Vụ “vàng tặc” ở Thanh Hóa: Cao điểm 29 người, cách trụ sở xã 500m
Địa điểm khai thác vàng trái phép nằm gần khu dân cư, cách trụ sở xã Cẩm Tâm (Thanh Hóa) khoảng 500m, lúc cao điểm có 29 người từ địa phương khác về đây đào vàng
Huyện không bắt được quả tang khai thác vàng
Ông Nguyễn Tiến Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cho biết, vụ khai thác vàng trái phép tại xã Cẩm Tâm, Huyện đã từng ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Phạm Ngọc Hào.
Ngày 2/8/2023, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Phạm Ngọc Hào, trú tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) số tiền 3,5 triệu đồng, với hành vi hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất, thay đổi lớp mặt của đất nông nghiệp bằng vật liệu xi măng, với diện tích 261,2m2.
Ông Lực cho hay, ông Hào là người thuê lại diện tích đất trồng cây lâu năm của ông Nguyễn Mạnh Hùng, tại thôn Thành Công, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy để làm vườn ươm cây gió.
Nghi ngờ ông Hào có hành vi bất minh khi “quây” tôn kín khu đất, dựng nhiều lán trại và đưa nhiều người từ địa phương khác tới, xã Cẩm Tâm đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản ghi nhận sự việc. Chính quyền địa phương yêu cầu ông Hùng (chủ đất) và ông Hào sử dụng đất đúng mục đích.
Huyện Cẩm Thủy thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng TNMT làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra việc sử dụng đất của ông Phạm Ngọc Hào.
Theo ông Lực, thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng không bắt được “quả tang” việc ông Hào và nhóm người khai thác vàng trái phép nên lập biên bản vi phạm và xử phạt về hành vi hủy hoại và làm biến dạng đất.
“Huyện đi kiểm tra vào giờ hành chính, không giống như lực lượng công an họ có nghiệp vụ. Thời điểm kiểm tra, chúng tôi không bắt được quả tang họ khai thác vàng. Ở đó có nhiều hầm do nhà nước khai thác trước đây để lại, nhiều ngách và rất sâu, đoàn kiểm tra không dám chui xuống hầm kiểm tra vì rất nguy hiểm nên buộc phải xử lý họ hành vi hủy hoại đất”, ông Lực nói.
Ông Lực thông tin, những năm 80 của thế kỷ XX, khu vực thôn Thành Công, xã Cẩm Tâm đã được nhà nước tiến hành khai thác vàng. Lúc đầu, công ty khai khoáng của huyện Cẩm Thủy khai thác, sau đó việc khai thác do tỉnh Thanh Hóa thực hiện.
"Vàng tặc" cách trụ sở xã khoảng 500m
Ngày 6/7/2023, Đoàn liên ngành của UBND huyện Cẩm Thủy đã tiến hành niêm phong các giếng khai thác vàng cũ để lại và giao xã Cẩm Tâm quản lý, giám sát.
Khoảng 13h30 ngày 4/8, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an huyện Cẩm Thủy, UBND xã Cẩm Tâm tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin người dân phản ánh hoạt động khai thác vàng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, mất nước ngầm tại thôn Thành Công.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, 13 người, trong đó 5 công nhân đang có hoạt động khai thác vàng. Công an cũng thu giữ nhiều thiết bị, máy móc phục vụ cho việc đào vàng trái phép.
Hoạt động khai thác vàng trái phép đã diễn ra từ tháng 4/2023, cao điểm có 29 công nhân từ các địa phương khác về đây đào vàng.
Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa bàn giao toàn bộ hồ sơ, tang vật cho Công an huyện Cẩm Thủy tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định.
Theo quan sát, tìm hiểu của PV, địa điểm khai thác vàng trái phép gần khu dân cư, cách trụ sở UBND xã Cẩm Tâm khoảng 500m.
Ông Phạm Hải Lăng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm thừa nhận, trách nhiệm để xảy ra việc khai thác vàng trái phép một phần thuộc về địa phương. Khi được hỏi, ông Lăng cho biết, chính quyền địa phương không bao che, dung túng hay tạo điều kiện cho “vàng tặc” hoạt động.
Ông Nguyễn Tiến Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho hay, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về chính quyền các cấp.