"Vua bắt rắn" nguy kịch vì suy đa tạng, nhiễm độc do rắn hổ cực độc cắn
"Tôi sẽ không bao giờ bắt rắn nữa", đó là lời khẳng định của bệnh nhân khi được xuất viện ngày hôm nay.
Cách đây hơn 1 tháng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân bị suy đa phủ tạng, nhiễm trùng - hoại tử bàn tay trái do rắn hổ mang cắn. Trước khi nhập viện 4 ngày, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn vào tay khi đi bắt rắn trên rừng. Sau khi bị rắn cắn, người bệnh tự chữa trị ở nhà bằng đắp lá cây lên vết thương, khi sức khỏe suy yếu và vết rắn cắn bị nhiễm trùng - hoại tử lan rộng thì người nhà mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng nhiễm trùng - nhiễm độc nặng, suy đa tạng (tổn thương thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu), vết rắn cắn ở mu bàn tay trái bị nhiễm trùng - hoại tử nặng nề do nọc độc của rắn và tình trạng bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài. Bệnh nhân tự đắp lá cây lên vết thương trong 4 ngày trước đó cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng nhiễm trùng - hoại tử càng thêm nặng nề hơn. Tiên lượng bệnh nhân nguy cơ tử vong rất cao. Vết thương mu bàn tay trái bị nhiễm trùng - hoại tử có xu hướng lan xuống toàn bộ bàn tay và lan lên cánh tay, đối diện với nguy cơ phải cắt lọc diện rộng, thậm chí phải cắt cụt tay.
Các thầy thuốc giàu kinh nghiệm thuộc nhiều chuyên khoa của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tập trung trí tuệ, tận tâm, tận lực, kịp thời hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh. Mục tiêu quan trọng nhất là điều trị hỗ trợ các tạng suy, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng - nhiễm độc để bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Song song với đó là các biện pháp điều trị để ngăn chặn sự nhiễm trùng - hoại tử lan rộng của vết thương, bảo tồn và phục hồi chức năng bàn tay bị rắn cắn.
Sau một thời gian điều trị và chăm sóc tích cực, các tạng suy được hồi phục, sức khỏe của bệnh nhân đã khá dần lên. Tuy nhiên, vết thương bàn tay trái của bệnh nhân để lại một diện khuyết da khá lớn, vùng da khuyết lộ rõ các gân duỗi của tay. Bệnh nhân đối diện với rất nhiều nguy cơ nếu không được vá da và phục hồi chức năng bàn tay trái. Các chuyên gia đầu ngành về Hồi sức tích cực - Chống độc, Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình, Gây mê hồi sức và Phục hồi chức năng tiếp tục hội chẩn để tiến hành vá da và phục hồi chức năng bàn tay cho người bệnh. Ca phẫu thuật chuyển 1 vạt da vùng đùi trái lên vá vào vùng da khuyết ở bàn tay trái cho bệnh nhân đã thành công tốt đẹp. Một tuần theo dõi sau vá da, bàn tay trái của bệnh nhân hồi phục rất tốt. Bệnh nhân được xuất viện trong niềm vui chung của tất cả mọi người.