Vụ sách được tặng thưởng bị tố ‘đạo văn’, đơn vị trao thưởng nói gì?
Sau thời gian ‘kín tiếng’ trước ồn ào liên quan tới cuốn sách 'Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật' của TS Vũ Thị Trang, chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư Nguyễn Thế Kỷ vừa trả lời Tuổi Trẻ Online.
PGS TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết cuốn sách của TS Vũ Thị Trang hồi tháng 11-2021 được hội đồng tặng thưởng loại C trong bảng xếp loại 4 mức (A, B, C và khuyến khích) do hội đồng xét tặng cho các tác phẩm, công trình xuất bản trong năm 2020.
Về vấn đề "vi phạm bản quyền" liên quan đến cuốn sách Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật mà TS Đỗ Hải Ninh đã có thư phản ánh tới hội đồng hồi tháng 1, ông Kỷ nói hội đồng không có chức năng và thẩm quyền phân xử.
Hội đồng vẫn đang theo dõi việc xử lý và phán quyết chính thức từ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan giao, quản lý, nghiệm thu đề tài; Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam là nơi xuất bản cuốn sách và Cục Đăng ký sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) là cơ quan cấp bản quyền.
Tuy vẫn chờ đợi các cơ quan trên phán xử rồi mới đưa ra quyết định với tặng thưởng đã trao cho cuốn sách của bà Trang, nhưng ông Kỷ khẳng định quan điểm nếu có chuyện " đạo văn " như phản ánh của bà Ninh và báo chí gần đây, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định, đúng tinh thần tôn trọng liêm chính học thuật.
Bởi "sự liêm chính, ngay thẳng trong học thuật là rất cần thiết, là nguyên tắc căn bản, cũng là đạo đức".
Ông Kỷ chia sẻ thêm về câu chuyện vi phạm bản quyền đang rất nhức nhối ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Ông đánh giá sự vi phạm tới mức nghiêm trọng, đưa Việt Nam đứng tốp đầu thế giới về chuyện đáng xấu hổ này. Vi phạm bản quyền không chỉ diễn ra trong nghiên cứu khoa học mà trong rất nhiều lĩnh vực từ báo chí đến sáng tạo văn học nghệ thuật…
Ông dẫn ví dụ thực tế "cười ra nước mắt" của chính mình. Hơn chục năm trước khi ông còn đang làm vụ trưởng Vụ Báo chí (Ban Tuyên giáo trung ương), có nhà báo đàn em ăn cắp hầu như nguyên xi bài báo của ông.
"Lúc đó tôi nói với người gian dối kia rằng "tôi làm công tác quản lý báo chí mà anh còn lấy cắp cả bài báo của tôi thì thật chẳng khác nào anh đã vào đồn công an ăn cắp xe đạp". Sự ăn cắp tri thức đã tới mức ngang nhiên, trơ trẽn như vậy", ông Kỷ nói.
Liên quan tới vụ việc này, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chưa trả lời các câu hỏi của Tuổi Trẻ sau 1 tuần gửi câu hỏi, nhưng nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết ngày 25-3, viện này đã mời hai nữ tiến sĩ Đỗ Thị Ninh, Vũ Thị Trang đến làm việc.
Cùng ngày, Hội Nhà văn Việt Nam cũng họp bàn về việc này bởi hội cũng từng trao giải thưởng Tác giả trẻ cho cuốn sách của bà Trang hồi tháng 1.
Chủ tịch hội Nguyễn Quang Thiều cho biết ban chấp hành hội sẽ có những tìm hiểu độc lập bên cạnh việc tham khảo ý kiến của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để đưa ra quyết định trên tinh thần "mọi sự gian dối đều phải gạt ra khỏi tất cả những giá trị mà hội muốn mang đến cho bạn đọc".
Mới đây, cuốn sách bỗng gây chú ý trở lại khi TS Đỗ Hải Ninh ở Viện Văn học có tố cáo trên mạng xã hội rằng TS Trang "đạo" hơn 11.000 từ của bà để đưa vào sách sau khi thư kiến nghị của bà gửi Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chưa được trả lời sau hơn 1 tháng gửi thư.
Sau đó, báo chí lại tiếp tục chỉ ra bà Trang sao chép y nguyên 6 đoạn dài trong một cuốn sách đã xuất bản năm 2011 của PGS.TS Đỗ Lai Thúy - người mà bà Trang nhận là học sinh.
Đại diện Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho biết cuốn sách của bà Trang được in bằng tiền ngân sách theo phê duyệt của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho đề tài nghiên cứu cấp bộ đạt mức xuất sắc.