Vụ san hô chết: tạm ngừng bơi, lặn quanh đảo Hòn Mun, Nha Trang từ 27-6

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 01:15:17

Chiều 24-6, Ban quản lý vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) thông báo tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại tất cả điểm lặn quanh đảo Hòn Mun, thuộc Khu bảo tồn biển và danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang, từ ngày 27-6 đến khi có thông báo mới.

Đó là hậu quả của tình trạng nhiều loài san hô tại đảo Hòn Mun và nhiều khu vực khác trong vịnh Nha Trang chết trắng, hư hại, suy giảm khủng khiếp trong thời gian qua.

Việc tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại các khu vực xung quanh đảo Hòn Mun, theo Ban quản lý vịnh Nha Trang là thực hiện theo thông báo của UBND TP Nha Trang vào ngày 24-6 vừa qua.

Mục đích là "để tiến hành triển khai, khảo sát đánh giá hiện trạng, xác định các khu vực dễ bị tổn thương, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang phù hợp trong thời gian tới".


Tối 24-6, ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang - cho biết việc tạm ngừng bơi, lặn biển tại khu vực Hòn Mun theo thông báo đã nêu không phải là "đóng cửa hoàn toàn".

Vì sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng, có thể Ban quản lý vịnh Nha Trang sẽ đề xuất cho bơi, lặn trở lại đối với khu vực còn đảm bảo các điều kiện về môi trường sinh thái biển và các quy định quản lý trong điều kiện mới.


Từ trước đến nay, quanh đảo Hòn Mun có 7 điểm được phép tổ chức bơi, lặn theo quy định bảo tồn biển của Ban quản lý vịnh Nha Trang.

Trước đó, ngày 21-6, Tỉnh ủy Khánh Hòa có thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy liên quan đến việc suy giảm rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang.

Theo kết luận, thời gian qua, các cơ quan báo chí phản ánh cơ bản đúng thực trạng suy giảm rạn san hô tại khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang.

Việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót.

Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…).

Do đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, thực hiện một số giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài để bảo vệ, phục hồi vịnh Nha Trang.

Trong các giải pháp trước mắt, có yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun. Đồng thời khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang.

Những ngày qua dư luận xã hội rất ngỡ ngàng, bức xúc trước hình ảnh, thông tin về tình trạng hư hại của san hô ở khu vực Hòn Mun - khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, thuộc danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Chia sẻ Facebook