'Vụn ký ức' và 'Nửa lời chưa nói' đoạt giải nhì Văn học tuổi 20

Chia sẻ Facebook
24/05/2022 17:18:50

Giống như mùa giải lần thứ 6, Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 tiếp tục không có giải nhất. Hai giải nhì được trao cho truyện dài 'Vụn ký ức' của Yang Phan và tập truyện ngắn 'Nửa lời chưa nói' của Duy Ân.

Tác giả Yang Phan (thứ 2 từ trái) nhận giải nhì từ ban tổ chức - Ảnh: L.ĐIỀN


Xếp kế tiếp trong bảy tác phẩm đoạt giải lần này là hai giải ba: Vệt sáng của bụi (Lê Quang Trạng) và Chuồng cọp trên cao (Nguyễn Thu Hằng); ba giải tư gồm: Bảy bảy bốn chín (Hoàng Công Danh), Chopin biến mất (Hiền Trang) và Có thú dữ trong thành phố (Nguyên Nguyên).

Với 511 tác phẩm gửi về dự giải, việc chọn ra 7 tác phẩm cuối cùng xứng đáng nhận phần thưởng cao nhất là một thử thách cho hội đồng giám khảo.


Theo nhận định chung, các tác phẩm lần này đều thể hiện được cái nhìn của người trẻ về cuộc sống hôm nay - như chủ đề giải thưởng nêu ra: Tuổi 20 hôm nay - cuộc sống và góc nhìn . Tuy nhiên, giữa việc nhìn cuộc sống và nhìn cuộc sống bằng trang viết lại là một ngạch cửa, để từ đó văn chương được bước ra.

Nói về việc hay dở của văn chương thường phụ thuộc nhiều yếu tố, kể cả khẩu vị nhận xét. Tuy nhiên nhìn khách quan theo các nhà chuyên môn, mỗi tác phẩm đoạt giải đều phải có "cái gì đó đáng đọc". Nếu không đạt mức hạn cuối cùng này, sự trình hiện tác phẩm cho dù nhân danh điều gì cũng dễ thành làm phiền người đọc. Đó là chưa kể các ngộ nhận có nhãn mác lại càng nguy hiểm cho những tác giả đang dấn bước vào văn chương.


Giải tư có Bảy bảy bốn chín của Hoàng Công Danh, một truyện dài dung lượng vừa phải, cách viết tiết chế được nhà phê bình Ngô Văn Giá nhận xét là "Văn viết già dặn, tinh luyện. Tập trung vào tình trạng hôn nhân, gia đình trẻ đổ vỡ do thiếu kỹ năng sống, thiếu nền tảng nhân văn… Tác phẩm đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư. Mạch truyện nhất quán mà lại mở, gợi. Lối văn lôi cuốn, hấp dẫn. Một tác phẩm đẹp về lời văn nghệ thuật, tuy buồn nhưng chan chứa chất nhân văn, làm thao thức người đọc…".


Chopin biến mất của Hiền Trang là một truyện dài với không gian được "Tây hóa", được Hội đồng chung khảo nhận xét: "Có chất suy tưởng siêu hình (nói về cái hư vô, kết hợp thực và ảo), hứa hẹn một triển vọng về chất suy tưởng chiều sâu. Người viết theo đuổi một Cái Đẹp có tính lý tưởng. Khả năng tưởng tượng tốt, thông minh".


Tập truyện ngắn Có thú dữ trong thành phố của Nguyên Nguyên được PGS.TS Nguyễn Thành Thi cho rằng "tác giả ướm mình vào trải nghiệm tất cả các nghịch cảnh có thể có, và niềm khát khao thoát khỏi các nghịch cảnh ấy của tất cả các nhân vật trong tập truyện: nghịch cảnh của tuổi trẻ, tình yêu, sự cô độc, nỗi đau,…

Đây là những vấn đề của thế hệ, thời đại thể hiện bằng lối viết hiện đại. Tập truyện đặt ra những vấn đề trong đời sống của người trẻ hôm nay và gợi cho người đọc những suy nghĩ khá mới mẻ, sâu sắc trên tinh thần phản tỉnh".

