Vua Duy Tân và ước vọng giành quyền tự chủ (P1)
Vua Duy Tân là vị Vua yêu nước và có lòng chống Pháp. Các tài liệu thu thập được từ bên Pháp gần đây đã làm sáng tỏ nhiều hơn về...
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Tiếp bước vua cha Thành Thái có lòng chống Pháp, Duy Tân cũng là vị Vua yêu nước, ấp ủ ước vọng độc lập.
Trước khi vua Duy Tân lên ngôi, triều đình nhà Nguyễn có rất nhiều biến động (Xem bài: Những vị vua nhà Nguyễn bị “ép buộc” lên ngai vàng ) . Cha của vua Duy Tân là vua Thành Thái, vốn là người có tư tưởng chống Pháp, dù bề ngoài hòa hoãn với Pháp. Khi bị người Pháp nghi ngờ, Vua phải giả điên để che mắt. Tuy nhiên đến năm 1907 khi vua Thành Thái không chịu phê chuẩn thăng chức cho một số quan lại vốn là tay chân của Pháp, Tòa khâm sứ lấy cớ Vua bị điên, sức khỏe không tốt để phế truất.
Vua Duy Tân và kỳ duyên lên ngôi
Dù việc chọn Vua lúc đó là do người Pháp quyết định, nhưng một cơ duyên kỳ lạ đã khiến người Pháp chọn vua Duy Tân để rồi sau đó phải ân hận.
Vua Thành Thái có nhiều con, người Pháp muốn chọn một Hoàng tử lên ngôi Vua thì tất nhiên là muốn chọn người nhỏ tuổi nhằm uốn nắn dần, dễ bề sai bảo.
Tuy nhiên khi Tòa khâm sứ Pháp đến xem mặt các Hoàng tử để chọn Vua thì thiếu mất Vĩnh San. Triều đình phái người đi tìm thì thấy Vĩnh San đang ở dưới gầm giường, mặt mày lem luốc, khi được hỏi thì trả lời rằng: “Ta đang tìm con dế vừa mới xổng”.
Vì phải trình diện gấp nên Vĩnh San không kịp tắm rửa mà được đưa thẳng đến cho người Pháp xem mặt. Thấy Vĩnh San nhỏ dại, người ngợm lem luốc, người Pháp rất hợp ý, bèn chọn lên ngôi Vua. Năm ấy Vĩnh San mới 7 tuổi, vì quá nhỏ nên triều đình đã tăng thêm một tuổi thành 8.
Một bộ mặt khác
Ngày 5/9/1907, Vĩnh San lên ngôi, lấy niên hiệu là Duy Tân. Nhưng ngay sau khi lên ngôi, vua Duy Tân đã thể hiện một bộ mặt khác hẳn, có thể nói được tiếng Pháp, lời nói có khẩu khí của bậc quân vương.
Báo của Pháp đã thuật lại rằng: “…Un jour de trône a complètement changé la figure d’un enfant de 8 ans”. (Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên 8).
Con nhà báo Pháp Roland Dorgelès thì viết rằng: “Một linh hồn khác đã nhập vào thể xác nhỏ bé ấy”.
Vua lấy hiệu là Duy Tân, đúng lúc đang có phong trào “duy tân” do các sỹ phu yêu nước phát động, khiến người Pháp cảm thấy dường như đã chọn nhầm người.
Lấy lý do Vua còn nhỏ, cần có Phụ chính giúp việc nước, người Pháp đã cho 6 quan Phụ chính giúp Vua dưới sự điều khiển của Tòa khâm sứ Pháp. Họ lại cho một người Pháp đến dạy học cho Vua nhằm uốn nắn ngay từ nhỏ, đồng thời xây một nhà an dưỡng (gọi là hành cung Thừa lương) tại bãi biển Cửa Tùng (Quảng Trị), rồi đưa Vua ra đó để học hành nhằm cách ly với Triều đình.
Hình thành mong muốn chống Pháp mạnh mẽ
Năm 1912, Tòa khâm sứ Pháp mở chiến dịch tìm vàng ráo riết, lấy tượng vàng đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu ở chùa Thiên Mụ, đào lăng vua Tự Đức, lục tung cả Đại Nội tìm vàng.
Vua Duy Tân phản đối sự thô bạo này và cho đóng cửa cung điện mặc dù Tòa khâm sứ Pháp áp lực đe dọa. Toàn quyền Đông Dương lúc ấy là Albert Pierre Sarraut phải từ Hà Nội đến giải quyết vấn đề, Vua mới đồng ý mở cửa trở lại.
