Vụ phóng bất thành của Sứ mệnh Artemis 1, chúng ta được lợi gì từ việc khám phá vũ trụ?
Thứ Hai tuần này, NASA tuyên bố hoãn phóng tàu vũ trụ Orion bằng tên lửa hệ thống phóng không gian lên Mặt trăng sau khi phát hiện rò rỉ nhiên liệu.
Các kỹ sư của NASA đã phải liên tục tiếp gần 4 triệu lít oxy và hydro siêu lạnh vào tên lửa SLS, sau khi phát hiện rò rỉ nhiên liệu của tên lửa này. Vết rò rỉ dường như xảy ra tại đúng vị trí từng phát hiện lỗi trong lần tổng duyệt của hệ thống tên lửa vào đầu năm.
Chuyến bay Orion - nhiệm vụ đầu tiên của sứ mệnh Artemis
Artemis I là sứ mệnh đầu tiên trong chương trình thám hiểm Mặt trăng kể từ sau nhiệm vụ Apollo cuối cùng năm 1972, đây cũng hệ thống phóng tàu vũ trụ có tên lửa đẩy phức tạp và mạnh mẽ nhất từng được NASA chế tạo. Hệ thống phóng này cực kỳ đồ sộ, cao 98 mét, nhỉnh hơn cả chiều cao tượng Nữ thần Tự do. Nặng 2,6 triệu kg, tương đương trọng lượng của 8 chiếc máy bay Boeing 747.
Hiểu một cách cơ bản thì hệ thống phóng này gồm 5 thành phần chính: 4 động cơ RS-25 được NASA mô tả là động cơ hiệu quả nhất từng được chế tạo.
2 tên lửa đẩy màu trắng sử dụng nhiên liệu rắn. Tầng chính màu vàng là thùng nhiên liệu khổng lồ cho các động cơ đẩy. Ở phía trên cùng là tàu vũ trụ Orion, nơi 3 hình nộm được gắn đầy cảm biến, mô phỏng khoang ngồi của phi hành gia trong thực tế. Bộ phận ở giữa là module kỹ thuật nối tàu Orion và hệ thống phóng.
Nhiệm vụ kéo dài 42 ngày sẽ đưa tàu vũ trụ Orion từ Trái đất bay vòng qua Mặt trăng và quay trở về Trái đất, hành trình dự kiến dài 450 nghìn km. Cụ thể, tàu Orion xuất phát từ Trung tâm vũ trụ Kenedy tại bang Florida, bay vào quỹ đạo Trái đất với tốc độ hơn 27.000 km/h, tàu sẽ điều chỉnh đường bay phù hợp để hướng tới Mặt trăng. Dự kiến, đường bay tàu Orion sẽ giống một hình số 8, sau đó Orion sẽ dành 1 tuần bay quanh Mặt trăng để đánh giá mức độ ổn định của hệ thống và thử nghiệm các thiết bị quan sát mới phát triển.
Orion là chuyến bay đầu tiên trong khuôn khổ Sứ mệnh Artemis của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng, vốn đã bị trì hoãn rất lâu. Dự án hàng tỷ USD này được xem như bước đệm cho các sứ mệnh lên sao Hỏa trong tương lai.
Chúng ta được lợi gì từ việc khám phá vũ trụ này?
Tới giờ thì có lẽ nhiều người đã từng đặt câu hỏi: Vì sao con người phải tốn kém vật chất, hứng chịu rủi ro về sức khỏe và sinh mạng để khám phá vũ trụ? Chúng ta được lợi gì từ việc khám phá này?
Ông Bill Nelson - Tổng Giám đốc NASA cho rằng: "Chúng ta thực ra là chỉ hoàn thành định mệnh của mình. Khi khám phá, chúng ta học được những điều mới, phát triển được những thứ mới để cải thiện cuộc sống của chúng ta trên Trái đất".
Ở khía cạnh sát sườn hơn, khám phá vũ trụ được mô tả là xương sống của các công nghệ hiện đại. Ví dụ như mọi cuộc điện thoại, tìm kiếm trên Internet, giao dịch tài chính từ xa, hay rất nhiều hoạt động hàng ngày của chúng ta là sử dụng công nghệ vũ trụ. Vũ trụ càng được thương mại hóa thì càng nhiều ứng dụng được sinh ra, như giám sát môi trường và mùa màng, dự báo thời tiết chính xác hơn, sản xuất những chất liệu phục vụ công nghiệp và dược phẩm mà không thể sản xuất được trên Trái đất. Xã hội được cho là sẽ hưởng lợi nhiều.
Giáo sư Jack Burns - Đại học Colorado, Mỹ nói: "Chúng ta sẽ trở thành một xã hội đi lại thường xuyên trong vũ trụ, điều này quan trọng vì khám phá vũ trụ mở ra các cơ hội, sinh ra những công ty mới, phát triển kinh tế. Chúng ta đã nhìn thấy chuyện này ở công ty Space X, ở Jeff Bezos, công ty Blue Origin và nhiều công ty khởi nghiệp. Ngành kinh tế vũ trụ đang bắt đầu bùng nổ".
Cái tên Artemis được nước Mỹ chọn đặt cho đại dự án đưa con người quay trở lại Mặt trăng là có ý tiếp tục chương trình Apollo trước đây. Bởi Artemis, trong thần thoại Hy Lạp là em gái sinh đôi của thần Apollo và là nữ thần gắn với Mặt trăng. Tổng chi phí cho kế hoạch đưa con người trở lại và thiết lập căn cứ trên Mặt trăng được ước tính là 93 tỷ USD. NASA hy vọng rằng một trạm vũ trụ quốc tế sẽ hình thành từ chương trình và làm phong phú hơn nữa sự hiểu biết của con người về những gì ẩn giấu giữa các vì sao, nếu không nói đến việc là sẽ còn mang lại lợi ích trực tiếp cho con người.
Đại dự án đưa con người trở lại Mặt trăng
Các sứ mệnh Artemis 1 và 2 được thực hiện nhằm đưa tên lửa, tàu vũ trụ và các thiết bị mặt đất trải qua một loạt cuộc đánh giá trước khi toàn bộ hệ thống được xác nhận là sẵn sàng để chở con người, tức là các phi hành gia lên Mặt trăng. Chương trình Artemis là kế thừa chương trình Apollo lần đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng trong những năm 1960-1970.
Sứ mệnh đầu tiên là Artemis 1, hoàn toàn không chở người, chỉ bay quanh Mặt trăng, nhằm diễn tập cho các sứ mệnh Artemis tiếp theo, đưa các phi hành gia hạ cánh xuống Mặt trăng và thiết lập căn cứ lâu dài khám phá Mặt trăng, rồi làm bàn đạp bay lên sao Hỏa.
Ông Randolph Bresnik - Phi hành gia NASA cho biết: "Khi chúng ta lên sao Hỏa, chúng ta phải mang theo tất cả những thứ cần, nên phải chứng minh được mọi vấn đề hậu cần nhằm tồn tại được trong môi trường đó. Mọi cánh cửa, trang phục, tàu thăm dò, kể cả các bánh xe, tất cả đều phải được thử nghiệm trên Mặt trăng. Tiến hành xong sứ mệnh Artemis 1 sẽ giúp giảm rủi ro cho sứ mệnh Artemis 2. Giảm rủi ro để khi chúng ta lên sao Hỏa, chúng ta sẽ chịu được việc phơi nhiễm phóng xạ lâu dài".
Lần cuối NASA đưa con người lên Mặt trăng là trong chương trình Apollo cách đây 50 năm. Chương trình Apollo ra đời trong bối cảnh cuộc chạy đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh lạnh. Tổng cộng 12 phi hành gia đã đặt chân lên Mặt trăng trong chương trình Apollo, lần cuối là năm 1972 và lần đầu là vào ngày 20/7/1969.
Ông Ross Brocco - Nhà thiết kế kết cấu, Sứ mệnh Apollo 11: "Chúng tôi nhìn các phi hành gia bước lên bề mặt Mặt trăng, đó là một tình huống căng thẳng. Chúng tôi liên tục lẩm bẩm: Hy vọng chúng ta đã làm đúng mọi thứ. Vì mạng sống của các phi hành gia phụ thuộc vào những gì chúng tôi đã làm".
Tới tháng 3/2019, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ thị cho NASA đưa con người lên trở lại Mặt trăng, nhằm đẩy nhanh mục tiêu biến Mặt trăng thành thuộc địa và là căn cứ tiến hành các sứ mệnh lên sao Hỏa.
Một khi hai sứ mệnh Artemis 1 và 2 thành công thì NASA đặt mục tiêu đưa các phi hành gia, trong đó có nữ phi hành gia và phi hành gia da màu đầu tiên lên Mặt trăng, vào năm 2025. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán khả năng thời điểm này sẽ lùi thêm vài năm.
NASA công bố hình ảnh vật thể chưa xác định đâm vào mặt trăng Một số nhà thiên văn học cho rằng đây có thể là một chiếc tên lửa được Trung Quốc phóng vào năm 2014.