Vụ lúa sạch ST24, ST25 bí đầu ra: Chuỗi liên kết dễ gãy và chuyện hài hòa lợi ích
Việc hàng trăm ha lúa sạch ST24, ST25 của xã được bao tiêu sản phẩm nhưng chưa bán được, ông Lê Hoàng Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, Cà Mau cho biết: “Người dân đang khó khăn lắm, có cách nào đó kêu gọi doanh nghiệp vào thu mua lúa giúp dân”.
Trong vài phút trao đổi, ông Phương lập lại vấn đề kêu gọi doanh nghiệp đến mua lúa mấy lần để thấy sự cấp thiết, lúa cần có đầu ra.
Sự gấp gáp đó là bởi, người dân làm vụ lúa trên đất nuôi tôm của xã Tân Bằng đang ở thế kẹt. Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chưa chịu mua lúa, còn thời tiết mưa hoài, bà con bán không được phơi cũng không xong. Các loại lúa ST24, ST25 thì lại rất dễ nảy mầm. Không chỉ Tân Bằng mà ở các xã Biển Bạch Đông, Trí Phải (huyện Thới Bình) cũng tồn tại thực trạng lúa tồn đọng.
Lúa ngon nhất thế giới nảy mầm trong nhà dân
Vùng đất Cà Mau trồng lúa khác với các tỉnh vùng trên vì không chủ động được nguồn nước mà phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Đối với mô hình lúa – tôm thì nước mưa càng quan trọng hơn, nó là điều kiện đầu tiên để người dân tiến hành vụ mùa và là điều kiện quyết định thành công của vụ lúa. Năm nào mưa sớm rửa được mặn sớm người dân xuống giống sớm, mưa càng nhiều chất mặn trên đất được gột rửa càng nhiều thì vụ mùa càng trúng.
Nghe cái tên của mô hình lúa – tôm thì đã biết thu nhập của người dân làm mô hình này đến từ đâu. Vào những năm lượng mưa rất ít như 2015 hay 2020 về vùng chuyên canh lúa – tôm huyện Thới Bình dễ thấy cảnh những cây lúa non le hoe nằm phơi nắng, chờ mưa. Những năm này thì bà con xác định là sẽ mất 1 đầu thu nhập và chỉ trông chờ vào vụ tôm.
Năm nay, thời tiện thuận lợi, mưa rất nhiều, năng suất lúa trung bình ước đạt khoảng 5,5 tấn/ha. So với các tỉnh vùng trên không đáng kể nhưng hiếm lắm người dân trồng lúa trên đất nuôi tôm ở Cà Mau mới đạt được năng suất như vậy. Chắc chắn rằng, khi cây lúa trổ đồng, bà con đã thầm mừng vì đã đánh giá được năng suất. Họ càng mừng hơn vì đang trồng giống ST24, ST15 - lúa ngon nhất thế giới, còn không phải lo đầu ra vì có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Chớ trêu thay “nắng mưa là chuyện của trời”, mưa giúp người dân trúng mùa nhưng mưa cũng làm người dân gặp khó khi thu hoạch, thậm chí có diện tích lúa bị ngập do mưa. Nguyên nhân doanh nghiệp không tiến hành mua lúa theo hợp đồng là vì chất lượng lúa không đạt. Mưa nhiều cũng chẳng thể phơi được lúa, người thì bán tháo, người phải đổ ra nhà, quạt cho lúa hong gió. Ước tính có khoảng 3.800 tấn lúa của người dân huyện Thới Bình chịu cảnh “bán không được phơi không xong”.
Trong buổi họp dân để giải quyết vụ việc ngày 28/11, nhiều nông hộ cũng chỉ ra một số bất hợp lý trong quá trình thẩm định chất lượng lúa. Bà con thu hoạch lúa báo cho nhân viên công ty không xuống kiểm tra, thẩm định ngay mà phải mất đến mấy ngày mới có người xuống.
Doanh nghiệp không mua rồi lại mua, có chịu thiệt?
