Vụ hàng loạt học sinh ngộ độc: Chuyên gia đưa ra lưu ý đặc biệt
Từ vụ nhiều học sinh nhập viện vì ngộ độc bữa ăn bán trú ở trường chuyên gia chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt lưu ý, cha mẹ không nên bỏ qua.
Chuyên gia chỉ ra 5 vấn đề về "trường học an toàn"
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, qua vụ việc một trường hợp tử vong trong số hơn 400 học sinh Trường Ischool Nha Trang đã, đang phải điều trị tại các bệnh viện, nghi bị ngộ độc thực phẩm, các trường học cần cải thiện về tư duy an toàn bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, hầu hết trường học ở Việt Nam không có chuyên gia an toàn trường học. Các trường nên có chức danh chuyên viên an toàn trường học trong biên chế nhân sự của trường. Hiện nay, chuyên ngành này chưa được đào tạo ở trường sư phạm.
"Tôi khẳng định các hiệu trưởng không phải nhân sự chuyên về an toàn, do vậy khi thực hiện công việc không có chuyên môn sâu và rất cần nhân sự chuyên trách để thực hiện việc giám sát an toàn hằng ngày cho một trường học thường có tới vài trăm hoặc lên tới hàng ngàn con người.
Phạm vi an toàn không chỉ là phòng ngừa tai nạn như té ngã, va chạm nói chung, mà còn là cháy nổ, thiên tai, điện, ngộ độc thực phẩm, sự cố gây thương tích, đuối nước… là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong".
Thứ hai, bữa ăn của trường học nói riêng và bữa ăn tập thể nói chung phải theo thứ tự an toàn thực phẩm - dinh dưỡng - ngong miệng. Bởi bữa ăn học đường là bữa ăn tập thể, để bảo vệ học sinh thì an toàn thực phẩm phải đặt lên vị trí ưu tiên cao nhất. Sau đó là bữa ăn vì dinh dưỡng phù hợp với các em, do các em đang ở lứa tuổi phát triển. Và sau cùng mới là ngon miệng.
Thứ ba, đó là bữa ăn chuyên nghiệp. "Theo tôi, bữa ăn của học sinh không nên là chỗ để kê giá giữa nhà trường với phụ huynh. Nhà trường có thể thu học phí cao hơn, nhưng nên minh bạch bữa ăn của học sinh với cha mẹ. Bữa ăn có giá 50.000 đồng thì phải đúng là 50.000 đồng, không được phép làm bữa ăn chỉ 20.000 đồng. Phải công khai để phụ huynh biết được bữa ăn con họ ăn có được thiết kế trên số tiền chính xác là bao nhiêu. Kê giá bữa ăn là việc làm thiếu đạo đức, thiếu quang minh chính đại của trường học.
Trường học cũng có thể thu phí quản lý kèm theo bữa ăn, nhưng phải minh bạch với phụ huynh về thành phần phí, ví dụ tiền ăn của các em là 50.000 đồng trả cho nhà cung cấp, phí quản lý là 20.000 đồng, tổng cộng là 70.000 đồng. Rõ ràng như vậy, thì phụ huynh ai có nhu cầu có thể đăng ký bữa ăn ở trường, không nên mập mờ thông tin khiến phụ huynh trả tiền bữa ăn 70.000 đồng và cứ nghĩ rằng con họ đang ăn bữa ăn có giá trị dinh dưỡng 70.000 đồng".
Thứ tư, trường học nào cũng có rủi ro tai nạn, dù nó là trường tư, trường công, trường bán công, trường quốc tế, trường chuyên… Đơn giản là vì trường học là môi trường tập thể nơi có sự tương tác của hàng ngàn con người.
Do vậy, để giảm thiểu và phòng tránh rủi ro, người ta chỉ có thể dựa vào chính sách tốt, quy trình tốt và con người mẫn cán. Một trường học an toàn phải nghĩ về an toàn từ trước, phải có chính sách về an toàn trường học, phải tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuyên trách thường xuyên kiểm tra về an toàn và phải xây dựng văn hóa an toàn trong trường học.
Và cuối cùng, "theo tôi, bữa ăn bán trú của học sinh ở trường phải đáp ứng tiêu chí sạch và an toàn về hóa chất".
Cách ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm
Về chuyên môn, ngộ độc thực phẩm còn được gọi là bệnh do thực phẩm, là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Các sinh vật truyền nhiễm bao gồm vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng, hoặc độc tố của chúng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm.
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thường bao gồm buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Theo đó để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, cần lưu ý sau:
Rửa tay kỹ bằng nước xà phòng ấm trước và sau khi xử lý hoặc chuẩn bị thức ăn.
Dùng nước xà phòng nóng để rửa thớt, đồ dùng nhà bếp và các bề mặt khác mà bạn sử dụng.
Giữ thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền.
Khi đi mua sắm, chuẩn bị thực phẩm hoặc bảo quản thực phẩm, hãy để thịt sống, thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ cách xa các thực phẩm khác để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
Nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn. Chúng ta có thể tiêu diệt các sinh vật gây hại trong hầu hết các loại thực phẩm bằng cách nấu chín chúng ở nhiệt độ thích hợp.
Kiên quyết loại bỏ thực phẩm khi nghi ngờ đã bị hư hỏng.
Nếu không chắc thực phẩm đã được bảo quản an toàn hay chưa thì nên loại bỏ thực phẩm đó. Thực phẩm để ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể chứa vi khuẩn hoặc chất độc không thể bị tiêu diệt bằng cách nấu chín, ngay cả khi nó trông thấy tươi ngon và có mùi thơm.
Ngày 20/11, một học sinh trong vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Ischool Nha Trang, tử vong trên đường chuyển vào bệnh viện ở Tp.HCM. Sở Y tế thống kê đến 11h ngày 20/11, số học sinh ngộ độc được các bệnh viện tiếp nhận trong những ngày qua là 600, trong đó 240 em được cho về nhà theo dõi; 360 em nhập viện điều trị nội trú. Đến chiều 20/11, còn 266 em đang điều trị, trong đó 21 em tình trạng nặng.
Chiều 20/11, gần 200 phụ huynh đã có buổi làm việc, đối thoại với lãnh đạo trường Ischool Nha Trang, về việc hàng trăm học sinh nhập viện sau bữa ăn bán trú, nghi bị ngộ độc.
Tại buổi đối thoại, Trường Ischool Nha Trang chính thức xin lỗi phụ huynh về sự cố vừa qua và sẽ nghiêm túc rút nghiệm. Nhà trường cũng cam kết sau buổi họp sẽ đề xuất đưa bác sĩ có chuyên môn ở các nơi đưa về Nha Trang chăm sóc, điều trị cho học sinh ở bệnh viện và trong ngày mai họ sẽ có mặt. Trường cũng sẽ tăng cường tương tác, thông báo tình hình sức khỏe các em học sinh hiện đang được điều trị tại bệnh viện.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Phụ Nữ Việt Nam, Lao Động )