Vụ mất gần 47 tỷ đồng: “Ngân hàng không được quyền chiếm giữ tiền” của khách hàng
Bà Hồ Thị Thùy Dương cho biết bà không liên can đến vụ án, Ngân hàng Sacombank không có quyền chiếm giữ 46,9 tỷ đồng để chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nêu lý do cần đợi kết luận của cơ quan điều tra về vụ việc liên quan đến khách hàng bỗng dưng mất gần 47 tỷ đồng trong tài khoản. Tuy vậy, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, bà Hồ Thị Thùy Dương không liên can đến vụ án, tài khoản ngân hàng không bị cơ quan nào phong tỏa và Ngân hàng không có quyền chiếm giữ tiền để chờ kết luận điều tra của chính quyền.
Một khách hàng mất gần 47 tỷ đồng tại Sacombank Cam Ranh, “tiền không cánh mà bay”
Theo đơn kêu cứu của bà Hồ Thị Thùy Dương gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan thông tấn, báo chí: Bà Dương là chủ tài khoản số 0500420042321 mở tại Ngân hàng Sacombank, Chi nhánh Khánh Hòa, Phòng giao dịch Cam Ranh. Đây là tài khoản để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh tôm giống giữa bà Dương và các chủ hàng, hộ cá thể nuôi tôm.
Mới đây, đại diện Ngân hàng Sacombank lên tiếng về vụ việc, cho biết đã sa thải nhân viên vi phạm pháp luật và khẳng định không thoái thác trách nhiệm.
Sau nhiều lần bị bà Dương đòi lại số tiền 46,9 tỷ đồng trong tài khoản của mình, chiều 16/3, Ngân hàng Sacombank tiếp tục nêu lý do cần tuân thủ quy trình và kết luận sự việc của cơ quan điều tra theo luật định, báo Thanh Niên đưa tin.
Tuy vậy, theo báo Thương hiệu và Pháp Luật , “Phiếu chuyển Đơn kiến nghị, phản ánh” của Thanh tra Bộ Tài chính gửi đến Ngân hàng Sacombank hôm 6/3/2023, bà Dương đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết:
“Việc khỏi tố vụ án là khởi tố 04 bị can tham ô tài sản của Ngân hàng Sacombank, không liên quan đến bà Hồ Thị Thùy Dương. Vì vậy việc Ngân hàng Sacombank nói rằng chờ kết quả điều tra của Cơ quan Công an là hoàn toàn không phù hợp; Trong quá trình điều tra không có tài liệu chứng minh cho việc thông đồng vay mượn giữa bà Dương và 04 bị can, việc chiếm giữ tiền trong tài khoản của bà Dương là trái pháp luật.
Việc khởi tố vụ án tham ô tài sản, bà Dương là một trong những nguời có tài khoản bị các đối tượng trong vu án bị khởi tố tự động rút chiếm đoạt. Việc bà Dương mở tài khoản tại Sacombank, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra không phong tỏa tài khoản, do vậy tiền của bà Dương tại tài khoản Ngân hàng, Ngân hàng không có quyền chiếm giữ để chờ kết luận của cơ quan điều tra.”
Trước đó, vào tháng 5/2022, bà Dương phát hiện ra tài khoản của bà bị mất tiền và đã đề nghị Ngân hàng Sacombank trích lục sao kê từ ngày 1/5/2022 để kiểm tra và đối chiếu các giao dịch.
Bà Dương nói: “ Nội dung giao dịch ghi tôi rút tiền mặt (9 giao dịch) nhưng thời gian thực hiện giao dịch nằm trong khung giờ từ 18h – 21h, đây là khung giờ mà mọi giao dịch tại ngân hàng đều đóng cửa” , báo Xây Dựng dẫn lời.
Cũng theo bà Dương, trong 3 giao dịch chuyển khoản trái phép thì có 1 giao dịch được thực hiện trót lọt với số tiền 11 tỷ đồng. Trong khi hạn mức cho phép tối đa chuyển khoản của bà chỉ là 10 tỷ đồng (vượt 1 tỷ đồng so với quy định của ngân hàng).
“Quy trình giao dịch rút tiền qua nhiều khâu và chặt chẽ như vậy nên việc 46,9 tỷ đồng ‘không cánh mà bay’ là điều không thể chấp nhận được” , bà Dương chia sẻ trong uất ức.
Cùng liên quan vụ Sacombank Cam Ranh, hôm 18/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 137/QĐ-CSKT đối với vụ tham ô tài sản xảy ra tại Sacombank Cam Ranh, đồng thời, ra quyết định khởi tố đối với 4 bị can gồm: Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó Giám đốc), Ngô Thị Hồng Nhạn (Thủ quỹ), Nguyễn Trà My và Ngô Nữ Hồng Hải (giao dịch viên) cùng về tội danh tham ô tài sản, theo báo Khánh Hòa.
Tổng số tiền mà các bị can trên chiếm đoạt là hơn 100 tỷ đồng thông qua làm hồ sơ tín dụng khống hình thức vay tiền với tài sản đảm bảo là các thẻ tiết kiệm của khách hàng, làm chứng từ khống tất toán và chứng từ khống rút tiền từ thẻ tiết kiệm của khách hàng để chiếm đoạt.
Tuấn Minh
Người dân nhiều nơi đến ngân hàng SCB đòi tiền, tố lừa đảo mua trái phiếu
Trong hơn 1 tháng qua, nhiều người dân đã đến các chi nhánh ngân hàng SCB để đòi lại số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp và tố ngân hàng này lừa đảo.