"Vua thép" Trần Đình Long vươn tầm khu vực: 33% doanh thu đến từ xuất khẩu và "núi tiền" hơn 2 tỷ USD
Tính trung bình trong năm 2021, mỗi ngày Hoà Phát thu về 413 tỷ đồng doanh thu và 94,5 tỷ đồng LNST, tính cả ngày nghỉ. Do đó, không quá bất ngờ khi Hoà Phát đang là doanh nghiệp sở hữu "núi tiền mặt" lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong giai đoạn Covid nhiều doanh nghiệp chủ động co cụm để giữ an toàn thì có một số doanh nghiệp chủ động vươn tầm khu vực, đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu.
Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm thép năm 2021 của Việt Nam đạt kết quả tích cực, đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với hơn 12,7 tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.
Trong số này, riêng Tập đoàn Hoà Phát thu về hơn 49.000 tỷ đồng doanh thu từ xuất khẩu, tương đương hơn 2,13 tỷ USD, chiếm 33% tổng doanh thu của toàn tập đoàn.
Năm 2021, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh đóng góp một phần quan trọng trong tổng sản lượng của Hoà Phát. Mặc dù 2021 nền kinh tế chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi các đợt giãn cách xã hội, song tổng sản lượng bán hàng các loại phôi thép, thép xây dựng, ống thép và tôn mạ của Hoà Phát vẫn đạt 8.871.000 tấn, tăng 35% so với 2020. Thép xây dựng và ống thép Hoà Phát tiếp tục duy trì thị phần số 1 trên thị trường lần lượt là 32,6% và 24,8%.
Năm 2021, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn Hoà Phát đạt 150.865 tỷ đồng và 34.521 tỷ đồng LNST, tăng trưởng lần lượt 65% và 55,6% so với cùng kỳ 2020, vượt 26% và 92% kế hoạch kinh doanh.
Khi Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất hoạt động full công suất, tầm nhìn của ông Trần Đình Long đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Năm qua, "vua thép" đẩy mạnh giao thương quốc tế khi mua mỏ quặng sắt Roper Valley ở Australia với trữ lượng ước tính 320 triệu tấn, cho công suất khai thác khoảng 4 triệu tấn/năm. Tầm nhìn của Hoà Phát trong các năm tới sẽ mua thêm mỏ than và mỏ sắt ở Úc nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn, tương đương 10 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, ông Trần Đình Long năm qua còn mua 3 tàu tải trọng lớn trong đó hai chiếc tàu biển chở hàng rời cỡ lớn là The Evolution và The Harmony với trọng tải 90.000 tấn mua vào đầu năm và cuối năm mua thêm tàu The Prosperity tải trọng hơn 80.000 tấn, đều được đóng ở Nhật Bản để chủ động nhu cầu vận chuyển nguyên liệu than, quặng cho tập đoàn. Giai đoạn chi phí logistic tăng vọt, Hoà Phát đã giảm được thiệt hại đáng kể nhờ chủ động được đội tàu.
Nắm giữ hơn 2 tỷ USD tiền mặt, đang vay ngân hàng hơn 60.000 tỷ đồng
Mặc dù sở hữu núi tiền mặt khổng lồ, Hoà Phát hiện vẫn đang đi vay hơn 60.000 tỷ đồng, trong đó hơn 46.200 tỷ là vay ngắn hạn. Hoà Phát cho rằng hệ số nợ ngân hàng trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn tại thời điểm cuối năm 2021 ở mức 0,63 lần, nợ vay ngân hàng ròng trên vốn chủ sở hữu hiện ở mức 0,18 lần, là mức trung bình thấp về sử dụng đòn bẩy tài chính. Tập đoàn cho rằng, dù là năm có mốc vay nợ ngân hàng cao nhất từ trước tới nay do quy mô tăng mạnh (tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2021 là 178.200 tỷ, tăng 36% so với 2020), nhưng tỷ lệ nợ vẫn được kiểm soát ở mức an toàn, giúp tập đoàn có sức bật rất mạnh trong tương lai gần.
Hoà Phát đẩy mạnh vay nợ để tập trung nguồn lực cho dự án gang thép Dung Quất 2, chuẩn bị khởi công vào tháng 5/2022, đơn vị thi công là Coteccons. Dự án khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có diện tích dự kiến 283,73 ha tại xã Bình Đông và xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Công suất dự án dự kiến là 5,6 triệu tấn/năm; riêng thép cuộn cán nóng (HRC) dự kiến 4,6 triệu tấn/năm (tăng so với mức dự kiến 3 triệu tấn/năm trước đây); thép thanh, thép dây chất lượng cao 1 triệu tấn/năm. Dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.
Khi đó, tổng sản lượng của Thép Hòa Phát Dung Quất đạt 11 triệu tấn thép/năm, đóng góp ngân sách khoảng 18 nghìn tỷ đồng.
Năm 2021, Hoà Phát nộp ngân sách Nhà nước 12.500 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ 2020, trong đó 3 tỉnh Hoà Phát đóng góp ngân sách nhiều nhất là Quảng Ngãi, Hưng Yên và Hải Dương.
Sẽ phát triển 10 khu công nghiệp trong 10 năm tới
Giai đoạn tới sẽ là giai đoạn Hoà Phát đẩy mạnh mảng bất động sản. Năm 2021, các khu công nghiệp của Hoà Phát đã được bàn giao 42 ha đất, tăng mạnh so với năm 2021. Doanh thu lĩnh vực BĐS tăng 126% so với năm 2020.
Kế hoạch 10 năm tới, tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp hiện nay đang có.
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500 ha, đóng góp vào quá trình đô thị hoá các khu dân cư hiện hữu của địa phương.
Cuối năm 2022, Hoà Phát sẽ đưa vào chạy thử Nhà máy sản xuất container.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid 19 xuyên suốt. Nghị quyết 01/NQ- CP được ban hành ngày 09/01 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022. Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
Theo Châu Cao
Nhịp sống kinh tế