấn mạnh.

Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định tài sản xác lập sở hữu toàn dân hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể trong việc xác định giá trị hàng hóa tài trợ, xác định giá trị tài trợ căn cứ vào hóa đơn nhà tài trợ cung cấp; hay giá trị hợp đồng tài trợ, chứng thư thẩm định giá, báo giá có đủ cơ sở làm căn cứ xác định giá trị tài trợ trong trường hợp tài sản đã được cho, tặng, tài trợ nhiều năm nhưng chưa được xác lập sở hữu toàn dân.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, đại biểu Tráng A Dương đề nghị Quốc hội quy định rõ nghị quyết giám sát chuyên đề về việc giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ, cho, tặng, biếu trong phòng, chống dịch COVID để quản lý, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế xác định tính giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế./.

Chia sẻ Facebook