“Vùng 1.200 – 1.250 là hỗ trợ mạnh, chứng khoán Việt Nam sẽ tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm”

Chia sẻ Facebook
10/08/2022 13:39:41

Chuyên gia DSC cho rằng P/E vào thời điểm đáy của thị trường chỉ khoảng 11 lần. Nếu so sánh trong quá khứ của thị trường Việt Nam thì đây là mức P/E rất rẻ và hấp dẫn, kể cả trong trường hợp mức chi phí vốn của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhiều so với thời điểm 2020-2021.

Trong những phiên gần đây, thị trường đang có sự hồi phục khá tích cực, mang lại cơ hội không nhỏ cho những nhà đầu tư nhanh nhạy. Tuy vậy, sự hồi phục có thực sự bền vững hay không vẫn là điều khó giải đáp với số đông nhà đầu tư.

Tại Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Trương Thái Đạt, Phó Giám đốc Khối Phân tích CTCP Chứng khoán DSC đã có những chia sẻ quan điểm về diễn biến cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.

BTV Mùi Khánh Ly: Điều gì khiến thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ rệt trong những phiên gần đây?


Ông Trương Thái Đạt, Phó Giám đốc Khối Phân tích Công ty CP Chứng khoán DSC: Một trong những yếu tố khiến thanh khoản tăng trở lại là lượng tiền chờ đợi từ tài khoản của nhà đầu tư vẫn duy trì ở mức cao. Và lý do tại sao dòng tiền trong thời gian vừa qua vẫn chưa tham gia trong vòng tháng 6, tháng 7, thậm chí tháng 4, tháng 5 là bởi họ vẫn chờ đợi những thời điểm quan trọng của thị trường, nhưng cuối tháng 7 có rất nhiều nút thắt về thời điểm của thị trường đã được giải tỏa.

Thứ nhất, thời điểm về kỳ họp cuối tháng 7 của FED, kỳ vọng về lãi suất mục tiêu cho cuối năm đã giải tỏa một phần những tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Thứ hai, không chỉ thị trường Việt Nam hồi phục và bản thân thị trường quốc tế, thị trường Mỹ, các chỉ số lớn của thị trường Mỹ như S&P500, Nasdaq cũng đã hồi phục 15-20% kể từ vùng đáy và cũng đã vượt qua được những kháng cự mạnh. Với sự cải thiện của thị trường quốc tế như vậy đã giúp cho tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam có được sự cải thiện rõ ràng hơn.

Điểm thứ ba đó là kết quả kinh doanh của quý 2/2022 vừa qua có sự lo ngại không đạt được như kỳ vọng, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại mức tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trung bình đạt 24%. Với sự giải tỏa ba yếu tố về mặt thời điểm đó đã giúp cho dòng tiền chờ đợi bên ngoài tham gia vào thị trường một cách mạnh mẽ hơn.

Yếu tố nào khiến dòng vốn ngoại có xu hướng mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua?

Lý do thứ hai là sức mạnh của đồng USD. Trong vòng một đến hai tuần trở lại đây, chỉ số USD có sự điều chỉnh bởi GDP của thị trường Mỹ cũng đã suy giảm 2 quý liên tiếp và sự kỳ vọng của nhà đầu tư lúc này là những chính sách thắt chặt FED sẽ không có tốc độ gia tăng nữa, từ đó sức mạnh của đồng USD sẽ không gia tăng mạnh mẽ hơn và khiến cho hiệu quả đầu tư ở các thị trường ngoài thị trường Âu Mỹ sẽ có được hiệu quả đầu tư cao hơn. Đó là lý do tại sao dòng vốn ngoại lựa chọn thị trường Việt Nam. Lý do thứ ba theo tôi là bởi những nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc nâng cấp từ hệ thống T+3 lên hệ thống T+2 như hiện tại và những tiêu chí để giúp nâng hạng của thị trường trong thời gian tới.

Vậy theo ông, các dòng tiền kể trên có bền vững và kéo dài được lâu hay không?

