Vùng đất thiêng thờ 3 thủy tổ

Chia sẻ Facebook
07/12/2022 10:55:28

Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là vùng đất thiêng với 3 thủy tổ: Kinh Dương Vương, “Nam Giao Học Tổ” Sĩ nhiếp, Tổ chùa Phật giáo Việt Nam.

Gò đất thiêng thờ tổ

Gò đất cao ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng là nơi thờ thủy tổ người Việt trong huyền sử là Kinh Dương Vương.

Theo Lĩnh Nam Chích Quái thì cháu 3 đời của Thần Nông là Đế Minh sinh ra con cả là Đế Nghi. Khi Đế Minh đi tuần thú phương nam thì gặp và cưới con gái bà Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Ngay từ tấm bé Lộc Tục đã thể hiện rất thông minh và đoan chính.

Đế Minh rất ngạc nhiên trước tư chất thông minh và tài trí của Lộc Tục nên muốn chọn làm người nối ngôi, nhưng Lộc Tục lại muốn nhường ngôi cho anh mình là Đế Nghi.

Cuối cùng Đế Minh quyết định truyền ngôi cho con trưởng Đế Nghi làm vua phương bắc, và cho Lộc Tục làm vua phương nam, lấy sông Dương Tử làm giới tuyến.

Lộc Tục khi lên ngôi Vua lấy hiệu là Kinh Dương Vương, năm 2879 trước công nguyên đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, biên giới phía bắc tới Động Đình Hồ, phía nam giáp với nước Hồ Tôn, phía tây giáp với Ba Thục, phía đông giáp với biển Nam Hải.

Kinh Dương Vương thường đi kinh lý khắp nơi nhằm trông nom, gây dựng, mở mang, gìn giữ bờ cõi. Ngài lập làng, dạy dân cày cấy, đào giếng, trồng ngũ cốc.

Tương truyền ngài còn dạy dân nhìn bóng nắng đoán giờ, định hướng đông tây nam bắc, cách tính thời tiết 4 mùa, giúp dân hiểu về âm dương ngũ hành.

Kinh Dương Vương được thờ phụng ở làng Á Lữ bên con sông Đuống ở ngoài đê, ngày nay chính là lăng Kinh Dương Vương. Cách Lăng vài trăm mét là đền thờ Kinh Dương Vương. Đến nay Lăng và Đền thờ vẫn còn lưu lại nhiều sắc phong, thần phả, câu đối, đồ thờ từ các triều đại khác nhau.


Trên Lăng có hai chữ Hán viết theo lối Khải thư là “bất vong” tức không bao giờ mất. Trải qua thời gian, gò đất cao bên sông Đuống vẫn không bị bào mòn đúng như hai chữ “bất vong” này.

“Nam Giao Học Tổ” Sĩ Nhiếp


Cách lăng Kinh Dương Vương không xa là đền thờ “Nam Giao Học Tổ” Sĩ Nhiếp ở làng Tam Á, xã Gia Đông.

Vào thời thuộc Hán, Giao Châu là vùng đất rộng lớn bao gồm cả quận Thương Ngô (Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay). Sĩ Nhiếp sinh ra và lớn lên ở Thương Ngô trong gia đình người Hoa nhưng rất nhiều đời sinh sống ở Giao Châu. Khi được nhà Hán cử làm Thái thú Giao Châu, Sĩ Nhiếp đã xây dựng Giao Châu độc lập không phụ thuộc vào nhà Hán. Trong lịch sử các triều đại cũng xem đây là giai đoạn độc lập của dân tộc.

Sĩ Nhiếp trị quốc kính trên nhường dưới nên rất được lòng dân, giúp Luy Lâu trở thành một trung tâm văn hóa lúc bấy giờ, khiến vùng đất Giao Châu yên bình và trở thành nơi lánh nạn của các danh sĩ nhà Hán vốn đang trong thời kỳ Tam Quốc khói lửa binh đao.

Sĩ Nhiếp dạy chữ Hán và Nho giáo cho dân chúng. (Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Dù Sĩ Nhiếp không xưng Vương, nhưng dân chúng đều tôn kính gọi ông là Vương, các nhà sử học sau này cũng gọi ông là Vương.


Dưới thời Sĩ Nhiếp chữ Hán lần đầu tiên được truyền và giảng dạy rộng rãi trong dân chúng, Sĩ Nhiếp tận tay dạy chữ Hán và “Thi Thư” cho dân. Chữ Hán được phát triển trong thời gian này, các bậc sĩ phu người Hán đến Giao chỉ lánh nạn cũng dạy chữ và truyền văn hóa cho người Việt, các bài văn khắc trên tấm bia đều bằng chữ Hán. Thời này Giao Châu không chỉ được yên ổn mà văn hóa cũng phát triển. Từ đó chữ Hán được lưu truyền qua các thời kỳ khác nhau, đến thời nhà Lý về sau tổ chức các kỳ thi Nho học tìm bậc hiền tài giúp nước đều là dùng chữ Hán.

Chữ viết phát triển, người dân tổ chức những ngày hội cùng nhau bình văn, thi thơ. Các làng nghề cũng phát triển mạnh trong thời gian này, đặc biệt là khu vực Luy Lâu với hàng chục làng nghề như đúc đồng, canh cửi, làng tranh, v.v..


Chính vì Sĩ Nhiếp có công truyền dạy chữ nghĩa và văn hóa mà các đời Vua sau này sắc phong cho ông là “Nam Giao Học Tổ” .

Gò đất cao phía tây bắc cuối làng Tam Á được cho là nơi Sĩ Nhiếp cho xây trường và lần đầu tiên truyền giảng chữ Hán và Nho gia. Chính vì thế mà khi ông mất dân chúng tưởng nhớ ân đức mà đặt lăng mộ của ông tại chính nơi này.

Chùa Tổ – Một trong những chiếc nôi của Phật Giáo

Thời thuộc Hán, Luy Lâu là thủ phủ của Giao Châu, đây cũng là trung tâm văn hóa, kinh tế và thương mại, đồng thời cũng là chiếc nôi của Phật giáo.


Theo “Lĩnh Nam chích quái” , vào thời Thái thú Sĩ Nhiếp có vị sư Già La Đồ Lê từ Thiên Trúc đến làm trụ trì ở chùa Phúc Nghiêm (nay ở làng Mèn, xã Hà Mãn, Bắc Ninh), dân chúng tin theo rất đông. Theo các ghi chép cổ khác thì dân chúng gọi Già La Đồ Lê là sư Khâu Đà La.

Hiện trong chùa vẫn lưu giữ các cổ vật quý giá như tượng thờ, bia đá, sắc phong của các triều đại, hoành phi, câu đối… các ghi chép cổ về sư Khâu Đà La truyền Phật Pháp và các truyền thuyết liên quan đến ông.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook