Vụ sách giáo khoa 'khổ to, giấy đẹp': Phải làm rõ vụ 'đẹp mà mắc' và có sách 'không dùng đến'
Trước những băn khoăn của dư luận về giá sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít câu hỏi liên quan tới trách nhiệm của bộ cũng như trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan.
Bộ GD-ĐT khẳng định đã chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (SGK) phải bảo đảm yêu cầu tinh gọn, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình. Mọi ngữ liệu, hình ảnh đưa vào SGK phải được khai thác sử dụng trong hoạt động dạy học một cách triệt để. Không được lạm dụng việc gia tăng số trang, hình ảnh, chất liệu và các chi phí sản xuất dẫn tới gia tăng giá SGK.
Không lạm dụng
Trong các văn bản hiện hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, áp dụng trong bối cảnh có một chương trình, nhiều SGK xã hội hóa, Bộ GD-ĐT quy định cấu trúc và nội dung SGK phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm (khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng, quy định về kênh hình trong các trang SGK theo Tiêu chuẩn quốc gia về sách TCVN 8694:2011).
Theo đó, với yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học tập tự lực, chủ động của học sinh, SGK mới cần có ngữ liệu, hình ảnh phong phú, sinh động hơn; các hình ảnh không chỉ để minh họa mà yêu cầu học sinh phải khai thác nội dung để chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng, năng lực...
Riêng đối với NXB Giáo Dục Việt Nam là doanh nghiệp do Bộ GD-ĐT quản lý, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải nghiên cứu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, kết hợp kênh phân phối truyền thống với kênh phát hành qua hình thức thương mại trực tuyến online để giảm chi phí phát hành. Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo đơn vị này phải tinh gọn bộ máy, nhân sự, tiết giảm tối đa các bộ phận trung gian để giảm chi phí, hạ giá thành và giá bán SGK.
Tuy nhiên, giữa quy định và thực tế đang có những điểm mờ, kẽ hở cần được Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát. Trên thực tế, các đơn vị xuất bản đều đang bám vào các quy định trên tại thông tư 33/2017/TT-BGDĐT để làm sách với khổ to hơn, nhiều hình ảnh, màu sắc hơn. Bộ yêu cầu "SGK mới cần có ngữ liệu, hình ảnh phong phú, sinh động hơn", nhưng đến đâu là vừa.
Khâu thẩm định SGK đã làm tốt khâu này để yêu cầu chỉnh sửa, giảm bớt những kênh hình, màu sắc không cần thiết chưa? Bộ cấm "lạm dụng" nhưng qua việc sử dụng SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6, bộ đã có kế hoạch rà soát, đánh giá để yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh nếu có tình trạng lạm dụng kênh hình, số trang không cần thiết, gây lãng phí hay chưa?
Bộ yêu cầu NXB Giáo Dục Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí. Nhưng trên thực tế, việc tích hợp công nghệ 4.0 cho phép học sinh sử dụng SGK điện tử khi mua sách giấy đang là một yếu tố làm tăng giá SGK của đơn vị này. Đây là việc Bộ GD-ĐT chưa trả lời cụ thể.
Phải làm rõ việc "có những cuốn sách không dùng"
Về băn khoăn cho rằng SGK giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm không cần thiết, làm tăng số đầu sách trong bộ SGK mới, Bộ GD-ĐT giải thích: nghị quyết 88/2014/QH13 và Luật giáo dục 2019 quy định mỗi môn học có một hoặc một số SGK.
SGK không chỉ cung cấp kiến thức mà quan trọng hơn SGK là công cụ quan trọng để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các ngữ liệu, hình ảnh đưa vào SGK để yêu cầu học sinh thực hiện hoạt động học tập, khai thác sử dụng chúng để chiếm lĩnh kiến thức và phát triển các kỹ năng, năng lực.
Ngoài việc học sinh sử dụng SGK thực hiện theo yêu cầu của giáo viên trên lớp, SGK còn được sử dụng để định hướng trong quá trình tự học, luyện tập ngoài giờ lên lớp, ngoài nhà trường... để phát triển các kỹ năng, năng lực theo mục tiêu của chương trình môn học/hoạt động giáo dục đặt ra.
Về việc này, Bộ GD-ĐT rất cần có thêm thông tin thực tiễn dạy học đối với các lớp đã thực hiện chương trình mới như lớp 1, lớp 2, lớp 6 để nắm được hiệu quả sử dụng SGK đến đâu. Tình trạng cả giáo viên, học sinh đều "không dùng đến sách" có xảy ra không? Nó là hy hữu hay phổ biến? Những bất cập trong hiệu quả sử dụng sách cần được đánh giá để điều chỉnh trong các chỉ đạo của bộ.
Kiến nghị SGK trong danh mục do Nhà nước định giá
Cũng theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá.
Một trong những lý do để giải thích cho giá sách giáo khoa mới cao gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình cũ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã cho rằng sách mới có "khổ to, giấy đẹp".