Vui vẻ tip khi đi nhà hàng cao cấp nhưng lại "ki bo" với hàng rong
Nhiều người khi đến những nhà hàng sang trọng thường vui vẻ, thoải mái tip cho nhân viên. Thế nhưng, khi ra ngoài, họ lại mặc cả từng đồng với người bán hàng rong vì cho rằng những người này không nói đúng giá.
Tiền tip chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong một vài năm trở lại đây nhưng đã được nhiều người đón nhận. Dù rằng, trong văn hóa tip tiền vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi. Đặc biệt, một số người cho rằng có những người chỉ tip tiền khi đi nhà hàng sang trọng để thể hiện đẳng cấp của mình, còn với những người bán hàng nhỏ lẻ thì lại mặc cả từng đồng, từng cắc.
Văn hóa tip tiền có từ đâu
Văn hóa tiền tip đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu ở các nền văn hóa khác nhau. Từ điển Online Etymology định nghĩa thuật ngữ tiền tip bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 16 ở phương Tây. Ban đầu, tiền tip là khoản tiền nhỏ để gửi thêm cho những người lao động, người phục vụ có thu nhập thấp như một hình thức biểu đạt lòng biết ơn và tôn trọng những người đã phục vụ mình. Dần dần, khoản tiền này trở nên phổ biến trong ngành dịch vụ. Thậm chí, ở một số quốc gia, đây còn là điều bắt buộc.
Ở Việt Nam, khoản tiền tip này còn được nhiều người gọi là “tiền bo”. Tuy nhiên, tiền tip ở Việt Nam không bắt buộc, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nếu cảm thấy hài lòng với dịch vụ, khách hàng có thể gửi thêm một khoản tiền nho nhỏ thay cho lời cảm ơn. Tùy từng vùng, khu vực, mỗi nơi sẽ có những quy định riêng cho tiền tip. Thậm chí, ở một số khu vực, gửi tiền tip còn bị coi là không tôn trọng người phục vụ. Một số nhà hàng, quán ăn cũng không cho phép nhân viên nhận tiền tip vì với họ, phục vụ khách hàng nhiệt tình là trách nhiệm, nghĩa vụ.
Vui vẻ tip tiền khi đến nơi sang trọng, cao cấp
Khi đến ăn uống, sử dụng dịch vụ ở những nơi sang trọng, nhiều người thường gửi thêm tiền tip cho nhân viên phục vụ. Bởi lẽ, họ cho rằng nhân viên ở đó đã phục vụ rất tận tâm thì gửi thêm một chút thay cho lời cảm ơn hoàn toàn phù hợp. Đó không chỉ đơn giản là sự ghi nhận cho công sức của người phục vụ mà còn là sự bày tỏ lòng biết ơn với những gì mà chúng ta vừa được đối đãi.
Văn hóa tip tiền hoàn toàn bình thường, nó chỉ đơn giản là sự hài lòng của khách hàng cũng như thúc đẩy nhân viên chăm sóc khách tốt hơn. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc ép buộc. Ngay cả khi không có tiền tip thì nhân viên vẫn phải phục vụ khách hàng nhiệt tình vì đó là trách nhiệm và họ đã được trả lương đầy đủ.
Tuy vậy, một số người còn tip tiền vì xuất phát từ sự hào nhoáng của bản thân. Họ cho rằng, đến nơi sang trọng, cao cấp thì con người mình cũng phải đắt giá lên. Chính vì vậy, họ sẵn sàng tip thêm cho nhân viên vài trăm nghìn cho tới cả triệu đồng. Anh T. (30 tuổi), trưởng phòng một công ty ở Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Khi đến nhà hàng mình thường tip thêm cho nhân viên khoảng 100 - 200 nghìn đồng. Mình nghĩ rằng ăn cả bữa vài triệu đồng còn được thì tip thêm cho họ một chút thì có sao. Họ đã phục vụ mình cả bữa ăn, không tip thì hơi kỳ”.
Đồng quan điểm với anh T., chị L. (27 tuổi) cũng cho biết: “Mình cũng hay tip thêm khi đến nơi sang trọng. Nhiều người chắc sẽ nghĩ là sĩ diện hão nhưng mình thấy có tiền đi ăn ở nơi đắt đỏ mà không có nổi vài trăm tip thì cũng không được”. Thậm chí, ngay cả khi tiền tip đã được tính trực tiếp vào hoá đơn nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng “bo” thêm nếu thấy hài lòng. Dường như, ở các nhà hàng sang trọng, tiền tip cũng là cách để người ta chứng tỏ đẳng cấp của mình.
Mặc cả từng đồng với người bán hàng rong
Vui vẻ khi tip tiền cho nhân viên phục vụ trong các nhà hàng sang trọng nhưng với những nhà hàng bình dân, những người bán hàng rong thì khoản tiền này hầu như không bao giờ có. Dù rằng người bán hàng rong thường là những người làm việc trong điều kiện khó khăn, cuộc sống cũng gặp nhiều vất vả. Thế nhưng, họ dường như không nhận được sự tôn trọng cao. Dịch vụ của họ thường không được đánh giá cao và không được đánh giá ngang với mức giá của một bữa ăn tại nhà hàng cao cấp.
Thậm chí, một số người còn cho rằng những người bán hàng rong thường “thách” giá, không đảm bảo sự trung thực nên cần phải mặc cả để đạt đúng giá. Trên thực tế, tình trạng không niêm yết về giá có xảy ra tại nhiều khu chợ, nhiều tiểu thương thường nói giá cao hơn nhiều với mong muốn có được món lời nhiều. Do đó, nhiều người thường có thói quen mặc cả từng đồng khi đi chợ.
Trên thực tế, việc này là hoàn toàn bình thường vì nó dựa trên cơ sở “thuận mua, vừa bán”. Tuy nhiên, tiền tip đối với người bán hàng rong có thể mang lại một ý nghĩa rất lớn đối với họ. Đó được coi như một phần hỗ trợ tài chính quan trọng và có thể giúp cải thiện cuộc sống của họ. Tiền tip với người bán hàng rong không chỉ là một cách để biểu dương sự cống hiến của họ, mà còn là một hành động nhân đạo, cho thấy sự chia sẻ và sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Mặc dù số tiền tip tiền cho người bán hàng rong có thể không lớn, nhưng nếu chúng ta xem xét từ góc độ tổng thể, tổng số tiền thu được từ việc tip có thể có tác động tích cực đến cuộc sống của họ. Điều này không chỉ mang lại lợi ích vật chất, mà còn tạo ra một tinh thần đồng lòng và sự đồng cảm trong xã hội, tạo ra một môi trường tích cực và hỗ trợ cho những người gặp khó khăn.
Bạn nghĩ sao khi tip tiền cho người bán hàng rong, có cảm thấy nó xứng đáng hay không? Cùng chia sẻ quan điểm dưới phần bình luận với YAN nhé!
Văn hóa tip đang dần phổ biến ở Việt Nam. Tiền tip giống như lời cảm ơn vì sự phục vụ nhiệt tình mà nhân viên đã dành cho họ. Đó cũng là một phần để giúp những người lao động có thể gia tăng thu nhập, có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề tip lại có nhiều tranh cãi khi một số người chỉ "bo" cho nhân viên ở những nơi sang trọng nhưng đối với những người lao động phổ thông, bán hàng bình dân thì lại mặc cả từng đồng một. Với việc tip tiền, chúng ta hãy tip khi chúng ta thực sự cảm thấy hài lòng với những gì nhận được chứ không phải vì ở nơi sang chảnh hay chỉ muốn thể hiện đẳng cấp.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !