Vụ thu tiền ‘bảo kê” ở Đồng Nai: Loan ‘cá’ bị rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 15:29:26

Theo kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, thời điểm gây án, bị cáo Loan “cá” bị bệnh rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định loại ranh giới.

Bị cáo Loan "cá" tại phiên tòa - Ảnh: A LỘC

Ngày 31-3, TAND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Lý Thị Loan (Loan "cá", 41 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ TP Biên Hòa) cùng đồng phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ngoài Loan "cá", 2 bị cáo khác cũng bị xét xử về hành vi cưỡng đoạt tài sản là Hoàng Thị Tuyết Nhung (Nhung "khàn", 37 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) và Trần Công Đại (24 tuổi, quê Cần Thơ, ngụ TP Biên Hòa).

Riêng Vũ Minh Tiến (36 tuổi, chồng Nhung) tử vong trong quá trình tạm giam nên HĐXX đình chỉ xét xử đối với bị cáo này.

Đây là lần thứ 2 vụ án được đưa ra ra xét xử sơ thẩm. Cuối tháng 11-2021, TAND huyện Vĩnh Cửu đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Loan "cá" cùng đồng phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Tuy nhiên sau đó, HĐXX đã trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Đồng Nai yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề như: thu thập lưu hồ sơ vụ án và xử lý , giải quyết bản kiến nghị về việc trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo Loan của luật sư bào chữa.

Luật sư Phương Văn Thêm - người bào chữa cho bị cáo Loan "cá" - trình bày tại phiên tòa

Theo kết luận, trước, trong và sau khi gây án, Loan "cá" bị bệnh "rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định loại ranh giới". Hiện nay, bị cáo bị bệnh "rối loạn sự thích ứng với phản ứng hỗn hợp lo âu trầm", "rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định loại ranh giới".

Về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điểu khiển hành vi tại thời điểm gây án. Song hiện nay, bị cáo đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại phiên toàn sáng 31-3, luật sư Phương Văn Thêm - người bào chữa cho bị cáo Loan - cho rằng thân chủ có thêm quốc tịch Campuchia nên thẩm quyền xét xử thuộc TAND cấp tỉnh hoặc TP trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó, lời khai của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan (bị hại) bất nhất, do đó tổng số tiền bị chiếm đoạt không đúng với cáo trạng. "Không làm rõ được điều này thì lấy cơ sở nào để yêu cầu các bị cáo bồi thường" - luật sư Thêm nói.

Với những kiến nghị của luật sư bào chữa, HĐXX đã 2 lần hội ý. Đến chiều cùng ngày, HĐXX cho rằng các bị hại có đơn xét xử vắng mặt, trong khi bị cáo Loan có quốc tịch Việt Nam nên tiếp tục xét xử.

Theo cáo trạng, sau khi ly thân chồng đầu năm 2019, Loan về sinh sống, mở bãi giữ xe đối diện cổng sau Công ty TNHH Changshin VN (khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu).

Tháng 3-2019, Loan quen biết vợ chồng Phạm Văn Nam (37 tuổi, thường gọi Nam "bộ đội) và Hồ Thị Sa (Châu Xa). Loan đưa 10 triệu đồng cho Châu Xa để được thu tiền của các tiểu thương tại chợ tự phát cổng sau Công ty Changshin.

Sau đó, Loan lần lượt giao cho Đại, Nhung, Tiến sắp xếp chỗ ngồi cho các tiểu thương và thu tiền của họ với danh nghĩa thu tiền rác, nhưng bản chất là ép buộc tiểu thương nộp tiền bảo kê. Nếu tiểu thương không đồng ý, đàn em của Loan "cá" sẽ chửi bới, đe dọa không cho buôn bán, thậm chí đập phá hàng hóa.

Tùy theo mặt hàng và vị trí buôn bán, nhóm của Loan buộc các tiểu thương nộp từ 5.000 - 30.000 đồng/ngày hoặc từ 300.000 - 1,5 triệu đồng/tháng. Phần lớn số tiền cưỡng đoạt được đều đưa lại cho Loan.

Đến tháng 5-2020, Loan cùng đồng bọn bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Cửu bắt. Tổng số tiền Loan và đồng bọn cưỡng đoạt của 40 tiểu thương hơn 128,8 triệu đồng.

Liên quan vụ Loan "cá" cùng đàn em hầu tòa vì cưỡng đoạt tiền của 40 tiểu thương, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Đồng Nai điều tra bổ sung một số vấn đề liên quan.

Chia sẻ Facebook