Vụ HS đến trễ không được dự khai giảng: Là bài học kinh nghiệm sâu sắc

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 10:03:13

Chuyện hơn 50 em học sinh phải đứng ngoài trong buổi lễ khai giảng ở Thanh Hoá mới đây đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Hãy nhìn nhận vụ việc theo hướng khác và ngừng 'bao bọc' quá mức để các em có cơ hội được trưởng thành.

Ngày 5/9 vừa qua, trong không khí hân hoan của ngày hội tựu trường, trên cả nước, hàng triệu học sinh và các thầy cô giáo đã có một buổi lễ thật vui tươi, phấn khởi sau 2 năm khai giảng online do dịch Covid-19. Tuy nhiên, một trường học ở TP. Thanh Hóa không may diễn ra sự việc hy hữu dẫn đến tranh cãi không đáng có. Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra kết luận cuối cùng, khép lại ồn ào.

Do đến muộn nên nhiều học sinh của trường THPT Tô Hiến Thành không được tham gia lễ khai giảng. (Ảnh: Vietnamnet)

Cụ thể đã có khoảng hơn 50 em học sinh do đến muộn nên không thể tham gia lễ khai giảng như các bạn khác. Lý do các em đưa ra là vì buổi sáng ngày 5/9, tất cả các trường đều tổ chức lễ khai giảng, do vậy không tránh khỏi việc các tuyến đường giao thông bị ùn tắc.

Các em học sinh đi muộn do ùn tắc giao thông. (Ảnh: Lao Động)


Một em học sinh chia sẻ với báo Vietnamnet rằng: “Khi thấy chỉ đến muộn vài phút, bọn em đã năn nỉ xin được vào dự khai giảng nhưng các thầy không cho. Thầy giáo còn ra ngoài yêu cầu tất cả ra về và không được tụ tập trước cổng trường”.

Nhiều em cố gắng đứng xin bảo vệ để được vào trường. (Ảnh: Lao Động)


Ban giám hiệu trường THPT Tô Hiến Thành ngay sau đó thông tin rằng nhà trường đã tiến hành họp và rút kinh nghiệm. Bà Nguyễn Thị Lệ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với VTV: "Trong tình huống đó cũng cần phải có sự linh hoạt hơn, thông qua sự việc thì các học sinh cũng cần nghiêm túc thực hiện nề nếp, quy định của nhà trường. T uy nhiên, dù hôm nay có chuyện thế này nhưng ngày mai giờ học chính thức của học sinh mà học sinh đi muộn thì vẫn phải chịu trách nhiệm".

Đi muộn vì bất cứ lý do nào cũng không phải là điều tốt. (Ảnh: Vietnamnet)


Liên quan đến sự việc, sáng 6/9, phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở đã đưa ra kết luận cuối cùng. Báo Lao Động dẫn lời ông Lựu: "Quan điểm của Sở là nhắc nhở nhà trường rút kinh nghiệm, vì trường đã xử lý sự việc cứng nhắc. Việc này cũng không phải là việc gì to tát quá, chỉ là vấn đề nội quy, quy định của nhà trường để rèn luyện các cháu, nhưng hơi cứng nhắc, phản cảm trong ngày khai trường".

Nếu cứ mở cửa để các em vào thì sẽ ảnh hưởng và làm gián đoạn buổi lễ khai giảng. (Ảnh: Lao Động)

Trước vụ việc làm xôn xao dư luận này, đã có nhiều luồng ý kiến được đưa ra. Nhiều người cho rằng nên linh động cho các em vào ngày lễ quan trọng như khai giảng. Cũng có người phản bác, đã là học sinh thì phải biết tuân thủ theo kỷ luật và chấp hành đúng các nội quy, quy định của nhà trường.

Trên thực tế, ban giám hiệu trường Trường THPT Tô Hiến Thành, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) trước ngày diễn ra khai giảng đã gửi thông báo tới toàn bộ học sinh trong trường là phải có mặt trước 6h45 để buổi lễ được diễn ra. Toàn trường có tới hơn 1.000 học sinh, vậy nên nếu học sinh đi muộn, đi xe vào trong lúc diễn ra buổi lễ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự nghiêm trang của một ngày quan trọng.

Nhiều em học sinh đã phải ra về vì không thuyết phục được thầy cô cho vào trường. (Ảnh: Vietnamnet)

Chuyện các em đi muộn có nhiều lý do và nó cũng là một lỗi vô cùng phổ biến diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên ngày nay, do Internet quá phát triển khiến sự việc nào cũng bị “bê” lên khắp các trang mạng xã hội. Thêm vào đó, đôi khi các em học sinh được phụ huynh quá bao bọc, nhiều người thường có tâm lý “xót con” dù chưa rõ đúng sai. Có lẽ chính vì những lý do trên mà sự việc “học sinh đi muộn trong ngày khai giảng” trở nên "bất thường" tới mức có khá nhiều người quan tâm và đưa ra tranh luận gay gắt đến như thế.

Các em học sinh cũng cần tuân thủ theo quy định của nhà trường đã đưa ra. (Ảnh: Vietnamnet)

Một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ngoài việc tiếp thu kiến thức trong sách vở còn phải tự rèn luyện cho mình tính kỷ luật, biết tuân theo những quy định đã đặt ra. Đôi khi việc này còn quan trọng hơn rất nhiều, đó cũng là lý do học sinh luôn được nhắc nhở "Tiên học lễ, hậu học văn". Bởi khi bước chân vào cuộc sống, các em sẽ còn phải trải qua những thứ “khắc nghiệt” hơn so với việc phải đứng ngoài vì đi muộn. Vậy lúc ấy, ai sẽ là người đứng ra bênh vực và xin “linh hoạt” thay cho các em.

Ban giám hiệu trường THPT Tô Hiến Thành đã lên tiếng sau vụ việc gây tranh cãi. (Ảnh: Lao Động)

Do vậy, chúng ta không nên quá cổ suý, dễ dãi cho việc học sinh đến trường muộn trong câu chuyện trên. Hãy để nó trở thành bài học kinh nghiệm cho bản thân các em. Có như thế thì các bạn mới biết chịu trách nhiệm với bản thân và trưởng thành hơn trong suy nghĩ cũng như hành động.

Vụ việc trên hiện vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Bạn có suy nghĩ thế nào, hãy để lại bình luận nhé!


Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !

Từ trước đến nay, khai giảng được xem là dịp vô cùng xem trọng, Bởi nó là ngày hội tựu trường, đánh dấu cột mốc mới trên chặng đường học hành và trưởng thành của các em học sinh. Vì thế tất cả mọi người, ai cũng mong buổi lễ được diễn ra một cách trọn vẹn, hoàn hảo nhất.

Vụ việc "đi muộn đứng ngoài trong lễ khai giảng" trên cũng là một bài học đắt giá và là hành trang trưởng thành cho các em sau này. Từ đó, các em biết cách sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để không ảnh hưởng tới người khác cũng như bỏ lỡ khoảng thời gian ý nghĩa trong cuộc đời mình.


Cùng tìm hiểu những thông tin thú vị khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook