Vụ Việt Á qua hơn 5 tháng: Gần 60 người bị khởi tố, bắt giam, kỷ luật

Chia sẻ Facebook
05/06/2022 23:48:06

Chỉ trong hơn năm tháng (từ giữa tháng 12/2021 đến nay), Cơ quan điều tra Bộ Công an, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố, bắt giam gần 60 người liên quan vụ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Theo Bộ Công an, bị can Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% (hành vi này khiến giá sản phẩm của Việt Á cao hơn nhiều so với thực tế, định giá ở mức 470.000 đồng/kit); số tiền “hoa hồng” mà công ty này chi cho các “đối tác” lên tới gần 800 tỷ đồng. Chỉ trong hơn 5 tháng (từ giữa tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022), Cơ quan điều tra Bộ Công an, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố, bắt giam, kỷ luật gần 60 người liên quan đến vụ án.

Bị can Phan Quốc Việt cùng đồng phạm liên quan đến sai phạm tại công ty Việt Á. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Công ty Việt Á “bắt tay” với đối tác nâng khống giá lên 45%

Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) được thành lập năm 2007, có trụ sở chính tại TP.HCM, với vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ 80 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, Công ty Việt Á có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng vào tháng 10/2017.

Ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty Việt Á, giữ 10,2% cổ phần công ty.

Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Đến cuối năm 2021, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã phát hiện công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm để thu lợi bất chính.

TGĐ Công ty Việt Á Phan Quốc Việt bị khởi tố, cáo buộc nâng giá kit xét nghiệm COVID-19

Ngày 18/12/2021, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Việt Á.

Đồng thời, Bộ Công an ra các quyết định khởi tố, bắt tạm giam các bị can gồm: Phan Quốc Việt; Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo – thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chính Công ty Việt Á; Trần Thị Hồng, nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á.

Bị cáo Phan Quốc Việt và Phan Tôn Noel Thảo. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam cho biết làm việc với cơ quan điều tra, bị can Phan Quốc Việt, khai đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45% (hành vi này khiến giá sản phẩm của Việt Á cao hơn nhiều so với thực tế, định giá ở mức 470.000 đồng/kit); số tiền “hoa hồng” mà công ty này chi cho các “đối tác” lên tới gần 800 tỷ đồng.

3 bị can Hồng, Thảo, Hiệp (từ trái qua phải). (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Cơ quan điều tra đã tiến hành phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản trị giá 1.600 tỷ đồng liên quan vụ Việt Á.


Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 được Việt Á nhập khẩu từ Trung Quốc là 3 triệu test, có giá khai báo 0,955 USD/test ( khoảng 21.560 đồng/test ), với tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.

3 cán bộ thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN bị khởi tố

Các bị can từ trái qua phải: Nguyễn Minh Tuấn; Nguyễn Nam Liên; Trịnh Thanh Hùng. (Ảnh: bocongan.gov.vn)


Liên quan đến vụ việc, ngày 31/12/2021, Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế); ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế); ông Trịnh Thanh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.


Ngày 25/5/2022, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Huỳnh , phó trưởng phòng quản lý giá Cục Quản lý dược Bộ Y tế để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”.

Theo thông tin từ Bộ Công an, ông Huỳnh đã có hành vi lợi dụng vai trò là thư ký ông Nguyễn Thanh Long, thời kỳ làm thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, để giới thiệu, can thiệp và tác động đến ông Nguyễn Minh Tuấn để trình, ký đề xuất Bộ Y tế ban hành quyết định cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á trái quy định pháp luật.

Lãnh đạo Học viện Quân y bị khởi tố


Ngày 8/3/2022, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố, bắt giam thượng tá Hồ Anh Sơn (Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y) về các tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệu (Trưởng phòng Trang bị, vật tư thuộc Học viện Quân y) cũng bị khởi tố, bắt giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thượng tá Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài (phải), cùng bị can Phan Quốc Việt (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á) giới thiệu bộ kit test COVID-19. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Hai người bị bắt để điều tra về những sai phạm trong việc nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ công ty Việt Á.

Thượng tá Hồ Anh Sơn cũng chính là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, được chủ trì thực hiện bởi Học viện Quân y và có sự tham gia của công ty Việt Á.

Hàng loạt lãnh đạo CDC, Sở Y tế các tỉnh thành bị khởi tố, bắt giam


CDC Hải Dương: Ngày 18/12/2021, Bộ Công an có quyết định khởi tố bị can Phạm Duy Tuyến , Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Bị can Tuyến (trái) và bị can Cường. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Theo Bộ Công an, từ tháng 2/2021 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế với tổng số tiền hơn 151 tỷ đồng.

Ông Phạm Duy Tuyến đã nhận gần 30 tỷ đồng tiền “hoa hồng” từ Công ty Việt Á.


CDC Nghệ An: Ngày 31/12/2021, Bộ Công an đã khởi tố bị can Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An, Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế toán trưởng CDC Nghệ An về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Định và Thắm. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Thông tin từ CDC Nghệ An, đơn vị này đã mua sinh phẩm, vật tư y tế của công ty Việt Á khoảng 28 tỷ đồng, trong đó chủ yếu mua các vật tư, sinh phẩm để xét nghiệm sàng lọc. Trong đó, có 4 gói thầu (2 gói chỉ định thầu, 2 gói đấu thầu rộng rãi). Riêng 2 gói chỉ định thầu có tổng số tiền 18,5 tỷ đồng.


CDC Bình Dương: Ngày 31/12/2021, Bộ Công an khởi tố các bị can: Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong, Phó phòng Tài chính – Kế toán CDC Bình Dương; Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương; Tiêu Quốc Cường – Kế toán trưởng, Phó phòng Tài chính Sở Y tế Bình Dương; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VNDAT; Nguyễn Thị Thúy, nhân viên kinh doanh Công ty VNDAT; Lê Trung Nguyên, Giám đốc vùng Công ty Việt Á, để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Nguyễn Thành Danh. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Ông Nguyễn Thành Danh đã có ít nhất 4 quyết định phê duyệt Công ty Việt Á trúng chỉ định thầu các gói bán mua vật tư y tế lên tới trên 40 tỷ đồng việc cung cấp 72.000 kít xét nghiệm COVID-19 do chính Công ty Việt Á sản xuất và 10.000 kít của Mỹ sản xuất. Bên cạnh đó, ông Danh cũng là người đã tham mưu nhiều gói mua sắm vật tư trong lúc cấp bách phòng dịch để Sở Y tế Bình Dương trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.

Các bị can Trần Thanh Phong; Lê Thị Hồng Xuyên; Tiêu Quốc Cường; Nguyễn Trường Giang; Nguyễn Thị Thuý: Lê Trung Thúy; Nguyên (lần lượt từ trái sang phải, từ trên xuống dưới). (Ảnh: bocongan.gov.vn)


CDC Bắc Giang: Ngày 21/1/2022, Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lâm Văn Tuấn (Giám đốc CDC Bắc Giang) ; Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Phan Anh); Phan Thị Khánh Vân (kinh doanh tự do, là chị ruột Phan Huy Văn) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị can từ trái sang phải gồm: Lâm Văn Tuấn, Phan Huy Văn và Phan Thị Khánh Vân. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Ông Tuấn cùng đồng phạm đã tổ chức đấu thầu mua bộ xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất, tổng giá trị hơn 148,3 tỷ đồng; nhận hơn 44 tỷ đồng tiền “hoa hồng” từ Việt Á.

Trước khi bị bắt, ông Lâm Văn Tuấn khẳng định “không nhận một đồng nào từ công ty Việt Á, quá trình đấu thầu thực hiện đúng quy định”.


CDC Thừa Thiên – Huế : Ngày 19/2/2022, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Hoàng Văn Đức (Giám đốc) và Hà Thúc Nhật (Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính Kế toán) CDC Thừa Thiên – Huế, để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Đức (trái) và bị can Nhật. (Ảnh từ cơ quan công an)

Trước đó, ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành quyết định 2252/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục, kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng dịch COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp đợt 3.

Việc mua sắm đợt này gồm 8 gói thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn. Chủ đầu tư thực hiện việc mua sắm là CDC Thừa Thiên – Huế, tổng mức đầu tư là hơn 18,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp y tế năm 2021.

Ông Hoàng Văn Đức từng khẳng định “không nhận từ công ty Việt Á một đồng nào”. Ông cho biết đã không nhận một đồng nào lại còn phải “tốn thêm tiền nhân viên Việt Á hay xin thuốc lá để hút”.


CDC Bình Phước: Tháng 4/2022, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc CDC Bình Phước , bị kỷ luật cách chức vì vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 Nghị định số 112/2020 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và đã bị xử lý về mặt Đảng theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước.

Giám đốc CDC tỉnh Bình Phước khi thừa nhận Công ty Việt Á có đưa quà cho ông, và sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, ông sẽ nộp lại quà. (Nguồn: Truyền hình Bình Phước)

Trong năm 2021, CDC Bình Phước đã mua 87.392 kit xét nghiệm COVID-19 và 47.900 kit xét nghiệm tách chiết của Công ty Việt Á với tổng số tiền hơn 41,5 tỷ đồng theo hình thức đấu thầu công khai và chỉ định thầu rút gọn. CDC Bình Phước đã chuyển số tiền 7 tỷ đồng thanh toán cho công ty này, số còn lại (34,38 tỷ đồng) chưa hoàn tất thủ tục thanh toán.


Sở Y tế, CDC Cà Mau: Ngày 18/4/2022, công an tỉnh Cà Mau ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 17/QĐ-CSKT, khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế và CDC.

Công ty Việt Á đã trúng thầu và cung cấp cho tỉnh Cà Mau số lượng kit test trên dưới 40 tỷ đồng.

Tỉnh Cà Mau đã mua, sử dụng tổng số gần 1 triệu bộ kit test trong xét nghiệm PCR. Với mức giá bình quân khoảng 700.000 đồng/bộ, tổng số tiền dùng để mua kit test tại tỉnh Cà Mau thời gian qua lên đến vài trăm tỷ đồng.


CDC Nam Định : Ngày 25/4/2022, công an tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt 5 bị can, gồm: Đỗ Đức Lưu, giám đốc CDC tỉnh Nam Định ; Vũ Ngọc Tuyên, kế toán trưởng; Vũ Khánh Vân, trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ; Phạm Thị Nga, trưởng khoa dược, vật tư y tế; Vũ Thị Ngọc Thanh, phó trưởng khoa xét nghiệm.

Ông Đỗ Đức Lưu, Giám đốc CDC tỉnh Nam Định. (Ảnh: CDC Nam Định)

Các bị can bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong năm 2020 và 2021, CDC Nam Định ký 5 hợp đồng mua kit test xét nghiệm của Việt Á. Công ty Việt Á đã “trích %” ngoài hợp đồng chỉ định thầu kit test cho CDC Nam Định với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhân viên CDC Nam Định còn có hành vi chiếm đoạt số kit test của Nhà nước bán cho công ty Việt Á, để trục lợi với số tiền 800 triệu đồng.


Ông Đỗ Đức Lưu cũng từng khẳng định “không nhận một đồng nào từ công ty Việt Á”.


CDC Hậu Giang: Ngày 11/5/2022, Công an Hậu Giang có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Lành – cựu Giám đốc CDC Hậu Giang ; bà Huỳnh Thị Hồng Đoan – cựu Trưởng Khoa dược – Vật tư Y tế; ông Hà Tấn Bình Đẳng – cựu Trưởng Khoa xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng thuộc CDC Hậu Giang, để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hậu Giang). (Ảnh: baohaugiang.com.vn)

CDC Hậu Giang đã thực hiện 2 hợp đồng với công ty Việt Á với số tiền 3,4 tỷ đồng, đã thanh toán 100%.

Ông Lành từng tiết lộ đã nhận túi quà 450 triệu đồng từ công ty Việt Á.

Ông Nguyễn Văn Lành nói ngoài lần ông Nguyên (người của Việt Á) đưa gói quà 450 triệu đồng (gói quà đã được ông Lành giao cơ quan chức năng), ông “không nhận bất cứ thứ gì của Việt Á hết”.


CDC Hà Giang: Ngày 11/5/2022, Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt các bị can: Nguyễn Trần Tuấn (SN 1971, Giám đốc CDC); Phan Thị Nga (SN 1971, Trưởng khoa Xét nghiệm) và Tô Minh Huệ (SN 1972, Trưởng phòng Tài chính – Kế toán) để điều tra về hành vi “nhận hối lộ”.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang thi hành quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can Nguyễn Trần Tuấn, giám đốc CDC Hà Giang. (Ảnh: TTXVN).

Hiện chưa rõ số tiền giao dịch với công ty Việt Á. Tuy nhiên, các bị can trên đã nhiều lần nhận phần trăm ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á với số tiền trên 1 tỷ đồng.


CDC Đồng Tháp: Ngày 20/5/2022, công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Trần Văn Hai , giám đốc CDC Đồng Tháp và Nguyễn Thị Lệ Ngọc, phó trưởng khoa xét nghiệm – chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng, về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Trần Văn Hai (SN 1963), Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp (CDC Đồng Tháp). (Ảnh: cdcdongthap.gov.vn)

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp đã kết luận, năm 2020-2021, các đơn vị trên đã mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc… hơn 742 tỷ đồng từ nguồn kinh phí phòng COVID-19. Trong đó, mua sắm trang thiết bị y tế gần 84 tỷ, vật tư y tế hơn 182 tỷ, sinh phẩm xét nghiệm trên 305,8 tỷ và kit xét nghiệm gần 170 tỷ.

Riêng với Công ty Việt Á, các đơn vị mua sắm thông qua 10 gói thầu, tổng giá trị hợp đồng là hơn 233 tỷ. Tuy nhiên, giá trị thực tế mua sắm là hơn 197 tỷ và đã thanh toán cho Việt Á gần 157 tỷ.


CDC Trà Vinh : Ngày 25/5/2022, công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố, bắt 4 bị can: Trần Đắc Thanh (Phó Giám đốc Sở Y tế), Nguyễn Văn Lơ (Giám đốc CDC), Lê Văn Thanh (Phó Trưởng khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh thuộc CDC Trà Vinh) và Nguyễn Văn Truyền (Chuyên viên Phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế tỉnh Trà Vinh).

Cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt giam Trần Đắc Thanh (bên trái) và Nguyễn Văn Lơ. (Ảnh: congan.travinh.gov.vn)

Từ năm 2021-2022, các bị can đã phối hợp với Công ty Việt Á thực hiện 8 gói thầu, tổng hơn 36 tỷ đồng. Các bị can đã có hành vi hợp thức hóa thủ tục đấu thầu gây thiệt hại khoảng 7,6 tỷ đồng.


CDC Đắk Lắk: Ngày 27/5/2022, ông Trịnh Quang Trí (Giám đốc); ông Trần Thanh Mỹ (Trưởng phòng Tài chính – Kế toán), ông Đặng Minh Tuyết (Phó trưởng Khoa Xét nghiệm), bà Trần Thị Nguyên Hằng (nhân viên Khoa Xét nghiệm), bà Trần Thị Mai Anh (nhân viên Khoa Dược) thuộc CDC Đắk Lắk bị khởi tố, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan công an cũng khởi tố bị can đối với bà Đinh Lê Lê Na, nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á tại Đắk Lắk và Tây Nguyên, để điều tra về hành vi trên.

Các cá nhân thuộc CDC Đắk Lắk đã hợp thức hóa hồ sơ bằng 4 gói thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm COVID-19, với tổng giá trị thanh toán hơn 13 tỷ đồng rồi thực hiện việc thanh toán kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á và 1 số công ty khác với đơn giá cao hơn nhiều so với giá thành chi phí sản xuất thực tế của Công ty Việt Á, gây thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.

Nhiều cán bộ tại các bệnh viện bị khởi tố


Tại TP.HCM: Ngày 15/1/2022, công an TP.HCM đã quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á, Bệnh viện Thủ Đức và Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng và dịch vụ Nam Phong.


Ông Phạm Vũ Phong (Giám đốc Công ty Nam Phong) bị bắt. Bà Trương Thị Bảo Trân (nhân viên Phòng vật tư Bệnh viện Thủ Đức) bị khởi tố.

Công ty Nam Phong nâng giá bán kit test do Công ty Việt Á sản xuất cho Bệnh viện Thủ Đức để hưởng chênh lệch hoa hồng gây thiệt hại gần 11 tỷ đồng.


Tại Vĩnh Long: Ngày 24/5/2022, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Đoàn Văn Hùng , Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long; bà Đinh Thị Thanh Chi, quyền Trưởng khoa dược; Phan Thị Ngọc Thắm, kỹ thuật viên trưởng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Các bị can bị cáo buộc vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan 6 gói thầu mua sắm của Công ty Việt Á với giá phê duyệt trúng thầu hơn 24,13 tỷ đồng.


Tại Phú Thọ: Ngày 27/5/2022, ông Trần Gia Phú, Phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ bị khởi tố, về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong 2 năm 2020-2021, Sở Y tế đã ký kết 8 hợp đồng với Công ty Việt Á, tổng giá trị hơn 8,2 tỷ đồng. Ông Phú được công ty Việt Á “lót tay” 2 tỷ đồng.


Tại Sơn La: Tháng 5/2022, Thanh tra tỉnh Sơn La kết luận 3 gói thầu mua kit xét nghiệm COVID-19 do CDC Sơn La, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên thực hiện không tham khảo giá của Bộ Y tế, nên mua với giá đắt hơn nhiều so với địa phương khác.

Cụ thể, 3 gói thầu mua kit xét nghiệm COVID-19 có giá 199.980 đồng/test, 185.000 đồng/test. Trong khi các địa phương khác mua với giá 141.000 đồng/test, 142.000 đồng/test…


Phạm Toàn

Công ty Việt Á nhập khẩu 3 triệu kit test nhanh COVID-19 từ Trung Quốc, giá 21.560 đồng/test Việt Á đã nhập khẩu 3 triệu que thử test nhanh SARS-CoV-2 từ Trung Quốc với giá khoảng 21.560 đồng/test, tổng trị giá 64,7 tỷ đồng.

Chia sẻ Facebook