Vụ SAGRI: Ông Trần Trọng Tuấn kêu oan, khẳng định chỉ cần thẩm định giá, không cần đấu giá
Tại phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại SAGRI chiều 8-6, cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn kêu oan, cho rằng bản án sơ thẩm nhầm lẫn quy định chuyển nhượng dự án bất động sản với chuyển nhượng vốn nhà nước ra ngoài doanh nghiệp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) kháng cáo kêu oan. Ông Tuấn thừa nhận hành vi đã ký vào tờ trình báo cáo UBND TP và đề xuất UBND TP cho phép chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khi kết luận các tình tiết liên quan, bản án sơ thẩm không phân biệt được quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể trong quá trình thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản và chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong dự án.
Ông Tuấn cho rằng việc bản án sơ thẩm căn cứ quy định tại điều 29 và 38 nghị định 91/2015 để cho rằng việc chuyển nhượng vốn SAGRI đã đầu tư trong dự án này phải đấu giá là không đúng. Bởi điều 29 nằm trong mục 2 chương 3 có tên "quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH".
Trong trường hợp này, SAGRI hợp tác với Công ty Phong Phú để triển khai dự án đầu tư kinh doanh nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9. Đây là trường hợp đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, không hình thành pháp nhân mới, do chính SAGRI làm chủ đầu tư.
Theo ông Tuấn, vốn đầu tư của SAGRI trong vụ án này là tài sản cố định. Bởi thông tư 45 của Bộ Tài chính cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản cố định vô hình nhưng khi quyền sử dụng đất đó được đưa vào kinh doanh bất động sản thì dự án đó không được xem là tài sản cố định.
Khi Sở Tài chính hỏi Bộ Tài chính thì được trả lời đây là tài sản dở dang, không phải tài sản cố định. Khi thực hiện chuyển nhượng dự án bất động sản, chuyển nhượng vốn doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải thực hiện theo từng giai đoạn với thủ tục pháp lý khác nhau.
Ban đầu để thực hiện dự án nhà ở, SAGRI và Công ty Phong Phú ký hợp đồng hợp tác là đúng pháp luật vì SAGRI có chức năng kinh doanh bất động sản. Nhưng đến năm 2013, khi UBND TP phê duyệt đề án tái cơ cấu SAGRI, SAGRI không được kinh doanh ngoài ngành nên các dự án đã đầu tư ngoài ngành trước đây phải chuyển nhượng toàn bộ vốn.
"Để chuyển nhượng vốn trong dự án này mà không thất thoát tài sản thì phải thực hiện theo điều 31 Luật quản lý vốn nhà nước, tức phải thẩm định giá để xác định giá thị trường. Cái sai của SAGRI là không thẩm định giá mà chỉ kiểm toán độc lập" - ông Tuấn nói.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc "khi bán dự án có đang bán kèm quyền sử dụng đất không", ông Tuấn cho rằng trong vốn doanh nghiệp đầu tư vào dự án có quyền sử dụng đất và tài sản khác.
Về vấn đề này, chủ tọa cho rằng muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước hết phải xem luật đất đai có thỏa mãn không. Trường hợp nếu SAGRI là chủ dự án, xây nhà để bán thì không phải đấu giá vì quyền sử dụng đất đã được bán thông qua giá thị trường. Còn khi bán đất đai cho doanh nghiệp, tổ chức thì phải đấu giá.
Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng Nhà nước đã giao đất cho SAGRI và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2010. Doanh nghiệp đem tài sản của mình vào hợp tác kinh doanh, tức là đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nên có quyền chuyển nhượng vốn đó mà không phải đấu giá.
Chủ tọa tiếp tục hỏi: "Năm 2011, SAGRI đã đóng tiền sử dụng đất 128 tỉ đồng, đến năm 2017 mới chuyển nhượng dự án tại sao vẫn để giá cũ? SAGRI có quyền đại diện vốn nhà nước, còn tiền của SAGRI vẫn là tiền của nhà nước. Do vậy khi muốn thoát sự quản lý nhà nước khu đất này thì phải thực hiện theo đúng thủ tục".
"Phải có sự quản lý nhà nước để bảo toàn tài sản nhà nước, nhưng trong trường hợp này không có quy định pháp luật về buộc đấu giá thì phải thẩm định giá như ý kiến của Bộ Tài chính" - ông Tuấn khẳng định.
Trong chiều nay, hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát và các luật sư đã xét hỏi xong. 13h30 ngày 9-6, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao sẽ luận tội và phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
Sáng 8-6, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) do có kháng cáo của 6/19 bị cáo và kháng nghị của viện trưởng Viện KSND TP.HCM.