Đến năm 1915, người Pháp rất cần tiền phục vụ cho thế chiến lần thứ nhất (1914 – 1918). Khâm sứ Trung kỳ Charles cho khai quật để tìm kho báu ngay trong Hoàng cung khi vua Duy Tân đang ở cửa Tùng, khiến Vua rất tức giận. Sau đó khâm sứ Charles vẫn tiếp tục cho đào tìm kho báu ở lăng vua Tự Đức khiến nhà Vua cương quyết phản đối.
Nhóm nghiên cứu của ông Nguyễn Trương Đàn khi tiếp cận cận các tài liệu của Pháp đã thấy rất nhiều tài liệu về vua Duy Tân, trong đó có báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ Charles gửi cho Toàn quyền Đông Dương nói về vua Duy Tân rằng: “Ông ta nói rằng mình sinh ra là để chỉ huy chứ không để phục tùng”.
Cũng theo các tài liệu mà nhóm nghiên cứu của Nguyễn Trương Đàn có được thì vào tháng 11/1915 khi đã 15 tuổi, vua Duy Tân đã yêu cầu cho xem lại Hiệp ước Patenôtre năm 1884 ký với Pháp. Không chấp nhận Hiệp ước bất bình đẳng này, Vua đã làm bản yêu cầu sửa đổi Hiệp ước, rồi yêu cầu 6 vị quan Phụ chính ký vào để mình tận tay đưa sang Tòa khâm sứ. Tuy nhiên cả 6 viên quan Phụ chính đều do người Pháp lập nên và không ai dám ký vào. Từ đó Vua có ác cảm không chỉ với người Pháp mà cả Triều đình.
Lúc này chiến tranh thế giới lần thứ nhất lan rộng, Pháp phải chống trả sự tấn công của Đức, vua Duy Tân có hỏi các quan đại thần về việc nhân cơ hội này chống Pháp, các quan nói với ý mỉa mai là lấy vũ khi đâu chống Pháp. Vua đã nói rằng Pháp đang lâm chiến, cần phải cùng dân chúng nổi dậy với toàn bộ sức mạnh của mình.
Nhóm nghiên cứu của Nguyễn Trương Đàn cũng tiếp cận được các tài liệu ở Aix-en Provence (Pháp), trong đó nêu rõ Phan Bội Châu và Cường Để là lãnh tụ phong trào Đông Du đã bí mật gửi thư cho vua Duy Tân hỏi xem muốn quyết định nền chính trị đất nước là vương quốc hay cộng hòa. Vua đã trả lời rằng quyết định thành lập chế độ quân chủ lập hiến, tức sẵn sàng từ bỏ uy quyền nhà Vua của mình.
Việt Nam Quang Phục Hội quyết định khởi nghĩa
Lúc này có 2.500 binh lính người Việt ở Huế bị bắt sang châu Âu để tham gia thế chiến thứ nhất. Binh lính Việt lo sợ làm bia đỡ đạn cho người Pháp ở xứ người.
Nhận thấy đây là thời cơ thuyết phục các binh lính này khởi nghĩa, Việt Nam Quang phục hội tổ chức cuộc họp tại Huế vào tháng 9/1915 để bàn kế hoạch. Việt Nam Quang Phục Hội cũng thuyết phục được binh lính người Việt sắp sang châu Âu đồng ý tham gia cuộc khởi nghĩa.
Nhận thấy vua Duy Tân là người yêu nước có lòng chống Pháp, Hội này đã cử Trần Cao Vân và Thái Phiên liên lạc với Vua để phối hợp khởi nghĩa, như thế sẽ thu hút được nhiều tầng lớp hơn.
Hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên cử người đưa tiền đến hỗ trợ cho tài xế của Vua để ông này thôi việc, đồng thời giới thiệu người của Hội là Phạm Hữu Khánh vào thay thế làm tài xế riêng cho Vua.
Năm 1916, vua Duy Tân đã 16 tuổi. Vào dịp tháng 4, Vua đi nghỉ ở cửa Tùng, Phạm Hữu Khánh đã đưa cho Vua bức thư của Trần Cao Vân và Thái Phiên. Vua đọc thư xong thì xin gặp 2 người này. Trong cuộc gặp gỡ này Vua đồng ý tham gia cuộc khởi nghĩa.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Mời xem video :