Vụ gửi con đi chữa bệnh nhận về hũ tro cốt: Người điều trị tự kỷ khai gì?

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 00:12:36

Ông Q. khai đã hỏa thiêu thi thể cháu bé 3 tuổi trong xô sắt tại một địa điểm vắng vẻ ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, sau đó cùng một phụ nữ chở tro cốt của cháu bé ra Huế giao cho người nhà…

Theo báo Tiền Phong, công an Lâm Đồng ngày 13/9 tiếp tục điều tra làm rõ nội dung tin tố giác của gia đình ông N.H.N (45 tuổi, ngụ TP. Huế), cho biết đã giao con trai N.L.M.Q (3 tuổi) cho ông L.M.Q (45 tuổi, tạm trú 54/39 Phan Chu Trinh, phường Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc) nuôi dưỡng, điều trị bệnh chậm phát triển, nhưng sau đó cháu bé tử vong chưa rõ nguyên nhân và ông Q. nói đã hỏa thiêu thi thể cháu.

‘Đã quen biết từ 3 – 4 năm trước’

Trước đó, ngày 15/4, phòng cảnh sát hình sự (PC02) công an Lâm Đồng tiếp nhận hồ sơ giải quyết ban đầu của cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) công an TP. Huế đối với đơn trình báo của ông N.

Cụ thể, gia đình ông N. gửi cháu M.Q cho ông Q. chăm sóc, thế nhưng chỉ hơn 3 tuần sau đã phải nhận hung tin con mình chết vì Covid-19 và bị thiêu bằng than củi.

Ông N. cho biết, ông Q. từng khuyên gia đình ông bán nhà để điều trị cho con. (Ảnh: VTC News)

Sau khi tiếp nhận hồ sơ này, ngày 18/4, PC02 đã lập hồ sơ giải quyết tin báo, mời ông Q. và người phụ nữ ở cùng nhà với ông là bà B. lên làm việc.

Bước đầu, ông Q. khai đã quen ông N. từ 3 – 4 năm trước. Đầu tháng 3/2022, ông nhận nuôi dạy, điều trị cho cháu M.Q vì cháu bị bệnh chậm phát triển.

Ngày 3/3, ông Q. đưa M.Q về căn nhà ở địa chỉ 54/39 Phan Chu Trinh mà ông đã thuê trước đó để chăm sóc, điều trị. Trong ngôi nhà này còn có một người giúp việc cho ông là bà C.T.T.B (39 tuổi).

Mới về được 2 hôm thì cháu M.Q bị ho, sốt. Test nhanh thấy cháu dương tính với Covid-19, ông Q. nhờ bà B. đi mua thuốc cho cháu uống.

Đến ngày 8/3, thấy cháu không ho và sốt nữa nên ông Q. thông báo cho ông N. biết con trai ông N. mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh.

Ngày 24/3, thấy cháu M.Q liên tục ho và sốt, ông Q. lại test nhanh và phát hiện cháu tái dương tính Covid-19. Đến 22 giờ cùng ngày (24/3), ông đi ngủ và vào khoảng 2 giờ ngày 25/3, ông Q. phát hiện cháu bé đã tử vong.

Vì không dám báo với chính quyền địa phương nên ông Q. lên kế hoạch tự hỏa táng thi thể cháu bé. Ông đặt thi thể cháu M.Q vào thùng các tông rồi dán băng keo kín lại; đồng thời bỏ than, dầu, xăng và xô sắt vào một thùng các tông khác rồi đưa tất cả lên ô tô của mình.

Ông Q. nhờ bà B. lái chiếc ô tô này về hướng huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng). Đến khoảng 8 giờ ngày 25/3, chiếc ô tô rời quốc lộ 27, rẽ vào một con đường đất. Ông Q. nói bà B. quay ra quốc lộ, còn bản thân ở lại để gặp một người bạn nhằm trao đổi công việc.

Thấy bà B. đã đi khá xa, ông Q. chuyển 2 thùng các tông từ trên xe xuống đất, hỏa thiêu xác cháu Q. trong xô sắt trong khoảng từ 4 – 5 giờ đồng hồ rồi chất mọi thứ lên ô tô.

Căn nhà nơi ông L.M.Q. chữa bệnh cho cháu Q. không phải là biệt thự, với đầy đủ tiện nghi như ông này cam kết. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Khi bà B. quay lại, ông Q. bảo bà lái ô tô xuống Khánh Hòa và ngủ tại đó. Đến khoảng 20 giờ ngày 26/3, khi bà B. lái chiếc ô tô đến TP. Huế, ông Q. nói với bà rằng cháu Q. chết vì Covid-19 và ông đã hỏa táng thi thể cháu.

Sáng 27/3, ông Q. mua một hũ sành rồi tìm chỗ vắng người, bỏ tro cốt của cháu Q. vào hũ; sau đó điện thoại hẹn gặp ông N., báo tin cháu M.Q đã chết vì Covid-19 và đưa hũ tro cốt cho ông.