Nếu nói riêng về dòng vốn quốc tế thì khi xét về mức thanh khoản của thị trường quốc tế trong thời gian gần đây cũng có sự suy giảm đáng kể khi nhìn vào các chỉ số lớn hay nhìn vào chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Từ đầu năm 2020 trở lại đây, họ đã bơm ròng ra ngoài thị trường qua kênh trái phiếu đến 6.000 tỷ USD. Trong khi đó, từ giữa năm 2022, họ bắt đầu thu ròng trở lại 95 tỷ USD/tháng qua kênh trái phiếu và những động thái thắt chặt khác đã khiến cho thanh khoản của thị trường chứng khoán Âu, Mỹ đang bị suy giảm rất nhanh chóng.

Mặc dù thị trường Việt Nam hấp dẫn nhưng thanh khoản của thị trường quốc tế đang có sự suy giảm mạnh sẽ khó để chúng ta có thể duy trì được một dòng vốn nước ngoài đổ vào mạnh hơn tại thị trường Việt Nam.


Liệu thị trường thời gian tới có tích cực hơn?

Cá nhân tôi cho rằng, sự rung lắc mạnh trong thời gian vừa qua ở khu vực 1.200 điểm là giai đoạn khó khăn của thị trường Việt Nam. Trừ khi bối cảnh về mặt vĩ mô, về mặt chính sách của thị trường Việt Nam và thị trường Mỹ không có quá nhiều điều bất ngờ thì thị trường sẽ có bức tranh lạc quan hơn rất nhiều từ nay cho đến cuối năm và khu vực 1.200 điểm đến vùng 1.250 điểm sẽ là khu vực hỗ trợ mạnh.

Vậy nhà đầu tư nên hành động ra sao trong nhịp hồi phục này?

Đối với chiến lược sẽ tùy thuộc vào ưu tiên của nhà đầu tư là giao dịch ngắn hạn hay giao dịch dài hạn. Về giao dịch ngắn hạn thì khi quan sát sự cải thiện của dòng tiền thời gian gần đây cũng như sự vững chắc của chỉ số ở xung quanh vùng 1.150 cho đến vùng 1.200 thì việc tham gia giải ngân trong giai đoạn hiện tại là một phương án hợp lý.

Tuy nhiên, sẽ phải ưu tiên trong việc quản trị rủi ro, xem xét cổ phiếu đã tăng bao nhiêu phần trăm từ khu vực đáy. Ví dụ như không tham gia những cổ phiếu đã tăng trên 50% từ khu vực đáy hay đã vượt ra khỏi mức quản trị rủi ro trên 15% và sau đó xem xét những cổ phiếu có được tốc độ tăng trưởng trong quý 2/2022 ấn tượng và áp dụng chiến lược đà tăng trưởng. Những nhóm cổ phiếu như ngân hàng với tốc độ hồi phục về lợi nhuận sau thuế đạt ở mức 33%, hay như nhóm công nghệ thông tin cũng đã đạt được mức 39%, thậm chí nhóm dầu khí đạt trên 400%.

Đối với chiến lược đầu tư dài hạn sẽ quan sát những cổ phiếu có mức chiết khấu sâu do yếu tố chu kỳ và về hoạt động kinh doanh cốt lõi thì có thể không bị ảnh hưởng nhiều, chẳng hạn như nhóm ngành ngân hàng hay những cổ phiếu bán lẻ, điện, nước hay công nghệ.

Trước tình hình thị trường vẫn còn tiềm ẩn những bất định, nhiều nhà đầu tư muốn ưu tiên nắm giữ tiền mặt, theo ông đây có phải là phương án đầu tư hiệu quả?

Về việc nắm giữ tiền mặt trong tài khoản từ 20-30% ở mọi thời điểm luôn tạo ra sự linh hoạt cho tài khoản cũng như có một bước đệm trong việc đối phó với những sự rung lắc của thị trường.

Tuy nhiên, việc nắm giữ 100% tiền mặt trong một số thời điểm chúng ta xem xét về hiệu quả sử dụng vốn, thay vì việc nắm giữ tiền mặt thì có thể đầu tư ở những sản phẩm có mức biến động thấp hơn, chẳng hạn như trái phiếu, hoặc có thể lựa chọn những sản phẩm có mức thanh khoản cao hơn như gửi tiết kiệm. Trong thời điểm hiện tại, tôi cho rằng có thể giải ngân một phần tài khoản vào cổ phiếu.

Chia sẻ Facebook