Vùng Lugansk đóng vai trò quan trọng ra sao?
Ngày 3-7, Nga cho biết các lực lượng của họ đã giành quyền kiểm soát vùng Lugansk ở phía đông của Ukraine. Vùng đất này đóng vai trò ra sao trong chiến sự tại Ukraine?
Lugansk (hay Luhansk) trước đây là Voroshilovgrad, một thành phố công nghiệp với 1,5 triệu dân và có trữ lượng than khổng lồ.
Kể từ sau Thế chiến thứ hai, nhiều người Nga xuất hiện tại khu vực này khi công nhân Nga được cử đến đây làm việc.
Xung đột từ năm 2014
Sau khi ông Viktor Fedorovych Yanukovych, cựu Tổng thống Ukraine thân với Matxcơva, bị lật đổ trong cuộc biểu tình lớn vào tháng 2-2014, Nga đã đáp trả bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea.
Vào tháng 4-2014, các các phiến quân do Nga hậu thuẫn đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ ở các vùng Donetsk và Lugansk, tuyên bố thành lập "các nước cộng hòa nhân dân" và đối đầu với quân đội Ukraine.
Tháng sau, hai khu vực ly khai nói trên tổ chức trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Kiev và phương Tây cho rằng Nga đã xúi giục 2 khu vực này nổi dậy, đồng thời đưa vũ khí và quân đội qua biên giới để hỗ trợ. Mátxcơva bác bỏ cáo buộc, nói rằng người Nga tham chiến ở vùng ly khai đều là tình nguyện viên.
Giữa những trận chiến ác liệt với xe tăng, pháo hạng nặng và chiến đấu cơ, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine vào ngày 17-7-2014, khiến 298 người thiệt mạng.
Một cuộc điều tra quốc tế kết luận rằng chiếc máy bay bị bắn rơi bởi tên lửa do Nga cung cấp từ lãnh thổ do phiến quân kiểm soát ở Ukraine. Mátxcơva phủ nhận mọi liên quan.
Thỏa thuận Minsk
Sau thất bại nặng nề của quân đội Ukraine vào tháng 8-2014, các phái viên từ Kiev, quân nổi dậy và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ký một thỏa thuận ngừng bắn tại thủ đô Minsk của Belarus vào tháng 9 cùng năm.
Thỏa thuận nhanh chóng sụp đổ và giao tranh quy mô lớn lại tiếp tục, dẫn đến một thất bại lớn khác của các lực lượng Ukraine tại thành phố Debaltseve (thuộc Donetsk) trong 2 tháng đầu năm 2015.
Pháp và Đức làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình khác, được ký kết tại Minsk vào tháng 2-2015 bởi các đại diện của Ukraine, Nga và phe nổi dậy.
Thỏa thuận bao gồm lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng và một loạt động thái hướng tới một dàn xếp chính trị.
Theo Hãng tin AP, thỏa thuận năm 2015 buộc Ukraine phải trao quy chế đặc biệt cho các khu vực ly khai, cho phép họ thành lập lực lượng cảnh sát riêng và có tiếng nói trong việc bổ nhiệm các công tố viên và thẩm phán địa phương.
Thỏa thuận Minsk đã giúp chấm dứt giao tranh toàn diện, nhưng tình hình vẫn căng thẳng và các cuộc giao tranh vẫn thường xuyên tiếp diễn.
Vì sao Lugansk quan trọng?
Khu vực Donbass nói chung và 2 vùng Donetsk và Lugansk nói riêng là mục tiêu của chiến dịch quân sự của Nga. Theo báo New York Times, việc kiểm soát Lugansk giúp Nga bố trí lực lượng xa hơn về phía tây, về phía thành phố Kramatorsk ở Donetsk, một trong những thành phố lớn cuối cùng ở Donbass còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Nếu Kramatorsk thất thủ, lực lượng Nga sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass. Khi đó, Tổng thống Nga Putin có thể tuyên bố chiến thắng và dùng khu vực này như đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai với Ukraine.
Việc nắm giữ Donbass cũng sẽ mở rộng "cây cầu trên bộ" của Mátxcơva, nối lãnh thổ Nga với Crimea. Đây cũng lý do chính khiến thành phố cảng phía nam Mariupol của Donetsk đã trở thành tâm điểm cho các cuộc tấn công của Nga.
Ngoài ra, theo Đài CNBC, một "chiến thắng" ở miền đông Ukraine không chỉ là chìa khóa đối với Nga về mặt chiến lược quân sự, nó cũng có giá trị kinh tế đáng kể.
Bản thân Donbass là một khu vực công nghiệp hóa nặng, nổi tiếng với ngành khai thác than và trữ lượng than lớn mà Nga có thể tiếp cận nếu sáp nhập toàn bộ khu vực.