Vừa ra trường bố mẹ đã áp cả tá KPI: Hết có việc, mua nhà đến kết hôn
Nhiều người trẻ mới chân ướt chân ráo bước vào đường đời, bố mẹ đã đặt sẵn cả đống mục tiêu cho. Đáng nói, việc nào cũng phải làm càng sớm càng tốt, chỉ nghĩ đến thôi đã mệt cả người.
Có rất nhiều người trẻ tưởng rằng ra trường mọi thứ sẽ dễ thở hơn, thế nhưng thực tế lại không phải vậy. Áp lực học tập không còn nhưng thay vào đó là áp lực cuộc sống từ bố mẹ. Vừa ra trường chưa bao lâu đã phải chạy xô hoàn thành cả đống KPI, từ kiếm việc đến kết hôn, mua nhà... Thứ gì cũng khó nhằn nhưng đều phải hoàn thành trước 30 tuổi.
Việc còn chưa có đã đau đầu vì cả đống KPI từ bố mẹ
Anh chàng M.T (23 tuổi, sống tại Hà Nội) than thở: " Bản thân mình vừa mới ra trường, mọi thứ còn quá đỗi mới mẻ, thế mà đã thấy bố mẹ đặt mục tiêu ráo riết, gì mà 27 tuổi mua nhà, 28 tuổi kết hôn. Tưởng bước chân ra đời rồi thì sẽ không còn bị thúc giục như hồi ngồi trên ghế nhà trường nữa. Ấy vậy mà bố mẹ vẫn đặt KPI như thường. Chưa kịp cố gắng đã nản ngang, cảm giác như cuộc đời của mình bị sắp xếp tất cả, chẳng khác gì cái máy ấy".
Đáng nói, tình cảnh của anh chàng M.T cũng là điều mà nhiều người trẻ đang phải đối mặt hiện nay. Dù bản thân có những mục tiêu, kế hoạch riêng, thế nhưng họ vẫn phải chạy theo những yêu cầu từ bố mẹ. Không làm sẽ bị trách, nhưng để làm được thì lại là chuyện không dễ dàng gì. Chưa kể, bản thân họ vừa mới ra trường chưa được bao lâu, đến tìm việc còn gặp nhiều khó khăn, nếu thêm cả mua nhà, kết hôn, gánh nặng áp lực sẽ rất lớn. Cảm giác tự do của tuổi trẻ cũng nhanh chóng biến mất, động lực dần mất đi.
Có những gia đình còn khó hiểu ở chỗ, lúc nào cũng vội vàng mọi thứ. Họ tin rằng 30 tuổi là quá muộn để kết hôn, mua nhà. Vì vậy, để con không trở thành "người ế" trong xã hội, họ sẵn sàng đặt ra những hình phạt để thúc ép, ví như một tuần xem mắt chục lần hay nếu không có người yêu phải ra khỏi hộ khẩu... Cũng vì những áp lực vô hình từ bố mẹ mà người trẻ ngày càng mệt mỏi và chán nản hơn. Đặc biệt là khi bước sang tuổi 27, 28, lời giục lại ngày càng nhiều và gay gắt hơn.
Lúc nào bố mẹ cũng lấy lý do là "hiểu con, thương con" mới làm như vậy. Nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp vì bị bố mẹ thúc ép quá nhiều mà bị ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý. Điển hình như cô gái trẻ tại Tế Na, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Kknews đưa tin, vì bị bố mẹ giục kết hôn quá nhiều, cô đã rơi vào trạng thái hoảng loạn, khó thở, thường xuyên co giật, tê cứng. Bác sĩ Chen Liang - người trực tiếp điều trị cho nữ bệnh nhân cho biết: " Cô ấy nói với chúng tôi rằng nhiều lần bị cha mẹ thúc giục kết hôn. Sau cuộc tranh cãi, cô ấy cảm thấy tức ngực, liên tục hít thở sâu, nhanh và dẫn đến những triệu chứng trên" .