Các tác giả đoạt giải tư (thứ 2 từ trái qua): Hiền Trang, Nguyên Nguyên, Hoàng Công Danh


Giải ba có một phát hiện đáng kể là Nguyễn Thu Hằng với tập truyện ngắn Chuồng cọp trên cao . Tâm sự tại lễ nhận giải, Thu Hằng kể rằng ngoài niềm yêu thích văn chương lâu nay thì giọt nước tràn ly để cô đến với Văn học tuổi 20 là lời động viên khích lệ của nhà giáo - nhà văn Trần Quốc Toàn.


Tập truyện của Thu Hằng được Hội đồng chung khảo nhận định: "Lời văn dịu ngọt, lối viết tỉ mỉ trân trọng chất thơ của đời sống. Bông gạo trắng ngần, Trâu nước, Chiếc vòng hương là những truyện trong sáng, kín đáo, ý nhị mang lại nhiều bâng khuâng. Các truyện khác - Bước gió; Người đã qua sông; Cánh hoa bay - khi khai thác vốn trải nghiệm sở trường của tác giả, đều có chiều sâu và sức truyền cảm riêng. Nhìn chung tập truyện viết khá đều tay".


Vệt sáng của bụi nhận được sự tin tưởng từ Hội đồng chung khảo: "Lấy hiện thực miền Tây Nam Bộ (không gian, con người, lối sống, ngôn ngữ, tập quán…) làm bối cảnh cho các câu chuyện. Truyện rất có không khí. Lối viết khá tự nhiên, vững tay, không bị gò gẫm. Kết mở, ấm áp. Đây là một cây bút có triển vọng".

Hai tác giả Nguyễn Thu Hằng (trái) và Lê Quang Trạng nhận giải ba


Hai giải nhì cũng nhận được không ít tin tưởng và kỳ vọng từ Hội đồng chung khảo. Nhà phê bình Ngô Văn Giá nhìn Vụn ký ức của Yang Phan thuộc dòng văn chương "cất lên từ văn hóa, từ học vấn, tri thức, từ nghề nghiệp chuyên môn".

Theo ông, "Yang Phan khắc họa một con người bằng cách kết nối các vụn ký ức, để qua đó thể hiện những suy ngẫm về con người như một thực thể không ai/không bao giờ biết hết và sự đỏng đảnh của ký ức về con người. Những mảnh vụn chân dung của cá nhân không chỉ cho thấy sự bí ẩn của bản thể mà còn cho thấy tính chất mảnh vụn của ký ức".


Với Nửa lời chưa nói của Duy Ân, giám khảo - nhà báo Thúy Nga ghi nhận: "Khả năng hài hước đáng quý, diễn đạt thông minh, đối thoại sắc sảo. Một thế giới trẻ rộng mở, một đời sống bận rộn rất đặc thù của hôm nay, và những mối bận tâm đương đại… hiện ra khá đa dạng, vừa đơn giản vừa phức tạp. Đặc biệt, đề tài về ngôn ngữ xuất hiện trong truyện một cách thú vị, sâu sắc, gây không ít bất ngờ. Một cây bút trẻ có triển vọng".

Lễ trao giải lần này vắng mặt Duy Ân do tác giả đang du học tại Mỹ, cha là Nguyễn Đình Cân đến nhận thay.

Yang Phan (thứ 2 từ trái) nhận giải nhì

Khép lại một mùa giải, những tác phẩm bắt đầu đời sống thực của mình khi hội nhập vào thị trường văn chương. Và các tác giả cũng còn cả một hành trình dài để đi với những trang viết, mà giải thưởng hôm nay cũng sẽ chỉ là một kỷ niệm ban đầu, hy vọng là cũng có ít nhiều ấn tượng với mỗi người.

Ban tổ chức giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 (2019 - 2022) vừa công bố 7 tác phẩm đoạt giải mặc dù chưa công bố thứ hạng cụ thể cho từng tác phẩm.

Chia sẻ Facebook