Vụ sập sàn tiền số lớn nhất từ trước đến nay: Tranh chấp nổ ra trên toàn thế giới, khách hàng không biết bao giờ mới lấy lại được tiền
Nhiều tranh chấp đang nổ ra khắp nơi trên thế giới quanh chuyện ai được quyền kiểm soát các tài sản của công ty đã vỡ nợ - FTX.
Vụ sụp đổ của sàn tiền số FTX đã châm ngòi cho những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa chính phủ nhiều nước với tân CEO của FTX là John J. Ray III.
Tại đảo Síp, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đang phàn nàn rằng quyết định để FTX phá sản của Ray khiến một loạt cuộc điều tra nổ ra và kéo theo đó là nhiều khách hàng từ châu Âu không thể lấy lại tiền của họ.
Ngày 28/11, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán và hối đoái Síp George Theocharides đã gửi thư cho Ray, nêu lên những lo ngại về quá trình phá sản. Chi nhánh châu Âu của FTX, FTX EU Ltd, được đăng ký kinh doanh ở Síp, cho phép sàn này cung cấp dịch vụ cho tất cả các nước thành viên của Liên minh châu Âu.
Ông Theocharides viết rằng cơ quan này đang điều tra liệu FTX có vi phạm luật chứng khoán hay không, nhưng bởi vì các nhân viên của FTX EU không thể tiếp cận với các dữ liệu cần thiết, ông không thể tiến hành công cuộc điều tra.
Tính đến ngày 15/11, FTX EU đang giữ của khách hàng tổng cộng 47 triệu euro (tương đương khoảng 49 triệu USD). Cơ quan quản lý đã yêu cầu FTX EU trả lại tiền cho khách hàng, nhưng điều này là không thể bởi tài khoản ngân hàng của công ty đang bị đóng băng theo Chapter 11.
Trong khi đó các quan chức của Bahamas, nơi FTX mới chuyển trụ sở tới từ năm ngoái, buộc tội Ray về những phát ngôn sai lệch.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan chức năng đã tịch thu các tài sản của 1 chi nhánh FTX, đối đầu với nỗ lực đưa tất cả các tài sản của FTX vào quy trình phá sản ở Mỹ của Ray.
Sự thật trần trụi mà các khách hàng phải đối mặt
Một loạt tranh chấp đang nổ ra trên khắp thế giới phản ánh một sự thật: tham vọng toàn cầu mà giới tiền số vẫn quảng bá lâu nay không hề ăn nhập với hệ thống pháp luật vốn chỉ gói gọn trong biên giới từng quốc gia.
Những người ủng hộ nói rằng bản chất xuyên biên giới của tiền số cho phép người dùng gửi tiền cho 1 người ở nước khác dễ dàng như bạn gửi đi 1 email. Các công ty tiền số cũng đang phục vụ khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới và đặt trụ sở ở các thiên đường thuế, nơi có luật lệ rất lỏng lẻo.
Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, ví dụ như phá sản, thì các luật để bảo vệ khách hàng luôn bó hẹp trong phạm vi quốc gia. Khách hàng khó có thể trông chờ vào sự hợp tác xuyên biên giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong giới tiền số chưa từng có vụ phá sản nào có độ phủ rộng toàn cầu lớn như FTX. Hồ sơ phá sản ban đầu của công ty này liệt kê tới hơn 130 chi nhánh tại nhiều quốc gia, từ Canada đến Ghana và Nhật Bản. FTX có khoảng 95% doanh thu đến từ bên ngoài nước Mỹ.
Kết quả của những tranh chấp này sẽ quyết định cách khách hàng của FTX sẽ thu hồi được bao nhiêu phần trăm trong số hàng tỷ USD mà FTX đang nợ họ. Các nhà quản lý tại nhiều nước đang nỗ lực để đảm bảo các công dân của mình không chịu thiệt thòi. Rất có thể một số khách hàng sẽ lấy lại được toàn bộ tiền trong khi một số khác chỉ nhận được vài xu lẻ so với những gì đã bỏ ra.
Tham khảo Wall Street Journal