Vũ Thành An: 'Sologan của tôi là vượt qua chính mình'
Tham gia The Champion - Nhà vô địch mang đến một trải nghiệm rất khác và thú vị với Vũ Thành An, vận động viên đấu kiếm hàng đầu Việt Nam.
PV: Trước hết, An có thể chia sẻ về những tấm huy chương mà anh giành được? Thành tích nào khiến anh tự hào và đáng nhớ nhất?
Vận động viên Vũ Thành An: Thành tích nổi bật của An phải kể đến tấm huy chương đồng châu Á cá nhân đầu tiên của đấu kiếm, tiếp đó là huy chương đồng đội, 3 huy chương vàng trong 3 kì Sea Games liên tiếp, và huy chương vàng U23 châu Á.
Mỗi tấm huy chương đều có những ý nghĩa đặc biệt, nhưng hai tấm huy chương có ý nghĩa đặc biệt nhất với mình là tấm huy chương vàng và huy chương đồng U23 châu Á.
Bước lên đỉnh của châu Á, đấy là một dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời. Với đấu kiếm ở châu Á, Hàn Quốc gần như thống trị thế giới, mình đã lọt vào trong top như thế là mình cũng có những bước tiến rất là lớn trong sự nghiệp.
Năm 2022 sẽ là kỳ Sea Games trên sân nhà của Việt Nam, không biết quá trình tập luyện của An cho kỳ Sea Games này như thế nào?
Hai năm nay, có rất ít các giải thi đấu do dịch và việc tập luyện cũng bị hạn chế rất nhiều so với những năm trước.
Ví dụ như trước đây, có thể có 20 người tập luyện, cọ sát với nhau. Nhưng gần đây, thời gian tập luyện gần như chỉ có một vài thành viên đội tuyển.
Mình chỉ có thể khắc phục những hạn chế rất lớn ấy bằng cách xem online hoặc nâng cao thể lực, để cải thiện năng lực cũng như là để chuẩn bị cho Sea Games.
An từng góp mặt tại Olympic Rio năm 2016, đấu trường ấy có khoảng cách như thế nào so với Sea Games?
Phải nói thật thế này, nếu so đấu trường Olympic với Sea Games, người ta có thể gọi là “ao làng” so với biển, nó đúng là như thế.
Ở giải thế giới, mình chỉ mong gặp được những vận động viên hàng đầu Đông Nam Á cũng đã là may mắn rồi. Những vận động viên hàng đầu thế giới ấy người ta lại tinh gọn lại chỉ còn khoảng tầm 32 vận động viên tham dự Olympic thôi.
Thế nên phải nói Olympic là một đấu trường cực kì khắc nghiệt.
Vì vậy, để một ngày nào đó đấu kiếm Việt Nam xuất hiện trên bục thành tích của đấu trường Olympic hẳn sẽ còn rất xa?
Đúng, còn rất là xa! Nói thật, cái nền đấu kiếm của Việt nam mới được 10-20 năm mà nền đấu kiếm thế giới là hàng trăm năm. Mình mình phải có những đột phá rất là lớn tất cả về mọi mặt, về con người, về cơ sở vật chất, về đầu tư, tức là phải có những bước tiến lớn, mới mong là có được thành tích ở Olympic.
An chuẩn bị tham gia The Champion – Nhà vô địch, một show truyền hình về boxing. Khi chuyển qua tập boxing, anh gặp khó khăn như thế nào?
Khó khăn đầu tiên chính là vấn đề thể lực, môn boxing đòi hỏi thể lực khá nặng so với mình. Thứ hai, gần như là mình bắt đầu lại từ đầu, về cái cách tập cũng như tất cả mọi thứ tưởng là nó giống nhau nhưng thật ra nó không giống nhau chút nào.
Thêm vào đó lại phải tập online nữa?
Đúng rồi. Nó khó khăn ở chỗ là có những động tác của mình chưa được chuẩn, lúc ấy huấn luyện viên sẽ rất khó để chỉ cho chuẩn và nó sẽ mất thời gian hơn so với việc mà mình được tập trực tiếp với huấn luyện viên.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt giữa boxing và đấu kiếm khác nhau nhiều không anh?
Môn đấu kiếm là mình tập nhiều năm rồi, nên độ hao sức sẽ ít hơn boxing khá nhiều và việc tập một môn như boxing sẽ tiêu tốn rất nhiều thể lực. Vì vậy, mình sẽ phải ăn nhiều hơn để bù đắp những năng lượng đã mất.
Đối thủ sắp tới của An là Phạm Hồng Nam, một vận động viên cầu lông. An có thể chia sẻ một chút về đối thủ của mình?
Anh Nam là vận động viên trẻ, có sức vươn lên rất cao, có đam mê của tuổi trẻ và có tham vọng. Với mình, đây là một đối thủ rất là phù hợp về thể hình cũng như là về chiều cao tương đồng.
Môn của mình cũng không hẳn là môn đối kháng trực tiếp, môn cầu lông cũng có một số điểm tương đồng với boxing như là phản xạ linh hoạt. Đây là một cặp đấu rất là tương xứng và sẽ rất khó dự đoán.
An có áp lực không?
Với bản thân mình, bất kể tham gia cuộc đấu gì thì mình đều có một cái áp lực và áp lực đấy là một áp lực bắt buộc phải có và cần có trong thể thao. Trong thể thao nếu mà không có áp lực thì thi đấu nó cũng không có ý nghĩa.
Bất kể một vận động viên nào, như Mike Tyson chẳng hạn, trước một trận đấu người ta cũng mất ngủ cả đêm. Vận động viên hàng đầu thế giới ở bộ môn boxing người ta cũng có những áp lực mà.
An được tập dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Trần Duy Nhất. HLV Duy Nhất đã truyền cho anh những kinh nghiệm gì trước khi lên sàn?
Ngoài những kiến thức chuyên môn ra, Nhất cũng chỉ cho mình những cái về tâm lý, chiến thuật làm sao để đỡ bị áp lực hơn, làm sao để trấn áp các áp lực tâm lý. Đúng là mình thấy nó cũng có những cái khác nhau so với đấu kiếm.
Slogan của anh An khi đến với The Champion lần này là gì?
Với mình thì Slogan đó là “Vượt qua chính mình”
Không riêng gì boxing, đấu kiếm, hay tất cả các môn thể thao, khoảng thời gian khi qua thời kì đỉnh cao, các vận động viên đôi khi cũng gặp những khó khăn trong cuộc sống về sau. Bản thân An là một vận động viên chuyên nghiệp, anh nghĩ sao về điều này?
Với một vận động viên chuyên nghiệp, tập luyện và thi đấu chiếm toàn bộ thời gian trong cuộc đời. Người ta thường nói là sao vận động viên không đi học hay không đi kinh doanh, hay là không tư duy để làm thêm cái này thêm cái kia nhưng mà thật sự nó là một điều cực kì khó.
Nếu chơi nghiệp dư thì nó là câu chuyện thể thao và sức khỏe. Nhưng tập trung làm sao để mình vươn lên số 1 cần rất nhiều tâm huyết và công sức đổ vào đấy. Không chỉ tập xong về là có thể ung dung được, riêng chuyện ăn uống cũng là một cực hình, rồi mát xa thả lỏng, đi ngủ sớm và bắt đầu một ngày mới rất sớm…, đó là những điều mà một vận động viên chuyên nghiệp phải duy trì liên tục trong cả sự nghiệp.
Nên sau khi qua thời đỉnh cao và hết tuổi thi đấu, các vận động viên thường sẽ không có công việc gì và cũng không biết làm gì. Đấy là khó khăn đặc thù với từng vận động viên đỉnh cao.
Bản thân An đã chuẩn bị những gì cho khoảng thời gian sau này của mình chưa?
Thật ra mình cũng chuẩn bị từ rất sớm, bởi vì khi mình đến một ngưỡng nhất định rồi thì phải tính đến những hướng về sau. Mình có kinh doanh một số thứ, nói chung là nó cũng đem lại nguồn thu nhập thụ động ngoài chuyên môn.
Cảm ơn Vũ Thành An về cuộc trò chuyện!