Vụ ‘thâu tóm’ đất vàng ở Bình Dương: Nhóm bị cáo mang toàn bộ gia sản ra khắc phục hậu quả
Sau khi vụ án xảy ra, nhóm đồng phạm giúp sức cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Tổng Công ty 3/2) tham ô tài sản đã bán toàn bộ tài sản gia đình và sản nghiệp 2 công ty để khắc phục hậu quả.
Bị cáo nói chỉ là 'cái bóng' của cựu Chủ tịch Cty 3/2
Chiều 20/8, phiên tòa xét xử vụ án “thâu tóm” đất vàng ở TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo và luật sư.
Theo cáo trạng, vợ bị cáo Võ Hồng Cường (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Vượng) và Trần Đình Như Ý (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển) có vai trò “đồng phạm giúp sức” cho hành vi tham ô tài sản của ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng Công ty 3/2).
Bào chữa cho hai vợ chồng bị cáo, luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang) cho rằng, vai trò của hai bị cáo này rất mờ nhạt, không đáng kể.
Theo luật sư, xét ở giai đoạn hình thành, khởi xướng ý tưởng phạm tội tham ô tài sản, chỉ có bị cáo Nguyễn Văn Minh tất cả các bị cáo còn lại trong đó có cả vợ chồng bị cáo Cường không có vai trò gì.
“Ở đây, bị cáo Nguyễn Thục Anh (con gái ông Minh), Trần Đình Như Ý và Võ Hồng Cường, chỉ tiếp nhận ý chí mà thực hiện chứ không hề được bị cáo Minh cho biết rõ ý định, mục đích, không thể hiểu được rằng đây là động tác đầu tiên cho quá trình chuẩn bị một kế hoạch chiếm đoạt tài sản”, luật sư Nguyễn Văn Tú phân tích.
Do đó, luật sư cho rằng, bị cáo Thục Anh vướng 'cái bóng' của cha, bị cáo Như Ý vướng 'cái bóng' của chồng. Việc hai bị cáo trên tiếp nhận ý chí, giúp sức cho bị cáo Minh nhưng cũng cần xác định là cả hai đều không thể nhận ra được kế hoạch, ý định phạm tội của ông Minh.
Đối với hành vi phạm tội của bị cáo Cường, luật sư Tú nói, ở góc độ quản lý và công tác nào bị cáo cũng là cấp dưới của ông Minh. Quá trình điều tra vụ án, bị cáo Cường đã sử dụng thuật ngữ mình chỉ là “cái bóng của anh Minh'. Như vậy, xét mối quan hệ công tác, quản lý và sở hữu vốn, có thể xem bị cáo Cường trong vụ đồng phạm này là quan hệ phụ thuộc, cấp dưới, không thể có quyết định.
“Đáng chú ý, sau khi vụ án xảy ra, gia đình bị cáo Võ Hồng Cường, Trần Đình Như Ý, đã vận động người thân, bạn bè mang toàn bộ tài sản gia đình, cùng sản nghiệp 2 Công ty Hưng Vượng và Phát Triển đi thế chấp vay mượn để lấy tiền khắc phục hậu quả. Dư nợ đến nay lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, các bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình, kiên quyết không để thiệt hại ảnh hưởng đến tài sản của Tỉnh ủy Bình Dương”, luật sư Tú nói.
Luật sư đề nghị cho bị cáo hưởng chính sách khoan hồng
Từ phân tích trên, luật sư Tú kiến nghị HĐXX cho 4 bị cáo Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thục Anh, Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt khi các bị cáo này đã nỗ lực trên khả năng của mình để khắc phục rất sớm, với số tiền lớn.
Trước đó, tại phần trả lời xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thục Anh , thừa nhận mình sở hữu 51% cổ phần của Công ty Phát Triển nhưng chỉ trên danh nghĩa đứng tên thay cho cha.
Thục Anh cho biết, đứng tên công ty thay cho cha khi mới 19 tuổi và không tham gia vào hoạt động nào của Công ty Phát Triển. Do đó, việc doanh nghiệp này bán cổ phần cho Tổng công ty 3/2 như thế nào cô không nắm rõ.
Vẫn theo trình bày của Thục Anh, cô không hưởng lợi đồng nào từ việc chuyển nhượng cổ phần vốn góp. Trong khi, cáo trạng quy kết bị cáo hưởng lợi, nhưng thực tế trên chứng từ, tài khoản đều không thể hiện có tên bị cáo.
Đến giai đoạn điều tra, Nguyễn Thục Anh nói cô nhận thức được việc đứng tên công ty là "vô tình góp phần vào những sai phạm", nên xin nhận trách nhiệm và mong HĐXX xem xét vai trò của bị cáo. Ngoài ra, Thục Anh còn cho rằng nếu ông Minh cha đẻ cô biết việc làm của ông ấy và con gái là tham ô tài sản, thì “cha tôi sẽ không bao giờ để cho tôi làm điều đó".
Viện kiểm sát cáo buộc, Nguyễn Thục Anh nắm giữ 51% vốn điều lệ của Công ty Phát Triển. Năm 2011, Thục Anh cùng đồng phạm tại công ty được ông Nguyễn Văn Minh trao đổi, bàn bạc để đưa Công ty Phát Triển và liên danh thực hiện dự án trên khu đất 145 ha thay thế 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc.
Năm 2018, ông Minh muốn có nguồn tiền xử lý dư nợ tạm ứng tại Tổng công ty 3/2, nên chỉ đạo Thục Anh chuyển nhượng 15% vốn điều lệ tại Phát Triển cho phía Tổng Công ty 3/2. Do không đủ tài chính, Thục Anh cùng Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý đã vay ngân hàng để nộp đủ số vốn góp còn thiếu. Cuối cùng, họ ký hợp đồng chuyển nhượng 15% vốn điều lệ.
Cơ quan truy tố cho hay, thông qua việc chuyển nhượng 15% này, Thục Anh, Như Ý và Hồng Cường đã giúp sức cho ông Minh chiếm đoạt gần 644 tỷ đồng. Sau đó, Thục Anh được hưởng hơn 200 tỷ đồng, Như Ý được hưởng hơn 192 tỷ đồng.