Vụ thu tiền ‘bảo kê' ở Đồng Nai: Loan ‘cá’ lãnh 5 năm tù
Sau 2 ngày xét xử, TAND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã tuyên phạt bị cáo Lý Thị Loan (Loan "cá") 5 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản của 40 tiểu thương.
Cùng tội danh trên, HĐXX tuyên phạt 2 bị cáo Hoàng Thị Tuyết Nhung (Nhung "khàn", 37 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) mức án 3 năm 3 tháng tù và Trần Công Đại (24 tuổi, quê Cần Thơ, ngụ TP Biên Hòa) 3 năm tù.
Tại phiên tòa, Loan "cá" không thừa nhận vai trò cầm đầu đường dây thu tiền "bảo kê" của các tiểu thương, không nhận tiền "bảo kê" từ các đàn em. Trong khi đó, cả Nhung "khàn" và Đại đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, thành thật khai báo.
Đặc biệt, suốt phiên tòa Nhung "khàn" nhiều lần bật khóc, bày tỏ ăn năn hối hận và mong muốn HĐXX chọn mức án thấp nhất để bị cáo sớm trở về chăm sóc 3 con nhỏ, nhất là chồng Nhung đã mất trong quá trình tạm giam.
Sau 2 ngày xét xử, HĐXX cho rằng 3 bị cáo đủ nhận thức về việc đe dọa, chửi bới, hăm dọa để chiếm đoạt tiền của các tiểu thương là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân, các bị cáo vẫn thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, chiếm hơn 128 triệu đồng của 40 tiểu thương. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành hành vi cưỡng đoạt tài sản như cáo trạng truy tố.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm rất lớn cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của công dân được luật pháp bảo vệ, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Đây là vụ án thuộc trường hợp có tổ chức, trong đó Loan "cá" là người cầm đầu, chỉ đạo 2 bị cáo Nhung, Đại thu tiền bảo kê tiểu thương. Do đó, Loan "cá" chịu trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, khi phạm tội, bị cáo Loan bị bệnh, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, phạm tội lần đầu nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên mức án như trên đối với 3 bị cáo.
Theo cáo trạng, sau khi ly thân chồng đầu năm 2019, Loan về sinh sống, mở bãi giữ xe đối diện cổng sau Công ty TNHH Changshin VN (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu).
Tháng 3-2019, Loan quen biết vợ chồng Phạm Văn Nam (Nam "bộ đội", 37 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú) và Hồ Thị Sa. Loan thương lượng và đưa 10 triệu đồng cho Sa để được thu tiền của các tiểu thương tại chợ tự phát ở cổng sau Công ty Changshin.
Sau đó, Loan "cá" lần lượt giao cho Đại, Trần Tấn Phát (đang bỏ trốn), Nhung, Vũ Minh Tiến (chồng Nhung, đã chết do mắc COVID-19 khi tạm giam) sắp xếp chỗ ngồi cho các tiểu thương và thu tiền của họ với danh nghĩa thu tiền rác.
Thực tế, bản chất là ép buộc tiểu thương nộp tiền "bảo kê". Nếu tiểu thương nào không đồng ý, đàn em của Loan "cá" sẽ chửi bới, đe dọa không cho buôn bán, thậm chí đập phá hàng hóa.
Tùy theo mặt hàng và vị trí buôn bán, nhóm của Loan buộc các tiểu thương nộp từ 5.000 - 30.000 đồng/ngày hoặc từ 300.000 - 1,5 triệu đồng/tháng.
Phần lớn số tiền cưỡng đoạt được đều đưa lại cho Loan. Đến khi bị bắt vào tháng 5-2020, nhóm của Loan đã cưỡng đoạt của 40 tiểu thương hơn 128,8 triệu đồng.
Liên quan vụ án, Nam "bộ đội" cùng vợ (hiện đã rời khỏi địa phương) có hành vi thu tiền của các tiểu thương thời điểm trước khi Loan "cá" cùng đồng bọn thu tiền.
Tuy nhiên, chưa có nạn nhân khai báo về việc bị Nam và Sa cưỡng đoạt tài sản tại chợ tự phát ở cổng sau Công ty Changshin. Vì vậy, chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với đôi vợ chồng này. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai tách vụ án ra để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Theo kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, thời điểm gây án, bị cáo Loan “cá” bị bệnh rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định loại ranh giới.