Vụ gửi con đi chữa bệnh nhận hũ tro cốt: Nhiều vấn đề bất thường

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 00:30:30

Chuyên gia trong lĩnh vực can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển có những phân tích ở góc độ chuyên môn sau vụ gửi con đi chữa bệnh, đau đớn nhận lại hũ tro cốt.


Trưa 13/9, trả lời PV VTC News, Thạc sĩ Tâm lý Trần Cao Quanh – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập Minh Anh (một đơn vị chuyên tư vấn, can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển ở Thừa Thiên - Huế) cho biết:  “ Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi có nắm được thông tin việc gia đình anh N.H.N (SN 1977, trú TP Huế) gửi con lên Lâm Đồng cho một người tên L.M.Q để điều trị bệnh chậm phát triển nhưng chỉ sau 25 ngày đau đớn nhận lại hũ tro cốt được cho là của con trai mình.


Tôi nhận thấy có nhiều vấn đề bất thường về mặt chuyên môn khi bắt bệnh cũng như can thiệp sớm cho cháu bé của ông L.M.Q - người tự xưng là có khả năng điều trị cho trẻ chậm phát triển ”.

Thạc sĩ Trần Cao Quanh cho rằng, phương thức can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển của của ông L.M.Q (người mặc áo sọc, cầm nhang) là "phi giáo dục, phản khoa học".


Vì sao gia đình sập bẫy bác sĩ 'rởm'?

Theo Thạc sĩ Trần Cao Quanh, chậm phát triển là một tình trạng rối loạn bẩm sinh; nguyên nhân gây ra chậm phát triển chưa rõ ràng, bao gồm nhiều nhóm yếu tố có nguy cơ gây ra chậm phát triển như yếu tố môi trường, di truyền và các yếu tố tâm lí thần kinh.

Thạc sĩ Trần Cao Quanh phân tích, những trẻ có bị chậm phát triển hiện nay phải được can thiệp trị liệu thông qua phương pháp giáo dục được kiểm chứng. Tùy vào khả năng, năng lực của trẻ và mức độ khó khăn trẻ gặp phải kết hợp với phương pháp can thiệp phù hợp. Đồng thời, với sự nỗ lực can thiệp từ gia đình thì trẻ sẽ có sự phục hồi, phát triển ở các lĩnh vực ở những mức độ khác nhau.

Các phương pháp can thiệp, chương trình can thiệp đều chú trọng phát huy vai trò can thiệp, trị liệu cho trẻ của cha mẹ tại gia đình. Cha mẹ là một đội ngũ can thiệp hiệu quả cho con của mình.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của gia đình anh N.H.N thì trong quá trình điều trị chậm phát triển cho cháu N.L.M.Q. đi chữa bệnh thì ông L.M.Q lại sử dụng cách tách trẻ hoàn toàn ra khỏi gia đình, không cho cha mẹ gặp trẻ trong lúc can thiệp, trị liệu; cha mẹ không được đến thăm con và cũng không cho cha mẹ đến nơi tìm hiểu nơi con mình sẽ được can thiệp, điều trị thế này là một cách can thiệp “phi giáo dục” và “phản khoa học”. Đặc biệt, trong trường hợp này trẻ mới khoảng 3 tuổi, một độ tuổi cần sự yêu thương, đùm bọc của gia đình.

Nơi ông Q. nói là cơ sở can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển thực chất chỉ là một căn nhà cấp 4 mà ông này thuê lại của một người dân ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).


Thạc sĩ Trần Cao Quanh cũng phân tích lý do tại sao gia đình anh N.H.N. lại rơi vào "cạm bẫy" của ông L.M.Q để rồi tin tưởng giao con cho ông này sau đó nhận lại kết cục đau đớn: “ Rõ ràng ông L.M.Q biết cách đánh vào tâm lý gia đình có con chậm phát triển, với mong muốn con được chữa khỏi trong thời gian nhanh nhất, tốt nhất, và niềm tin học phí can thiệp, điều trị cao thì đồng nghĩa chất lượng điều trị bệnh cho con sẽ cao.


Đó có thể cũng là lý do chỉ sau vài giờ quan sát trẻ ông L.M.Q đã mạnh dạn chẩn đoán cháu N.L.M.Q mắc bệnh chậm phát triển cần điều trị sớm và nếu không điều trị sớm con sẽ trở thành người tâm thần, người điên"


Thạc sĩ Trần Cao Quanh bức xúc: " Đáng nói, theo Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng thì ông L.M.Q không được cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận là có chuyên môn điều trị, can thiệp cho trẻ chậm phát triển. Ngoài ra, ngôi nhà mà ông này thuê ở đường Phan Chu Trinh (TP Bảo Lộc) cũng không hề được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép là cơ sở can thiệp sớm cho trẻ. Rõ ràng trong chuyện này có những mập mờ và ông N.M.Q có dấu hiệu lừa đảo gia đình anh N.H.N ".


Từng khuyên gia đình bán nhà để chữa bệnh cho con

Trả lời PV VTC News, anh N.H.N chia sẻ, sở dĩ gia đình anh tin tưởng giao con cho ông L.M.Q. để điều trị bệnh chậm phát triển là bởi bị ông Q. vẽ ra tương lai u ám của con trai trong tương lai nếu không điều trị, can thiệp kịp thời. Ngoài ra, ông Q. cũng chia sẻ, dẫn chứng nhiều trường hợp trẻ bị chậm phát triển nhưng được ông Q. điều trị khỏi để tạo lòng tin với gia đình anh L.H.N.

Ông Q. cũng vẽ ra một cơ sở điều trị bệnh trong mơ như biệt thư riêng biệt, có bể bơi riêng và đội ngũ chăm sóc riêng biệt... Qua đó, gia đình anh N. tin tưởng giao con cho ông Q. chữa bệnh với mức giá lên đến 200 triệu đồng/tháng.

Anh N.H.N cho hay, ông L.M.Q từng khuyên gia đình anh bán nhà để điều trị cho con.

Anh N.H.N chia sẻ, trước khi vợ chồng anh có quyết định đưa cháu Q. vào Lâm Đồng để nhờ ông L.M.Q chữa bệnh thì ông L.M.Q có ghé đến nhà của anh N. ở phường Phú Nhuận (TP Huế).

Lúc này, dù trong nhà anh N.H.N khá đầy đủ tiện nghi và anh dành riêng cả căn phòng rộng hàng chục mét vuông với nhiều cây xanh, ánh sáng để làm khu vui chơi cho con trong nhà. Thế nhưng khi đến nhà anh N., ông L.M.Q cho rằng, cháu Q nếu sống ở đây không đảm bảo và bệnh sẽ không lành nên khuyên anh N. đưa con trai vào Lâm Đồng để ông điều trị bệnh.


Chưa dừng lại ở đó, ông L.M.Q còn nói với tôi là nên khuyên bố mẹ tôi bán nhà để lấy tiền chữa trị bệnh cho cháu. Tuy nhiên, tôi nói việc đó không thể được và tôi nói với ông L.M.Q, nếu ông chữa trị cho cháu thì đúng hàng tháng, tôi sẽ xoay sở để chuyển đủ cho ông 200 triệu đồng ”, anh N. bức xúc kể.

Ngày 3/3/2022, anh N. giao con trai cho ông Q. chữa trị. Cuộc gặp cũng diễn ra tại một khách sạn ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Vài ngày sau, ông Q. thông báo cho vợ chồng anh N. là cháu bé bị mắc COVID-19, đang phải điều trị. Tiếp đó, ông thông báo cháu bé đã khoẻ lại, gia đình chuẩn bị gửi quần áo mới lên vì con lên cân, cần trang phục cỡ lớn hơn. Thế nhưng, khoảng 11h ngày 27/3/2022, vợ chồng ông L.M.Q. ra Huế giao cho vợ chồng anh N. hũ tro cốt, nói là của con trai.

Chiếc xe mà ông L.M.Q điều khiển để chở "hũ tro cốt" được cho là của cháu N.L.M.Q ra Thừa Thiên - Huế trao cho gia đình anh N.H.N.

Cũng theo người cha này, ông Q. nói với gia đình anh rằng, do "sợ quá trình chuyển thi thể cháu từ Lâm Đồng đến TP Huế bị phân hủy", ông này tự ý dùng củi thiêu thi thể cháu Q. rồi lấy tro cốt đưa ra Huế lo hậu sự. Ông Q. xin chịu chi phí tang ma và xin trả lại 600 triệu đồng nhận trước đó.

Việc cháu Q. chết không hề có sự xác nhận từ phía bệnh viện hay cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngoài ra, gia đình còn nhận được thông tin việc ông Q. có xâm hại về thể xác cháu Q. nên làm đơn yêu cầu cơ quan công an điều tra, làm rõ vụ việc.

Đáng chú ý, xác nhận với PV VTC News sáng 13/9, qua kiểm tra, rà soát tại Trạm y tế phường thì địa phương xác định trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2022, không có bệnh nhân nào khai báo tên là N.L.M.Q (SN 2019) bị COVID-19.

Sau khi có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm với lý do: "Chưa có kết quả giám định và đã yêu cầu cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng nhưng chưa có kết quả" thì ngày 12/9, Đại tá Đinh Xuân Huy - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng xác nhận, hiện nay cơ quan chức năng đã khôi phục việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm và đang điều tra theo trình tự. Ngoài ra, cơ quan công an cũng nhận được mẫu tro cốt cùng mẫu tóc của người mẹ từ gia đình để giám định pháp y.

Chia sẻ Facebook