Vũ Xuân Đạt: Nghệ thuật thủy mặc không giới hạn tuổi tác
Anh Vũ Xuân Đạt (SN: 1991), người Hưng Yên, hiện đang sống tại Hà Nội theo đuổi việc vẽ tranh thủy mặc khoảng gần 10 năm...
Thứ năm, 26/01/2023
Anh Vũ Xuân Đạt (SN: 1991), người Hưng Yên, hiện đang sống tại Hà Nội theo đuổi vẽ tranh thủy mặc khoảng gần 10 năm, đặc biệt là trường phái Thủy Thái Mặc. Trước đây anh Đạt theo học chuyên ngành kiến trúc nhưng đam mê lớn nhất là vẽ tranh và tìm thấy nguồn cảm hứng trong các tác phẩm thủy mặc.
PV: Sống giữa phố thị, không biết nguồn cảm hứng của anh để vẽ những bức họa ưng ý đến từ đâu?
TL: Thủy Mặc có 3 trường phái chính: vật họa (chuyên vẽ nhân vật hoặc vẽ các vị Thần ngày xưa), sơn thủy họa, hoa điểu họa. Mình hiện vẽ dòng hoa điểu họa và sơn thủy họa là chính. Quan điểm của mình với tác phẩm nghệ thuật nói chung, kể cả từ hội họa, điêu khắc hay bất kỳ cái gì liên quan đến nghệ thuật, thì nó phải đạt được 2 yếu tố cơ bản: Đầu tiên là yếu tố về tạo hình và màu sắc, hai là cảm xúc khi vẽ và sau khi hoàn thành tác phẩm. Có một bức mà mình khá là thích, đó là bức vẽ về phong cảnh chùa Thầy. Mình cảm thấy khi vẽ bức ấy đã chạm được cảm xúc của một quan cảnh cuối xuân ở chùa Thầy vào một buổi chiều có hoa gạo, tiết trời khá nồm, cảnh vật mọi thứ đều hữu tình. Ngoài ra mình còn có một nhóm tranh về mùa xuân chủ đề “Xuân phong đắc ý” vẽ mai đỏ, mai trắng và đôi chim. Gió mùa xuân mang theo hơi ẩm, thích hợp cho trăm hoa đua nở làm nguồn cảm hứng thi họa.
Trong việc học hỏi vẽ tranh thủy mặc thì có sách vở, tiền bối đi trước và học từ chính thiên nhiên. Ví dụ như đối với chủ đề mùa xuân, 4 mùa luân phiên xoay chuyển lặp đi lặp lại, trong triết học phương Đông thì vạn vật đều nằm trong quy luật thành – trụ – hoại – diệt và tái sinh. Nhành hoa mùa xuân đâm chồi nảy lộc, nở hoa rồi mùa hạ trưởng thành, mùa thu trút lá rồi mùa đông khô héo để tích tụ năng lượng mới bắt đầu từ số 0. Cái triết lý nhân sinh này người vẽ và người thưởng lãm đều có thể cảm thụ được.
PV: Trong tranh thủy mặc thường chú trọng các yếu tố như: Thanh, Hòa, Đạm, Nhã, người vẽ cần có những tố chất nào để có được một tác phẩm đạt được những tiêu chuẩn này?
TL: Về kỹ thuật, bao gồm bút pháp, cách sử dụng mực, sử dụng màu, cách sử dụng các bề mặt chất liệu như giấy, lụa v.v…, ở đây việc thành thục kỹ thuật và chất liệu là điều bắt buộc phải làm được. Ngoài ra người vẽ cần có nền tảng tri thức và sự hiểu biết rõ ràng về điều mình muốn vẽ hay truyền tải trong tác phẩm. Người ta thường nói khi vẽ, đạt trạng thái tốt nhất là “tâm ý hoặc là ý bút hợp nhất” nghĩa là khi người ta vẽ thì ý có trước bút theo sau, khi người ta thuần thục về tay bút của mình và có ý niệm tốt thì sẽ có tác phẩm tốt. Mình nghĩ rằng đó là hai yếu tố rất quan trọng đối với người vẽ thủy mặc và người học vẽ thủy mặc. Nó sẽ phát triển và theo người vẽ cho đến cuối cuộc đời nghệ thuật của họ. Họ sẽ vẫn khao khát tìm kiếm và phát triển điều đó chứ ko có điểm dừng.
Trong “Lục Pháp Luận” của Tạ Hách, một họa sư rất nổi tiếng của Trung Quốc, có 6 tiêu chuẩn cơ bản cho người vẽ tranh thủy mặc là “ Khí vận sinh động/ Cốt pháp dụng bút/ Ứng vật tượng hình/ Tùy loại phú thái/ Kinh dinh vị trí/ Truyền di mô tả ”, trong đó tiêu chí hàng đầu cho tất cả mọi người từ giới phê bình nghệ thuật cho đến người cầm bút đều thừa nhận gọi là “khí vận sinh động ”. Về kỹ thuật, bút pháp v.v, theo các bậc tiền bối thì đều có thể đạt được thông qua trau dồi và luyện tập, nhưng không dễ đạt được yếu tố “ khí vận sinh động” – tức là phải tạo được cái không khí sống động trong bức tranh, nó là đặc trưng riêng mà không phải ai cũng có, có thể truyền tải được thần thái, cảm xúc vào trong tranh. Có những người kỹ thuật rất tốt, nhưng “khí vận sinh động” của họ không được tốt, thì vẽ ra vẫn cứng nhắc… Người xem sẽ cảm nhận được điều này, đó là cái ông Trời phú cho.
Trong tranh thủy mặc có “ý đáo bút tùy ” (trong tâm nghĩ đến thứ gì thì tay liền vẽ ra thứ ấy). Điều này thường xuất hiện khi thực hành vẽ tranh, nên người vẽ tranh thủy mặc và người thưởng lãm thường là người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp và có nội tâm phong phú. Nếu một người có rất nhiều cảm xúc nhưng không có nền tảng kỹ thuật vững chãi thì cũng không thể vẽ ra cái họ nghĩ, hoặc một tay bút vẽ rất thoáng đạt nhưng khả năng cảm thụ phân tích khi họ vẽ không đạt được sự chú tâm toàn diện, thì chỉ đạt được bút pháp bề mặt, còn chiều sâu của “ khí vận sinh động” sẽ bị hạn chế hoặc không có.
PV: Thủy mặc có được xem là dòng tranh văn hóa truyền thống không?
TL: Dòng chảy của thủy mặc luôn gắn liền với văn hóa và nó gắn liền với triết lý nhân sinh, nên những người có tư tưởng của người Á Đông sẽ dễ có cảm xúc và cảm thụ tốt với thủy mặc. Người vẽ, người chơi tranh, người sưu tập và nhà nghiên cứu văn hóa, đều tìm thấy sự đồng cảm ở đây.
PV: Anh sinh năm 91 và đã theo đuổi vẽ tranh thủy mặc gần 10 năm rồi, vậy là anh đã theo đuổi nó ngay từ lúc còn rất trẻ?