Liên tục phải chạy theo những yêu cầu của bố mẹ, người trẻ chán nản đến mức chẳng buồn nói chuyện hay về nhà thăm gia đình. Đối với họ, ở công ty chạy KPI đã đủ mệt mỏi, về nhà để nghỉ ngơi, không phải là nghe thêm đống lời thúc giục từ bố mẹ.
Bản thân họ hiểu mua nhà, kết hôn, sinh con... đều là những điều bản thân nên làm, nhưng không thể ngày một ngày hai là xong, cũng không phải cứ quyết tâm là có liền. Việc thúc giục tứ phía như vậy chỉ khiến cho tinh thần của họ kiệt quệ từng ngày.
Anh chàng H.Đ bày tỏ: " Chẳng có ai là không mong muốn có nhà, có xe cả. Nhưng c hưa gì đã áp KPI khi còn quá trẻ thì chắc chắn ai nghĩ đến cũng oải thôi. Thà cứ để mọi thứ tự nhiên, bản thân không ngừng nỗ lực, rồi cái gì đến thì đến. Chứ vừa ra trường, đầu óc phải thoải mái chút thì mới có năng lượng nhảy xa được".
Người trẻ đủ trưởng thành để biết mình nên làm gì
Bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con, thế nhưng cần phải thật đúng cách. Thừa nhận là những người trẻ khi mới ra trường sẽ còn có chút trẻ người non dạ, dễ dàng bị lầm đường lạc lối nếu không có mục tiêu cụ thể. Nhưng một khi đã bước chân vào đường đời, trải qua nhiều va vấp, tự khách suy nghĩ và tư duy của họ sẽ dần trưởng thành hơn.
Bản thân họ sẽ muốn được những người đi trước hỗ trợ, chỉ dẫn hơn là bị bắt ép đi theo một lịch trình đã định trước từ gia đình. Họ mong chờ lời khuyên từ bố mẹ thay vì sự thúc ép vô lý. Như vậy, người trẻ sẽ cảm thấy tôn trọng và biết ơn bố mẹ chứ không phải mệt mỏi, chán nản.
Thực tế, giới trẻ hiện nay rất năng động. Họ không giống như các thế hệ trước, chỉ chăm chăm kiếm tìm một cuộc sống ổn định, có đủ nhà, xe, con cái. Đối với họ, việc nâng cao giá trị bản thân mới là điều quan trọng hơn cả. Vì vậy, khi có tiền, họ thích đầu tư, sinh lời hơn là quyết định mua nhà, xe như bố mẹ mong muốn.
Mỗi người trẻ đều có mục tiêu riêng, họ biết mình muốn gì và phải làm gì để hoàn thành điều đó. Có thể, họ sẽ không có nhà, xe sớm như bố mẹ của mình khi xưa, nhưng những gì họ sở hữu trong tay chưa chắc đã ít.
Dù mới ra trường hay đã đi làm, người trẻ cũng nên tìm cho mình một mục tiêu, định hướng rõ ràng. Nếu muốn có thể tham khảo ý kiến từ bố mẹ, nhưng quyết định cuộc đời phải do chính mình làm chủ.
Cùng đọc thêm nhiều thông tin hấp dẫn được cập nhật liên tục tại YAN !
Hiện nay có rất nhiều ông bố, bà mẹ còn giúp đỡ con bằng cách cho chúng sẵn nhà, xe, tiền bạc. Tuy nhiên, sự hậu thuẫn này cần phải được con cái tận dụng đúng cách. Nếu không chúng sẽ rất dễ sinh ra sự lười biếng, cho rằng bản thân không cần cố gắng cũng đã có được một cuộc sống đủ đầy.
Thay vào đó, người trẻ cần phải coi tài sản thừa kế từ bố mẹ như một cơ hội để bản thân thoải mái phát triển hơn nữa. Hãy nhớ rằng chỉ khi cố gắng, bạn mới có được phần thưởng xứng đáng.
Cùng đọc thêm những tin tức khác TẠI ĐÂY !