Vui buồn ngày 20/11

Chia sẻ Facebook
11/11/2023 03:55:34

Quảng trường nơi tôi đi bộ thể dục hàng ngày, giờ có hàng chục nhóm học sinh mỗi chiều ra đấy tập văn nghệ, nhiều cháu mặc nguyên đồng phục, đa phần là tập múa, báo hiệu mùa hai mươi tháng mười một đang đến.

Thì cũng mấy động tác cơ bản, với gậy, với nón, với quạt, với dải lụa... nhưng huyên náo hẳn góc quảng trường.

Hàng năm, tới ngày này là không khí nhộn nhịp hẳn lên. Đơn giản vì, ai cũng từng là học sinh. Và trong mỗi gia đình, thế nào cũng có ít nhất một người liên quan tới ngành giáo.

Nó là sự tri ân, là truyền thống tôn sư trọng đạo của một dân tộc hiếu học. Dù thế nào, tác động gì đi nữa, thì cái tình cảm thầy trò vẫn luôn trong veo và bất tử như thế. Những ông thầy tóc bạc phơ tới thăm những ông thầy tóc bạc phơ hơn ngày xưa dạy mình đã từng làm xốn xang biết bao con tim...

Ở thành phố, tới những ngày này là từng đoàn học sinh tới thăm thầy cô của mình. Hoa, trái cây và cả... phong bì. Rất nhiều chuyện bi hài diễn ra xung quanh những ngày này. Nhiều khi tưởng chỉ tấm lòng là đủ rồi, nhưng cũng không hẳn thế. Nhớ hồi đi học phổ thông, tôi ở vùng chè Thanh Hóa, ngày này mỗi đứa túm một túm chè xanh tới nhà cô, đi bộ cả chục cây số, nhiều hôm cô bảo ở lại ăn cơm với nhà cô, cả đám ăn như thần trùng chả thèm để ý nồi cơm nhà cô vơi hay đầy.

Vẫn thành phố, vì cứ từng đoàn vèo vèo như thế, nên năm nào cũng có tai nạn xảy ra. Nhiều cô giáo thương học trò, nói trước, đừng đến nhà cô, cũng đừng đi xe máy bạt mạng. Nhưng nào có được. Tất nhiên bọn học trò láu cá cũng “chế” ra nhiều chuyện hay, ví như trước hôm hiến chương cô “vô tình” bảo, nhà cô nhiều tranh lắm rồi, đừng mang đến không có chỗ treo.

Thì cũng thành phố, phụ huynh giờ cũng rất... tiện thể. Có tài khoản của cô để chuyển tiền học thêm hàng tháng rồi, ting một phát, em XYZ chúc mừng cô nhân ngày nhà giáo. Tiện đáo để.

Nhưng vùng sâu vùng xa thì không thế.

Bao nhiêu năm tôi ngang dọc Tây Nguyên, có cô giáo bảo, ngày ấy chỉ mong học trò đi học đủ sĩ số. Có cô bảo, đời em chưa từng được nhận hoa ngày này. Là cái hồi cách đây mươi năm. Giờ học trò vùng cao cũng biết rồi, trên đường tới lớp, chúng hái hoa dại ven đường, từ xuyến chi, dã quỳ, tới hoa sim mua, hoa dong giềng, làm một ôm tới tặng cô. Vui như... hiến chương nhà giáo.

Nhiều cô thì chơi ngược, ngày này chuẩn bị kẹo bánh cho học trò. Số này không ít, ngày thường cũng phải  bỏ tiền mua kẹo bánh sách vở dụ chúng đi học, ngày này, tự tay cắm một bình hoa dại, đợi học trò tới phát cho mỗi đứa một cái kẹo, rồi nói cho chúng biết ý nghĩa của ngày này, như một tiết học ngoại đề...

Hôm nọ một tờ báo đăng tin: Một lớp học ở Nghệ An thu bảy trăm ngàn một học sinh để tập văn nghệ chuẩn bị cho ngày hai mươi tháng mười một. Tìm hiểu kỹ thì đây là do hội phụ huynh của một lớp tổ chức thu, và... chưa thu thì bị phản ứng nên không thu nữa. Theo dự toán thì năm trăm ngàn cho việc tập và diễn, hai trăm ngàn mua đồng phục diễn văn nghệ.

Việc diễn văn nghệ của các cháu học sinh là nên làm, cho nó vui trong ngày này, nhưng về cơ bản là để các cháu tự tập, như những cái nhóm tôi gặp mấy ngày nay ở quảng trường đi bộ ấy. Các cháu rất sáng tạo, không cần người lớn can thiệp. Chúng sẽ biết tận dụng các mối quan hệ của phụ huynh để nhờ người này người kia hướng dẫn, hoặc chúng tự nghĩ ra thông qua tham khảo trên mạng, chúng sẽ biết tận dụng quần áo có sẵn, đồ dùng trong nhà để thành trang phục, đạo cụ diễn vân vân, và để chúng coi đấy là cuộc chơi tự do của chúng, phát huy tính tự lập của chúng, thỏa sức tưởng tượng và khả năng sáng tạo của chúng.

Cũng hôm qua một tờ báo lại đưa tin: Một trường học vùng biên giới ra thông báo không nhận quà nhân ngày hai mươi tháng mười một, vận động phụ huynh và học sinh không tới nhà thầy cô giáo ngày này.

Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) ra thông báo quán triệt học sinh, phụ huynh học sinh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên và lãnh đạo trường tặng quà nhân ngày 20/11.

“Theo lãnh đạo nhà trường, việc tri ân thầy, cô giáo không nhất thiết cứ phải đến tận nhà thăm hỏi và tặng quà. Các em học sinh chỉ cần ngoan ngoãn, lễ phép, chăm học, học giỏi, tặng các thầy cô những bông hoa điểm 10 đã món quà tuyệt vời với thầy cô giáo”.

Theo tôi đây cũng là một cách ứng xử đẹp, bởi đây là trường vùng sâu vùng xa, học sinh và cả phụ huynh đều nghèo. Một người tới, một người tặng quà, sẽ kéo theo nhiều người, sẽ tạo nên sự phiền toái và cả ganh đua so sánh. “Ea Huar là xã đặc biệt khó khăn của huyện Buôn Đôn; nơi đây đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó, nhà trường không muốn phụ huynh và học sinh phải suy nghĩ và lo lắng đến việc tặng quà cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường; việc không tặng quà thầy, cô giáo sẽ tạo ra sự đối xử công bằng với tất cả các em học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng mong góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông bởi qua theo dõi thông tin báo chí, có trường hợp học sinh gặp nạn thương tâm khi đi tri ân thầy, cô”. Lý do nó giản dị thế.

Như đã nói, tôi đi rất nhiều các trường vùng sâu vùng xa ở Tây Nguyên, mới đây lại đi Hà Giang, gặp một số thầy cô giáo cắm bản. Mong ước lớn nhất của họ là, học sinh đi học đủ sĩ số, và học sinh được ăn no để học. Một số trường lấy bữa ăn để “dụ” học sinh đi học, nên cái chương trình “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn mới đắc dụng đến thế.

Thì, muôn hình vạn trạng ngày hai mươi tháng mười một. Có ai lớn lên, trưởng thành mà không qua tay các thầy cô giáo, tính chi li thì mỗi người trưởng thành phải có tới cả ngàn người thầy dạy dỗ mình, nên sự tri ân nó hoàn toàn là trách nhiệm, là lương tâm của mọi người và mỗi người. Tất nhiên hoàn cảnh của mọi người và mỗi người nó khác nhau nên sự tri ân nó cũng khác nhau.

Bản thân tôi, vừa là trò và cũng từng là thầy, ngày này cũng có niềm vui của thầy và cũng có trách nhiệm của trò...

Sống tốt, sống có ích là cách trả ơn tốt nhất tới thầy cô mình ngày này, và không chỉ ngày này, thì tôi nghĩ thế.


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook