Vụ Việt Á: Đã thu hồi 1.400 tỷ đồng
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, đã thu hồi hơn 9.533 tỷ đồng, trong đó vụ Công ty Việt Á, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.400 tỷ đồng.
Vụ Việt Á: Đã thu hồi 1.400 tỷ đồng
Tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất
Báo cáo về công tác của Viện trưởng VKSND tối cao tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, năm 2022, tình hình an ninh chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm nhiều nhất, đã khởi tố 31.711 vụ, giảm 2.628 vụ.
Đáng lưu ý, đã khởi tố điều tra nhiều hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Báo cáo viện dẫn một số vụ điển hình như: Vụ án Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm về tội Thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; vụ án Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - cùng đồng phạm đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng như: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 501 vụ, tăng 137 vụ, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án.
Theo Viện trưởng, nguyên nhân của việc phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng là do các cơ quan bảo vệ pháp luật trên toàn quốc đã bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động nhận diện, dự báo sát tình hình, đúng, trúng hành vi vi phạm về tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, y tế, giáo dục...
Bên cạnh đó là nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao. Điển hình là vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị có liên quan; vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện "chuyến bay giải cứu"...
“Đáng lưu ý, một số đối tượng có chức vụ thuộc cơ quan Nhà nước đã cấu kết với một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn và gây bất bình trong dư luận xã hội”, báo cáo nêu.
Thu hồi hơn 9.533 tỷ đồng; kê biên 116 bất động sản
Trong đó, một số vụ án thu hồi tài sản cao, như: Vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối hộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, các bị can nhận hối lộ đã tự nguyện nộp số tiền hưởng lợi bất chính; Cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.400 tỷ đồng; vụ Nguyễn Đức Chung và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã nộp khắc phục hậu quả ở giai đoạn xét xử phúc thẩm số tiền 25 tỷ đồng;...
Năm 2023, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo...
VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm. |
Luân Dũng
Tiền phong