Nhà máy sấy lúa của Công ty cổ phần lương thực A An, đơn vị ký kết bao tiêu (thuộc Tập đoàn Tân Long) nằm ở An Giang. Đại diện công ty lý giải, việc điều động nhân lực và ghe tải lớn đến các kênh rạch nhỏ của địa phương không dễ dàng, cần có thời gian chuẩn bị, có kế hoạch.
Điều kiện tự nhiên, điều kiện thời tiết ở vùng bán đảo Cà Mau mùa mưa thì ai cũng biết như thế nào. Vùng nguyên liệu lúa là bất di bất dịch. Khi ký kết hợp đồng bao tiêu nhà máy sấy lúa vẫn ở An Giang, vùng nguyên liệu lúa vẫn ở Cà Mau. Không lẽ công ty chưa từng nghĩ đến việc… sẽ phải làm như thế nào?
Khi người dân kỳ vọng càng lớn thì thất vọng sẽ càng nhiều. “Công ty lựa chọn lấy mẫu rất kỹ nhưng không công bố kết quả kiểm định tại chỗ mà sau đó mới thông báo không đạt. Như vậy có thuyết phục được người dân không?” - ông Nguyễn Thành Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dân Phát, ở xã Biển Bạch Đông đặt vấn đề.
Lúa vẫn được ví là hạt ngọc, trong xu thế phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, vùng sản xuất lúa – tôm gần 40.000 ha của tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Thới Bình nói riêng như “viên ngọc quý”. Bởi hiển nhiên sản phẩm phẩm lúa từ mô hình này là sạch, người dân không thể dùng thuốc bảo vệ thực vật nhằm gìn giữ môi trường nuôi tôm.
Huyện Thới Bình năm nay có hơn 8.000/19.000 ha đất lúa - tôm xuống giống các loại lúa chất lượng cao như: ST24, ST25… phần lớn được ký hợp đồng bao tiêu với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhưng không phải HTX nào ký kết bao tiêu với doanh nghiệp cũng bị tình trạng lúa tồn đọng.
Khi báo chí phản ánh về vụ việc, ngày 29/11, UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc, làm việc trực tiếp với Tập đoàn Tân Long. Công văn nêu rõ, để giải quyết lâu dài “cần phân tích, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tác nhân liên quan trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; nghĩa vụ các bên liên quan…”.
Ngày 1/12, Tập đoàn Tân Long phát đi thông cáo báo chí thể hiện nội dung, sẽ tiếp tục thu mua lúa của người dân theo hợp đồng ký kết. Công ty sẽ có phương án hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại do không bán được lúa trong thời gian từ ngày 25-30/11.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết: “Mục tiêu đơn vị về Cà Mau liên kết là để phát triển lâu dài. Sự việc vừa qua có sự thiếu linh động của bộ phận chuyên môn khi bám chặt vào hợp đồng. Việc này cần được giải quyết linh hoạt hơn và đây là tôn chỉ làm việc của tập đoàn. Ban lãnh đạo tập đoàn có trách nhiệm lắng nghe công tác chuyên môn của anh em. Đội ngũ chuyên trách làm không phù hợp, lãnh đạo tập đoàn chỉ đạo chậm thì chúng tôi nhận trách nhiệm. Khi đã biết thì tập đoàn sẽ có chủ trương phù hợp hơn”.
Hợp đồng bao tiêu sản phẩm luôn dựa trên cơ sở lợi thế của vùng nguyên liệu tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cần của doanh nghiệp, nhằm mang lại lợi ích cho các bên. Tập đoàn Tân Long giải quyết như thế cũng là phù hợp, thể hiện được trách nhiệm, thiện chí. Điều đáng tiếc là giải pháp được đưa ra sau khi báo chí đã phản ánh, khi người dân đã mất niềm tin và uy tín của doanh nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng. Việc chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp bị đứt gãy đã từng xảy ra nhiều, cốt yếu vẫn là làm sao để hài hòa lợi ích.