Vụ thất thoát 735 tỉ đồng: Công ty Tân Thuận không đủ tiềm lực vẫn ôm dự án
Cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện khai ở thời điểm xảy ra sai phạm ở dự án KDC Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM), dù biết công ty có vốn điều lệ hạn chế nhưng vẫn "ôm" tới 15 dự án khác nhau.
Vụ thất thoát 735 tỉ đồng: Công ty Tân Thuận không đủ tiềm lực vẫn ôm dự án
Chiều 10-10, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM ), Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận) cùng 8 đồng phạm trong vụ án "bán rẻ" dự án Khu dân cư ( KDC ) Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM ) và dự án KDC Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7, TP HCM ) gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 735 tỉ đồng.
Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (viết tắt Công ty Tân Thuận) thuộc sở hữu của Văn phòng Thành ủy TP HCM .
Bắt đầu phiên xử buổi chiều, HĐXX xét hỏi bị cáo Trần Công Thiện. Cáo trạng của VKSND nhận định bị cáo Trần Công Thiện có vai trò chính đối với sai phạm trong việc Công ty Tân Thuận ký hợp đồng góp vốn với Công ty Quốc Cường Gia Lai (thực chất là chuyển nhượng đất dự án).
Tại tòa, bị cáo nói rằng nguyên nhân các sai phạm xảy ra tại Công ty Tân Thuận trong vụ án này là do vốn điều lệ của công ty quá ít.
Bị cáo khai tháng 8-2009, UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty Tân Thuận đầu tư xây dựng KDC Phước Kiển trên diện tích tích 509.214m2, thời hạn đến cuối năm 2013. Đến hạn, Công ty Tân Thuận mới hiệp thương đền bù diện tích 324.970m2 đất.
Bị cáo cho biết dự án KDC Phước Kiển có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng. Muốn triển khai xây dựng dự án phải chứng minh vốn chủ sở hữu là 1.200 tỉ đồng. Thế nhưng, vốn điều lệ của Công ty Tân Thuận thời điểm này là 162 tỉ đồng (không có tiền mặt) do đó công ty này không thể chứng minh năng lực tài chính để triển khai dự án.
Trước tòa, bị cáo còn khai thời điểm này, Công ty Tân Thuận đang "ôm" tới 15 dự án khác nhau (sau đó là dự án KDC Ven Sông) dù trong tay không đủ vốn.
Bị cáo Thiện thừa nhận mình là người ký kết các hợp đồng thuê các công ty thẩm định giá, tổ chức, chủ trì 4 cuộc họp để xây dựng giá chuyển nhượng, hoán đổi vốn góp với Công ty Quốc Cường Gia Lai, thống nhất giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp; hoán đổi 10% vốn góp và lập thủ tục chuyển nhượng Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông tại Khu IV – KDC Ven Sông; chuyển nhượng phần đất đã đề bù tại dự án KDC Phước Kiển.
Bị cáo cho rằng bản chất các hành vi đã thực hiện là hợp tác đầu tư chuyển nhượng phần góp vốn, do đó Hội đồng xây dựng giá sử dụng kết quả các chứng thư thẩm định để xây dựng giá chuyển nhượng, hoán đổi là không sai với Luật Giá năm 2012. Từ đó, bị cáo Thiện thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố nhưng đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh.
Chủ tọa cho rằng việc thẩm định giá nhằm hợp tác góp vốn với Công ty Quốc Cường Gia Lai nhưng bản chất là không hợp tác mà là chuyển nhượng để hưởng chênh lệch.
Theo cáo trạng, năm 2017, các cá nhân thuộc Thành ủy TP HCM, Văn phòng Thành ủy TP HCM, Công ty Tân Thuận, trong đó có bị cáo Tất Thành Cang, Trần Công Thiện đã xây dựng giá, thống nhất chủ trương, ký hợp đồng để chuyển nhượng phần đất đã bồi thường tại KDC Phước Kiển. Việc này không có sự thẩm định giá để xác định lại giá trị quyền sử dụng đất theo thị trường tại thời điểm chuyển nhượng, không thực hiện việc đấu giá theo quy định, gây thất thoát tài sản của Nhà nước tổng số tiền 202,6 tỉ đồng. Cũng trong năm 2017, các cá nhân thuộc Văn phòng Thành ủy và Công ty Tân Thuận, trong đó có bị cáo Trần Công Thiện đã đồng ý chuyển nhượng phần đất đã bồi thường tại dự án KDC Ven Sông mà không thực hiện thẩm định giá để xác định lại giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, gây thất thoát cho nhà nước 532,6 tỉ đồng. |
Trần Thái
Người lao động