Lý do gì khiến gia đình cháu bé tin tưởng

Trả lời báo VTC News, ông N. chia sẻ, sở dĩ gia đình ông tin tưởng giao con cho ông Q. để điều trị bệnh chậm phát triển là bởi bị ông Q. vẽ ra tương lai u ám của con trai trong tương lai nếu không điều trị, can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, ông Q. cũng chia sẻ, dẫn chứng nhiều trường hợp trẻ bị chậm phát triển nhưng được ông Q. điều trị khỏi để tạo lòng tin với gia đình ông.N.

Ông Q. còn vẽ ra một cơ sở điều trị bệnh trong mơ như biệt thự riêng biệt, có bể bơi riêng và đội ngũ chăm sóc riêng biệt… Qua đó, gia đình ông N. mới tin tưởng giao con cho ông Q. chữa bệnh với mức giá lên đến 200 triệu đồng mỗi tháng.

Ông N. chia sẻ, trước khi vợ chồng ông có quyết định đưa cháu M.Q. vào Lâm Đồng để nhờ ông Q. chữa bệnh thì ông Q. có ghé đến nhà của ông N. ở phường Phú Nhuận (TP. Huế).

Chiếc xe mà ông L.M.Q điều khiển để chở “hũ tro cốt” được cho là của cháu N.L.M.Q ra Thừa Thiên – Huế trao cho gia đình ông N.H.N. (Ảnh: VTC News)

Lúc này, dù trong nhà ông N. khá đầy đủ tiện nghi và ông dành riêng cả căn phòng rộng hàng chục mét vuông với nhiều cây xanh, ánh sáng để làm khu vui chơi cho con trong nhà. Nhưng ông Q. cho rằng, cháu M.Q. nếu sống ở đây không đảm bảo và bệnh sẽ không lành, khuyên ông N. đưa con trai vào Lâm Đồng để ông Q. điều trị bệnh.

Khuyên gia đình bán nhà để chữa bệnh cho con


“Chưa dừng lại ở đó, ông L.M.Q. còn nói với tôi là nên khuyên bố mẹ tôi bán nhà để lấy tiền chữa trị bệnh cho cháu. Tuy nhiên, tôi nói việc đó không thể được và tôi nói với ông L.M.Q., nếu ông chữa trị cho cháu thì đúng hàng tháng, tôi sẽ xoay sở để chuyển đủ cho ông 200 triệu đồng” , ông N. bức xúc kể.

Ngày 3/3/2022, ông N. giao con trai cho ông Q. chữa trị. Cuộc gặp cũng diễn ra tại một khách sạn ở TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Vài ngày sau, ông Q. thông báo cho vợ chồng ông N. là cháu bé bị mắc Covid-19, đang phải điều trị. Tiếp đó, ông thông báo cháu bé đã khoẻ lại, gia đình chuẩn bị gửi quần áo mới lên vì con lên cân, cần trang phục cỡ lớn hơn. Thế nhưng, khoảng 11h ngày 27/3/2022, ông Q. ra Huế giao cho vợ chồng ông N. hũ tro cốt, nói đó là con trai của ông N.


Cũng theo người cha này, ông Q. nói với gia đình ông rằng, do “sợ quá trình chuyển thi thể cháu từ Lâm Đồng đến TP. Huế bị phân hủy” , ông này tự ý dùng củi thiêu thi thể cháu M.Q. rồi lấy tro cốt đưa ra Huế lo hậu sự. Ông Q. xin chịu chi phí tang ma và xin trả lại 600 triệu đồng nhận trước đó.


Liên quan đến vụ việc trên, Thạc sĩ Tâm lý Trần Cao Quanh – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập Minh Anh (một đơn vị chuyên tư vấn, can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển ở Thừa Thiên – Huế) nhận định, theo chia sẻ của gia đình ông N., trong quá trình điều trị chậm phát triển cho cháu M.Q. thì ông Q. đã sử dụng cách tách trẻ hoàn toàn ra khỏi gia đình, không cho cha mẹ gặp trẻ trong lúc can thiệp, trị liệu; cha mẹ không được đến thăm con và cũng không cho cha mẹ đến nơi tìm hiểu nơi con mình sẽ được can thiệp, điều trị thế này là một cách can thiệp ‘phi giáo dục’‘phản khoa học’ . Đặc biệt, trong trường hợp này trẻ mới khoảng 3 tuổi, một độ tuổi cần sự yêu thương, đùm bọc của gia đình.


Rõ ràng ông L.M.Q. biết cách đánh vào tâm lý gia đình có con chậm phát triển, với mong muốn con được chữa khỏi trong thời gian nhanh nhất, tốt nhất, và niềm tin học phí can thiệp, điều trị cao thì đồng nghĩa chất lượng điều trị bệnh cho con sẽ cao.Đó có thể cũng là lý do chỉ sau vài giờ quan sát trẻ ông L.M.Q. đã mạnh dạn chẩn đoán cháu …M.Q. mắc bệnh chậm phát triển cần điều trị sớm và nếu không điều trị sớm con sẽ trở thành người tâm thần, người điên”, Thạc sĩ Tâm lý Trần Cao Quanh nói.


Xuân Hạ (t/h)

Chia sẻ Facebook