"Vua tôm" Minh Phú: Lợi nhuận tại Mỹ gần như không có, tại sao cứ phải bám trụ?
Chi phí tăng cao bào mòn lợi nhuận, kèm theo rắc rối phát sinh từ những vụ kiện chống bán phá giá khiến ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú tuyên bố giảm tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Chi phí logistics bào mòn lợi nhuận
Trong nhiều năm liên tiếp, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn số 1 của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, chiếm 34% tỷ trọng. Có thời điểm con số này lên gần tới gần 41%.
Tuy nhiên, Mỹ cũng đồng thời cũng là thị trường “sóng gió” nhất với công ty này khi liên tiếp xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế,… Tới khi đại dịch xảy đến, Minh Phú đối mặt với giá cước vận tải sang Mỹ tăng tới gần gấp 6.
Trong một động thái mới đây, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, người được biết đến với biệt danh “vua tôm” bất ngờ tuyên bố sẽ giảm tỷ trọng vì chi phí quá cao, bào mòn gần hết lợi nhuận.
“Thuế (thuế chống bán phá giá - PV) giảm có mấy % nhưng chi phí tăng lên gấp nhiều lần. Trong kinh doanh chúng ta phải làm vì lợi nhuận. Thế nhưng hiện nay, bán hàng tại Mỹ không có lợi nhuận, thủ tục pháp lý phức tạp, thì tại sao chúng ta cứ phải bám trụ?”,
Một trong những vấn đề mà Minh Phú không thể giải quyết được khi xuất khẩu tôm sang Mỹ đó là chi phí logistics tăng quá cao.
Theo dữ liệu từ trang Intrafish, nếu như ở thời điểm trước đại dịch COVID-19 (năm 2019) giá cước vận tải 1 container từ Việt Nam chỉ 3.800 USD thì đến năm 2022, con số này lên tới 21.000 USD/container.
Trong khi đó, giá cước của các nước đối thủ là Ecuador và Ấn Độ vốn có lợi thế về giá tôm nguyên liệu rẻ, nay được lợi thế cả về cước vận tải lần lượt ở mức 6.500 USD/container và 14.000 USD/container do ở vị trí gần Mỹ hơn so với Việt Nam.
Giá cước tăng cao nhưng có tiền cũng chưa chắc đặt được tàu khi các cảng ở Mỹ liên tục trong tình trạng quá tải, tàu cập bến xếp hàng la liệt ngoài biển để chờ gỡ hàng xuống và container rỗng mất nhiều thời gian để quay vòng. Điều này gây ra tình trạng thiếu container rỗng.
“Minh Phú chấp nhận trả 20.000 USD/container miễn sao có tàu, chúng tôi chấp nhận theo giá thị trường”,
Theo ông Quang, thời gian vừa rồi, vì muốn giữ thị trường Việt Nam, một số hàng tàu Trung Quốc để giá 15.000 USD/container. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đấu tranh đòi giảm xuống 12.000 USD/container. Trước vấn đề xung đột lợi ích, kèm theo tình hình thiếu container, nên sau đó, nhiều hãng tàu hạn chế đưa container vào Việt Nam khiến tình hình càng trở nên khó khăn.
Ngoài cước tàu cao, và khan hiếm container, việc hệ thống cảng biển và kho bên Mỹ đang trong tình trạng quá tải, kéo dài thời gian xử lý các đơn hàng.
Khi hàng đã vào bãi rồi cũng vô cùng khó khăn và lâu. Từ bãi về kho thường gặp tình trạng thiếu xe tải. Thời gian chuyển hàng từ bãi đến kho, và từ kho này đến kho khác lại phải chờ đợi thời gian dài.
“Nhiều khi khách có nhu cầu mua hàng để xuất đi luôn nhưng không có người đến lấy để giao cho khách. Thế nên, chúng tôi thấy rằng đã đến lúc giảm tỷ trọng thị trường Mỹ xuống và tăng thị trường khác lên. Bán hàng sang Mỹ lúc đầu thấy lời đấy, thế nhưng tính toán chi phí vào cũng hết lời luôn, thậm chí còn lỗ. Thế nên, Minh Phú cần thay đổi chiến lược”
Trước đó, Minh Phú và đối tác chiến lược Nhật Bản là Mitsui có ý định hợp tác với Công ty Cổ phần Gemadept để đầu tư cảng ở Mỹ nhưng vì vấn đề an ninh quốc gia nên dự án này không được cấp phép.
Minh Phú và Gemadept từng hợp tác xây dựng Kho lạnh Mekong logistics ở Hậu Giang với sức chứa 50 nghìn pallet, đồng thời là một trong những kho lạnh đơn hiện đại có quy mô lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.
Thị trường phức tạp với những vụ kiện chống bán giá
Một lý do khác khiến ông Quang không còn muốn bám đuổi thị trường Mỹ vì những rắc rối từ các vụ kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế.
Gần đây nhất, đầu năm 2020, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) thông báo áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và áp dụng ký quỹ tạm thời ở mức 10% với các lô hàng xuất khẩu vào nước này.
Theo đó, Minh Phú bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm nguyên liệu của Ấn Độ (vốn đang chịu thuế chống bán phá giá) vào Mỹ. Đến đầu năm 2021, công ty được “minh oan” và mức thuế chống bán phá giá trở về 0%.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, ông Quang cho biết Minh Phú chịu áp lực rất lớn về truyền thông trong nước, ngoài nước, đồng thời phải dồn nguồn lực để xử lý công việc phát sinh từ vụ kiện.
“Để chứng minh Minh Phú trong sạch, chúng tôi phải thuê luật sư bên Mỹ với giá rất cao mới có cơ hội thắng và phải xử lý số lượng báo cáo khổng lồ mà lẽ ra mất 3 năm mới xong trong khi phía Mỹ chỉ cho 3 - 6 tháng. Chúng tôi tập trung tất cả lực lượng cán bộ có khi dừng sản xuất luôn để tập trung vào báo cáo",
Nguồn lực theo đuổi vụ kiện kèm theo trở ngại của dịch COVID-19 khiến kết quả sản xuất, kinh doanh của Minh Phú trong năm 2020 không đạt kế hoạch.
Cụ thể, Minh Phú chỉ đạt hơn 73% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế và doanh thu đạt 93% kế hoạch.
Trong đó, doanh thu từ thị trường Mỹ giảm tới 39% xuống 149 triệu USD. Tỷ trọng của thị trường này giảm gần 13 điểm phần trăm xuống 25,25%.
Tuy nhiên, đến năm 2021, sau khi Minh Phú thắng vụ kiện, tỷ trọng thị trường Mỹ phục hồi lên 34% và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 48% lên 221 triệu USD.
Trước đó, Minh Phú cũng từng phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ kéo dài nhiều năm và phải nhờ đến sự can thiệp của WTO.
Vụ việc bắt đầu năm 2004 và phải đến đầu năm 2016, căn cứ phán quyết của WTO, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Minh Phú.
“Tiến trình để đưa ra khỏi danh sách xem xét chống bán phá giá vào Mỹ mất rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp và đòi hỏi phải có tiềm lực kinh tế. Minh Phú xem Mỹ là thị trường trọng điểm nên chấp nhận theo đuổi tiến trình đạt kết quả”.
Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Sao Ta và công ty lựa chọn tập trung nguồn lực cho 2 thị trường lớn nhất thay vì theo đuổi tiến trình đưa tên ra khỏi danh sách xem xét thuế chống bán phá giá vào Mỹ.
Minh Khôi
Theo Trí Thức Trẻ