Vườn đào héo rũ, lão nông mất hàng tỷ đồng: Tết này trắng tay

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 00:45:32

Bà con tại làng Sa Cát (tỉnh Thái Bình) hiện đang đau lòng nhìn những cây đào héo dần, lo lắng về một cái Tết trắng tay cận kề vì thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.


" Đào héo thì chỉ có nước đào gốc, nhổ bỏ chứ không vớt vát được nữa. Tôi còn đang lo khách quen nhiều năm thuê đào, rồi khách gửi gốc thuê mình chăm sóc giờ không biết lấy đâu ra đền bù cho họ ", đó là lời chia sẻ của ông Vũ Duy Phiên - giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phường Hoàng Diệu (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) với báo Tuổi Trẻ khi chứng kiến cả chục ngàn gốc đào ở làng hoa Sa Cát tại địa phương bị khô, hỏng không còn khả năng cứu chữa. Người dân nơi đây hiện đứng ngồi không yên trước nguy cơ trắng tay khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận kề.

Nhiều cây đào ở làng Sa Cát (tỉnh Thái Bình) đang héo úa dần. (Ảnh: Báo Thái Bình/Vietnamnet)

Người dân đối mặt với mùa vụ mất trắng. (Ảnh: Thanh Niên)

Thông tin từ Thanh Niên, có khoảng 200 hộ dân ở phường Hoàng Diệu (TP. Thái Bình) trồng hơn 40.000 gốc đào với diện tích tầm 16 hecta, sẵn sàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thế nhưng hiện tại, đã có hơn 1 nghìn gốc đào của khoảng 150 hộ dân bị héo úa, phải phá bỏ.

Hơn 1 nghìn gốc đào bị héo úa, phải phá bỏ. (Ảnh: Thanh Niên)

Ông Phiên cho biết trong vườn nhà ông có hàng trăm cây đào bị héo, mỗi 100 gốc đào như vậy thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Đây là một hiện tượng rất hiếm gặp, mọi người suy đoán do hồi tháng 9, mưa dày và nhiều, nước không kịp rút nên cây đào mới bị úng nước, hỏng rễ.

Với gia đình ông Nguyễn Văn Phương (65 tuổi, ở phường Hoàng Diệu), hơn 300 gốc đào đang xanh mướt bỗng trở nên rũ rượi dần trong 1 tháng trở lại đây. Cả vợ chồng ông lo lắng, xót xa đến mất ăn mất ngủ. Nếu như mọi năm, mỗi vụ đào ông thu về khoảng 700 triệu tiền lãi thì hiện tại, ông ước tính lỗ khoảng 1 tỷ đồng chi phí chăm sóc, coi như mất trắng.

Người dân thu gom những gốc đào khô héo. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Nhà ông Vũ Ngọc Tĩnh (cùng ở phường Hoàng Diệu) cũng trồng hơn 200 gốc đào nhưng hiện tại đã "bay màu" quá nửa. Không chỉ thiệt hại 3 triệu đồng cho mỗi cây bị héo, ông còn đau đầu vì không biết lấy đâu ra tiền đền bù cho số đào được khách gửi nhờ chăm sóc.

Không chỉ mất của, người dân còn đau đầu vì không biết lấy tiền đâu ra để đền bù cho khách gửi nhờ chăm sóc. (Ảnh: Tuổi Trẻ)


Đồng cảnh ngộ, anh Vũ Đình Thăng chia sẻ với Báo Thái Bình: " Năm nay gia đình tôi đầu tư trồng 250 gốc đào lớn 2 - 3 năm tuổi và 300 gốc đào nhỏ với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng. 2/3 số cây đã được tuốt lá để nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Nhưng bây giờ đã hỏng mất quá nửa. Năm ngoái, gia đình tôi thu lãi từ trồng đào 600 triệu đồng, năm nay có lẽ nguồn thu chỉ khoảng 200 triệu đồng mà từ giờ đến Tết cũng chưa biết thế nào, còn phụ thuộc vào thời tiết và thị trường ".

Anh Vũ Đình Thăng xót xa nhìn những cây đào trong vườn dần "bay màu". (Ảnh: Báo Thái Bình)


Còn ông Vũ Huy Giảng cũng "đứng ngồi không yên", đau lòng nhìn những cây đào héo úa trong vườn. Ông cho biết đã trồng đào cảnh nhiều năm nhưng đây là lần đầy tiên gặp trường hợp cây héo úa hàng loạt như vậy, thử cách nào cũng không thể cứu vãn, đành bất lực để người ta nhổ về làm củi. " Vườn đào cảnh gần 500 cây của tôi bị hỏng gần hết, giờ chỉ còn khoảng 100 cây. Chắc chắn năm nay gia đình tôi thất thu, giờ chỉ hy vọng thời tiết thuận lợi để gỡ gạc lại chút vốn từ số cây đào còn sống ", ông bộc bạch.

Cây đào giá trị héo khô. (Ảnh: Vietnamnet)

Dân xót xa chặt đào về làm củi. (Ảnh: Vietnamnet)

Vốn dĩ phường Hoàng Diệu là địa phương có tiếng với nghề trồng đào Tết, nguồn thu hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng trước tình thế hiện tại, nhiều hộ dân vốn phụ thuộc vào công việc này để mưu sinh đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Họ chỉ còn cách cố gắng chăm sóc những cây đào còn sống thật tốt nhưng có lẽ cũng khó nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.

Hiện tại vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác vì sao các gốc đào tại làng Sa Cát (tỉnh Thái Bình) lại bị hư hại nhưng thiệt hại đã lên đến hàng tỷ đồng đối với các hộ bà con trồng đào tại địa phương. Trồng đào vốn là tâm huyết và nguồn thu nhập chính của các gia đình làm nghề này nên đây là một tổn thất vô cùng lớn đối với họ. Hi vọng rằng người dân trồng đào sẽ tìm được cách khắc phục, giảm thiểu thiệt hại về mùa vụ đào năm nay sẽ ở mức thấp nhất có thể.


Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY

Chia sẻ Facebook