Vụ SAGRI: Cựu giám đốc Sở Xây dựng nhận trách nhiệm chủ quan, luật sư đề nghị hủy án

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 22:15:19

Chiều tối 9-6, phiên tòa xử vụ SAGRI kết thúc tranh luận. Tại tòa, ông Trần Vĩnh Tuyến, ông Trần Trọng Tuấn thừa nhận đã chủ quan, nhưng ông Tuấn cho rằng việc chuyển nhượng vốn không cần đấu giá và việc xác định thiệt hại là không đúng.

Ông Trần Trọng Tuấn tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI


Luật sư đề nghị hủy án hoặc giảm án sâu cho ông Tuấn

Luật sư Đặng Hoài Vũ (bào chữa cho ông Trần Trọng Tuấn, cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) không đồng ý với mức đề nghị của viện kiểm sát. Bởi ông Tuấn kháng cáo toàn bộ bản án nên hội đồng xét xử sẽ xem xét toàn bộ nội dung vụ án chứ không phải kêu oan thì không giảm án.

Về vấn đề thoái vốn, theo luật sư Vũ, chức năng của Sở Xây dựng không phải là tham mưu về vốn mà chuyên môn là lĩnh vực xây dựng, còn tham mưu về vốn là chức năng của Sở Tài chính. Do đó, tham mưu của ông Tuấn ngay từ đầu là không có giá trị pháp lý.

Ngay sau khi thanh tra kết luận dự án có sai phạm thì các bên đã thanh lý hợp đồng. Kết luận định giá xác định giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) có hạ tầng năm 2017 là 541 tỉ, QSDĐ có hạ tầng năm 2019 là 864 tỉ. Thiệt hại vụ án lại tính cả QSDĐ có hạ tầng (do các bên đầu tư vào) là gây bất lợi cho bị cáo.

Luật sư cho rằng vụ án này không thể đấu giá QSDĐ vì QSDĐ đang đầu tư với doanh nghiệp suốt 10 năm. Đồng thời tại tòa sơ thẩm, giám định viên thừa nhận kết luận giám định là sai nhưng hội đồng xét xử không trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Từ đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm hoặc giảm án sâu cho ông Tuấn còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.


Nhận trách nhiệm chủ quan

Tự bào chữa, ông Trần Trọng Tuấn cho rằng sau khi UBND TP.HCM phê duyệt đề án tái cơ cấu thì SAGRI phải thoái vốn khỏi các dự án đầu tư ngoài ngành, trong đó có dự án xây dựng nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9.

Theo ông Tuấn, việc chuyển nhượng vốn mà SAGRI đầu tư vào dự án không phải đấu giá vì đây là trường hợp đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới, không phải là việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tại công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn nên không thể áp dụng theo điều 29 và điều 38 nghị định số 91/2015.

Bên cạnh đó, tại thông tư số 45/2013 của Bộ Tài chính, QSDĐ là tài sản cố định vô hình, nhưng khi doanh nghiệp nhà nước sử dụng tài sản là QSDĐ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản thì doanh nghiệp không được hạch toán là tài sản cố định và không được trích khấu hao. Bộ Tài chính và Chi cục Tài chính doanh nghiệp TP.HCM cũng xác định dự án này chưa hình thành tài sản cố định.

"Tôi đã làm văn bản hỏi Bộ Tài chính và được trả lời là không phải tài sản cố định. Đề nghị hội đồng xét xử triệu tập Bộ Tài chính, nếu nội dung Bộ Tài chính trả lời là sai thì tôi mới sai. Vì tôi nhận thức như vậy nên mới không phải đấu giá" - ông Tuấn nói.

Cho nên tại tờ trình tham mưu cho UBND TP chấp thuận chuyển nhượng dự án, Sở Xây dựng hướng dẫn SAGRI phải thực hiện thủ tục thẩm định giá theo quy định pháp luật để xác định giá trị toàn bộ số vốn mà SAGRI đã đầu tư vào dự án. Nhưng SAGRI chỉ kiểm toán độc lập mà không thẩm định giá.

Hội đồng xét xử yêu cầu ông Tuấn lý giải về việc quá trình điều tra ông Tuấn không thừa nhận sai phạm rồi khai làm sai do nể nang ông Lê Tấn Hùng nhưng sau đó lại đổi lời khai, ông Tuấn cho biết khi nhận kết luận giám định, ông có ý kiến rằng kết luận giám định không đúng. Nhưng khi đó ông đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, nếu không thừa nhận kết luận giám định thì sẽ bị thay đổi biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên sau đó, giám định viên đã rút kết luận giám định ngay tại phiên tòa.

Ông Tuấn cũng nhận trách nhiệm đã chủ quan và nghĩ TP có giao cho các sở ngành, SAGRI cũng ban ngành sẽ biết cách thực hiện đúng pháp luật.

"Giá như lúc đó tôi cẩn thận hơn, có văn bản gửi UBND TP nhấn mạnh đây là dự án có vốn nhà nước thì sẽ không có việc các cơ quan hời hợt dẫn đến làm sai do không hiểu biết" - ông Tuấn nói.


Bào chữa cho ông Trần Vĩnh Tuyến - cựu phó chủ tịch UBND TP, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng nguồn gốc và nguyên nhân xảy ra sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án giữa SAGRI và Công ty Phong Phú đều diễn ra trước thời điểm ông Trần Vĩnh Tuyến được phân công nhiệm vụ phó chủ tịch UBND TP.HCM. Thực chất quyết định 6077 mà ông Tuyến ký là theo thẩm quyền nhiệm vụ đã được phân công và thực hiện tiếp tục công việc thuộc lĩnh vực của một phó chủ tịch khác (nghỉ phép và nghỉ làm vì lý do sức khỏe).

Ông Tuyến đã cẩn trọng yêu cầu Văn phòng UBND TP kiểm tra, rà soát các vấn đề từ kết luận thanh tra toàn diện đối với SAGRI trước khi ký.

Luật sư cũng cho rằng quyết định 6077 chỉ là điều kiện “cần”, SAGRI, Công ty Phong Phú và các sở, ngành chức năng có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các thủ tục đất đai và nghĩa vụ tài chính, quản lý, sử dụng vốn nhà nước như là điều kiện “đủ” khi chuyển nhượng dự án.

Theo luật sư, từ các biên bản lời khai cho thấy ông Tuyến nhận biết sai mà vẫn ký là nhờ sự phân tích của cơ quan điều tra và viện kiểm sát vào thời điểm đã khởi tố, thông qua các buổi làm việc và hỏi cung, chứ không phải tại thời điểm ký quyết định 6077.

Chiều 9-6, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị giảm án cho ông Lê Tấn Hùng, ông Trần Vĩnh Tuyến do các ông này có nhiều tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích trong công tác, đã khắc phục hậu quả...

Chia sẻ Facebook