“Vua trà xứ Huế” chia sẻ về sự thích nghi giữa thời đại số
“Vua trà xứ Huế” chia sẻ về sự thích nghi để sản phẩm đến gần với người tiêu dùng giữa sự phát triển không ngừng của công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Khởi nghiệp chỉ với cách thức “marketing” truyền miệng…
Danh trà Đức Phượng, tên thật là Nguyễn Văn Phượng (SN 1969), địa chỉ tại số 14, đường Nguyễn Huệ, phường Phước Vĩnh,TP.Huế từ lâu được người dân Cố đô biết đến với sự gắn liền cùng thương hiệu “Trà cung đình Huế” nức tiếng bốn phương về chất lượng.
Đó là loại trà thảo mộc mà một khi du khách về với Huế không thể không tìm đến mua để thưởng thức và làm quà. Với việc đưa một sản phẩm trà mang đậm phong vị của xứ kinh kỳ đi khắp các vùng miền và ra cả thế giới, danh xưng “Vua trà Huế” đã được người dân Cố đô đặt cho ông chủ thương hiệu “Trà cung đình Huế”.
Ông Phượng khởi nghiệp tương đối muộn, khi bản thân đã bước qua tuổi 35. Giờ đã trên 50 tuổi, ông có thể bình tâm nhìn lại con đường gian truân mình đi qua, để tự hào khẳng định bản thân đã khởi nghiệp thành công. Có được những thành tựu như hôm nay, người đàn ông ấy đã phải đánh đổi không ít sức lực. Bởi, đường đến thành công, có bao giờ chỉ lát toàn hoa hồng?
Buổi ban đầu lập nghiệp việc tạo ra được sản phẩm chất lượng đã khó nhưng để đưa sản phẩm ra thị trường, đến tận tay người tiêu dùng lại càng khó hơn.
Chia sẻ về những ngày đầu maketting sản phẩm, danh trà Đức Phượng cho biết, lúc ấy do vốn ít nên ông không có tiền để quảng bá sản phảm trên phương tiện thông tin đại chúng mà chỉ mang sản phẩm đến ký gửi ở tất cả các cửa hàng có thể ký gửi được. Chính những người bán hàng uống thử thấy ngon, lại đứng ra quảng cáo khách mua. Thời điểm đó, bằng phương thức quảng cáo truyền miệng này, sản phẩm trà ông Phượng đã đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất và cũng hiệu quả nhất.
Ông Phượng kể, để hiệu quả cao hơn, ông còn tận dụng đội ngũ xe ôm, xe thồ, xe xích lô, các hãng xe chuyên chở khách du lịch đến Huế “tuyên truyền” về đặc sản trà cung đình, mà ai đến Huế cũng nên mua về làm quà. Chính những vòng xe lăn bánh trên mọi nẻo đường xứ Huế, đã góp phần đưa danh tiếng của trà cung đình vang xa.
Nhanh chóng thích nghi giữa thời đại số
Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, hiện nay với sự phát triển như vũ bão của thời đại công nghệ thông tin cùng sự “bá chủ” của mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử thì để sản phẩm đến với tay người tiêu dùng, quan điểm về quảng cáo truyền thông của danh trà Đức Phượng cũng bắt đầu thay đổi để thích nghi.
“Đặc biệt, trải qua trận đại dịch Covid-19 vừa qua, khi xu hướng người mua chuyển sang dần online, tôi càng thấm nhuần về tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng”, ông Phượng chia sẻ.
“Vua trà xứ Huế ” nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp.
Theo đó, những khó khăn lớn các doanh nghiệp gặp phải là thiếu vốn, công nghệ, nguồn nhân lực; năng lực quản trị yếu; tiếp cận thông tin thị trường, đặc biệt, trong các hoạt động tiếp thị, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngại thay đổi, chưa nghiên cứu và nắm bắt thông tin thị trường một cách nhanh nhạy dẫn đến hàng hóa sản xuất không được tiêu thụ; chi phí tiếp thị lớn mà không mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Trong xu hướng hiện nay, khách hàng hướng đến các sản phẩm xanh, sạch, an toàn môi trường…, do đó, doanh nghiệp có thể đổi mới về quy trình sản xuất, quy trình cung ứng sản phẩm hay đổi mới về bao bì sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường. Khách hàng thời đại công nghệ số có xu hướng mua online nên mong muốn được trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ để tăng tính kiểm chứng trước khi mua.
“Hiện ngoài có một website riêng mang tên tracungdinhhue.com.vn, chúng tôi còn áp dụng các hình thức bán hàng online trên nền tảng mảng xã hội. Không chỉ vậy, sản phẩm trà Cung đình Huế còn có mặt trên các sàn giao dịch thương mại để tiếp cận với người dùng nhiều hơn”, danh trà Đức Phượng nói.
Ông Phượng nói thêm, khi sản phẩm của mình xuất hiện trên nền tảng internet, thì các thông tin cụ thể về sản phẩm càng phải công khai, minh bạch để người tiêu dùng tin tưởng. Theo đó, sản phẩm “Trà cung đình Huế - Đức Phượng” được ông tinh chế từ 16 vị thảo dược khắp ba miền Nam, Trung, Bắc như Atiso, hoa cúc, cỏ ngọt, hoài sơn, đẳng sâm, đại táo, hồng táo, hồi hoa, cam thảo bắc, hoa lài, hoa hòe, thảo quyết minh, khổ qua, kỷ tử, vối nụ, tim sen. Sau khi bào chế qua các công đoạn bí truyền, trà sẽ được chọn giờ để “sao vàng hạ thổ” theo quy luật âm – dương. Đặc biệt, sản phẩm không sử dụng bất kỳ loại hóa chất phụ gia nào. Các thành phần của trà, hay các công dụng như: Giấc ngủ ngon, giảm huyết áp, giảm cholesterol và tăng cường sức đề kháng…luôn được ông Phượng công khai trên bao bì.
“Giữa thời đại số này, với sự xuất hiện nhan nhản của nhiều thương hiệu trà thảo mộc, một số người quan niệm mảng maketting quan trọng hơn nhưng với tôi, marketing đó không phải là ưu tiên hàng đầu. Sự phát triển không ngừng của công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu, ta vẫn phải thích nghi để phù hợp với xu thế, tâm lý người tiêu dùng, nhưng sự cốt lõi để thành công vẫn phải chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất”, danh trà Đức Phượng khẳng định.
Hiện các sản phẩm của Trà Cung đình Huế - Đức Phượng được người dùng trong và ngoài nước ưa chuộng; 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có đại lý phân phối và tại các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Co.opmart, Big C, AEONMall... đều đã có sản phẩm Trà Cung đình Huế.
Lê Kông