Vụ học sinh ngộ độc tập thể ở Nha Trang: Dự kiến ngày mai 23-11 có kết quả phân tích mẫu thức ăn

Chia sẻ Facebook
22/11/2022 10:22:20

Hiện mẫu thức ăn vẫn đang chờ Viện Pasteur Nha Trang nuôi cấy và phân lập định danh vi khuẩn, xác định nguyên nhân, độc tố gây ngộ độc thực phẩm.

Phụ huynh Lăng Kiều Thu không cầm được nước mắt khi chăm con tại Bệnh viện 22-12 - Ảnh: MINH CHIẾN


Sáng 21-11, Sở Y tế Khánh Hòa đã thành lập đoàn kiểm tra công tác chẩn đoán, điều trị cho học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang.

Các bác sĩ, chuyên gia do Trường Ischool Nha Trang mời cũng đã đến tăng cường điều trị cho học sinh. Tại phòng cấp cứu Bệnh viện 22-12 các em nhỏ trên tay quấn đầy băng gạc để truyền thuốc, những phụ huynh mệt mỏi vì lo lắng, thao thức chăm con.


Ngày 23-11 mới có kết quả phân tích

Dỗ dành cậu con trai 9 tuổi ăn cháo, chị Lăng Kiều Thu vẫn chưa hết bàng hoàng khi đi học về con chị đã đau bụng rất nhiều, sau đó sốt cao đến 41 độ. Lúc đó chị có viết đăng lên trang của trường thì có hàng trăm phụ huynh có con gặp tình trạng tương tự.

Chị Lê Thị Kim Uyên - phụ huynh em Minh Kha - mong các cơ quan chức năng phải tìm gấp ra nguyên nhân ngộ độc để có phác đồ điều trị và trường phải chấn chỉnh ngay bếp ăn, thay đổi nhà cung cấp...

Theo báo cáo của các bệnh viện, đến thời điểm này các trường hợp đang điều trị sức khỏe đã ổn, các triệu chứng nôn, ói, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm đã giảm nhiều.

Lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa cho biết kể từ 21-11 sẽ có báo cáo cập nhật tình hình điều trị, từ các bệnh viện đang điều trị cho học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang. Báo cáo gửi vào 15h hằng ngày, sau đó Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ có thông cáo báo chí cập nhật tình hình điều trị cho học sinh.

Dự kiến đến ngày 23-11 mới có kết quả, nhưng kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh viện cho thấy tác nhân gây bệnh là Salmonella group, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết Bộ Y tế đã điều chuyên gia chống độc đầu ngành vào hỗ trợ công tác điều trị cho các cơ sở y tế tại tỉnh này.

Đoàn công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh do TS Vương Ánh Dương, phó cục trưởng, làm trưởng đoàn, cùng chuyên gia chống độc là ông Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm Chống độc và các chuyên gia về truyền nhiễm và vi sinh Bệnh viện Bạch Mai. ( HỒNG HÀ)

Đồ họa: TẤN ĐẠT


"Chắc chắn do nguồn thực phẩm"

Ông Nguyễn Văn Hòa - giám đốc Bệnh viện 22-12 - cho biết sau khi xảy ra vụ ngộ độc tập thể tại Trường Ischool Nha Trang, bệnh viện đã tiếp nhận 200 bệnh nhân gồm học sinh và giáo viên. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 58 bệnh nhân.

Thậm chí, ông Hòa cho biết: "Từ khi các bệnh nhân nhập viện, chúng tôi đã cho bổ sung điện giải, kháng sinh cả đường uống và đường truyền. Do số lượng bệnh nhân đông, bệnh viện mở nhanh một khoa nhi, huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, thuốc men, giường nằm..., cùng nhân sự để điều trị cho bệnh nhân. Hầu hết đã hồi phục và xuất viện, tuy nhiên trong số này có một bệnh nhân trở nặng. Chúng tôi rất tiếc vì điều này".

Cũng theo ông Hòa, nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan công an điều tra. Tuy nhiên, ngộ độc hàng loạt như trên thì chắc chắn do nguồn thực phẩm. Thông thường bị ngộ độc thực phẩm có hai nguyên nhân hay gặp là nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc nhiễm độc khối tụ cầu, cũng có thể ngộ độc do hóa chất, chất bảo quản, thuốc trừ sâu...

Thông thường với những ca nhiễm trùng, nhiễm độc nếu điều trị kịp thời, đúng cách thì sẽ ổn định. Tuy nhiên cũng có thể xảy ra diễn biến xấu do yếu tố cơ địa, hoặc vi khuẩn kháng thuốc.

Theo nhận định của ông Hòa và các bác sĩ tại Bệnh viện 22-12, vụ ngộ độc này khả năng là do nhiễm khuẩn Salmonella (đúng với báo cáo ban đầu kể trên), vì vậy hướng điều trị của bệnh viện là theo phác đồ của loại vi khuẩn này.

Còn về việc xác định chính xác nguyên nhân thì là trách nhiệm của CDC Khánh Hòa, bệnh viện chỉ điều trị và hướng đến các nguyên nhân.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa Bùi Xuân Minh cho biết Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn về phác đồ điều trị đối với các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nói chung. Do đó khi chưa xác định được vi khuẩn, nguyên nhân gây ngộ độc thì các bệnh viện sẽ thực hiện theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế đã ban hành để điều trị cho bệnh nhân.

Còn đến khi có kết quả, xác định được nguyên nhân, vi khuẩn gây ngộ độc thì các bệnh viện sẽ điều trị cho bệnh nhân theo kháng sinh đồ (tức kỹ thuật quan trọng trong việc điều trị để hạn chế sự kháng thuốc của vi khuẩn).

Chia sẻ Facebook