Vụ tên lửa trên đất Ba Lan: Ukraine đang kéo NATO vào cuộc?

Chia sẻ Facebook
19/11/2022 16:13:43

Vụ việc làm dấy lên lo ngại về một sự leo thang mới trong xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine đã được Mỹ và Ba Lan dập tắt kịp thời.


Kiev đang cố gắng kéo NATO trực tiếp vào xung đột sau khi lãnh đạo một số nước đồng minh xác định rằng một vụ nổ gây thiệt hại nhân mạng trong lãnh thổ Ba Lan rất có thể được kích hoạt bởi các hệ thống phòng thủ của Ukraine đang cố gắng đánh chặn một tên lửa tấn công của Nga .

Đó là bình luận của Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov được chia sẻ với Newsweek hôm 18/11.

Một số quan chức phương Tây ban đầu cho rằng nguyên nhân của vụ việc hôm 15/11, cướp đi mạng sống của 2 công dân Ba Lan ở ngôi làng biên giới Przewodów (cách biên giới Ukraine chừng 6 km), là do tên lửa của Nga, làm dấy lên lo ngại về một sự leo thang mới trong xung đột Nga-Ukraine, nay đã gần bước sang tháng thứ 10.

Sau đó, hôm 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã thừa nhận rằng có khả năng đây là một sự cố đáng tiếc do tên lửa Ukraine gây ra.

Khi được hỏi về các tuyên bố rằng vụ nổ có liên quan đến Nga, Tổng thống Mỹ Biden nói: “Có thông tin sơ bộ phản bác điều đó. Tôi không muốn nói điều gì cho đến khi chúng tôi hoàn tất cuộc điều tra về vụ nổ, nhưng theo quỹ đạo vụ nổ, không có khả năng quả tên lửa đó được khai hỏa từ phía Nga”.

Tổng thống Ba Lan Duda, sau khi nhận được thông tin tình báo mới nhất, đã nói: “Từ thông tin mà chúng tôi và các đồng minh có được, đó là một tên lửa S-300 do Liên Xô sản xuất, một tên lửa cũ, và không có bằng chứng cho thấy nó được phóng bởi phía Nga. Rất có khả năng nó do lực lượng phòng không Ukraine khai hỏa”.

Ảnh chụp từ trên không cho thấy hiện trường cuộc tấn công bằng tên lửa hôm 15/11/2022 ở làng Przewodow, miền Đông Ba Lan, gần biên giới với Ukraine. Ảnh: Getty Images

Nhưng các quan chức đồng minh bao gồm Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đổ lỗi cho Moscow về những gì đã xảy ra. Họ cho rằng sự việc là hậu quả của các cuộc tấn công liên tục của Nga vào Ukraine.

Và tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy tiếp tục phủ nhận rằng chính tên lửa của các lực lượng của ông đã rơi vào lãnh thổ quốc gia NATO láng giềng.

Đại sứ Nga Nga Antonov nói với Newsweek: “Chúng tôi đã lưu ý rằng việc các tên lửa Ukraine hạ cánh xuống lãnh thổ Ba Lan tiếp tục gây ra phản ứng đáng kể ở Mỹ”.

Theo ông Antonov, các quan chức, phương tiện truyền thông và các tổ chức phi chính phủ của Mỹ tiếp tục hô vang câu thần chú “Nga phải chịu trách nhiệm về mọi thứ”.

Nhà ngoại giao Nga lên án “những nỗ lực vô lý nhằm chuyển trách nhiệm lên đất nước chúng tôi” và cảnh báo những lời như vậy “chỉ có thể khiêu khích chế độ Kiev”.

“Chính quyền Ukraine không chỉ yêu cầu Washington cấp thêm hỗ trợ quân sự”, ông Antonov bổ sung, “mà còn đang cố gắng kích động một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Liên bang Nga và NATO”.


NATO đã hỗ trợ Ukraine trong suốt cuộc xung đột, bao gồm cả hỗ trợ kinh tế và quân sự . Về phần mình, Mỹ đã cung cấp khoảng 54 tỷ USD viện trợ kể từ khi giao tranh bắt đầu vào cuối tháng 2, và Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội Mỹ bật đèn xanh thêm khoảng 38 tỷ USD hỗ trợ theo sau vụ việc ở biên giới Ukraine-Ba Lan.

Một số quan chức phương Tây như Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng Latvia Artis Pabriks ban đầu kêu gọi kích hoạt Điều 4 của Hiến chương NATO để phản ứng với vụ việc. Điều 4 cho phép các đồng minh NATO tập hợp lại để thảo luận về mối quan tâm của họ và có khả năng xem xét tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Một điều khoản khác của NATO, Điều 5, yêu cầu các quốc gia phản ứng tập thể trước bất kỳ cuộc tấn công nào vào một quốc gia thành viên, cũng được nhắc đến.

Bản đồ cho thấy địa điểm xảy ra vụ nổ trên lãnh thổ Ba Lan hôm 15/11/2022, cách biên giới với Ukraine chỉ tầm 6km, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang tiếp diễn. Ảnh: TRT World

Nhưng những lời kêu gọi về các biện pháp như vậy đã lắng xuống kể từ khi xuất hiện bằng chứng cho thấy cuộc tấn công là do một tên lửa Ukraine gây ra.


Trong cuộc họp báo với các phóng viên hôm 18/11, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tái khẳng định “quyền tự vệ” của Ukraine và cho biết rằng các quan chức Mỹ và Ba Lan đã liên lạc với những người đồng cấp Ukraine “để làm rõ sự thật” về những gì đã xảy ra ở miền Đông Ba Lan hôm 15/11, trong khi Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine thúc đẩy nỗ lực tham gia điều tra vụ việc .


Minh Đức (Theo Newsweek, The Independent)

Chia sẻ Facebook