Vụ George Flyod: Cựu cảnh sát Mỹ gốc Hmong Tou Thao 'không hối hận' nhận án gần 5 năm tù
Bản án cho Tou Thao trong vụ 'George Floyd bị giết' trước tòa liên bang là gần 5 năm tù vì bị cáo "không hề hối hận".
8 tháng 8 2023
Bản án trước tòa liên bang cho cựu nhân viên cảnh sát Tou Thao trong vụ xử nhóm bốn cảnh sát ở Minneapolis làm chết người đàn ông da đen 46 tuổi, George Floyd tháng 5 năm 2020 là 5 năm tù vì bị cáo Mỹ gốc Hmong "không hề tỏ ra hối hận".
Phát biểu trước toà, ông Thao đã không nhận trách nhiệm gì, mà nói mình chỉ làm "cột chắn giao thông" (human traffic cone) để người qua đường không tràn vào chỗ bị cáo chính Derek Chauvin "đè đầu gối vào cổ ông George Floyd tới 10 phút".
Nạn nhân đã chết và vụ việc làm bùng lên làn sóng phản đối nạn phân biệt chủng tộc trong cảnh sát Hoa Kỳ.
Vụ George Floyd: Minneapolis bồi thường gia đình 27 triệu USD
Lời tuyên án hôm thứ Hai ở tòa cấp liên bang khép lại vụ án đã ra tòa cấp tiểu bang từ trước và cả bốn nhân viên cảnh sát đều đã bị xử tù.
Án ở cấp liên bang cho Tou Thao là gần 5 năm tù giam. Thẩm phán nói đây là bản án nặng hơn vì "bị cáo không hề hối lỗi".
Bị cáo chính Derek Chavin đã nhận tội ở phiên xử cấp tiểu bang và nhận án trên 22 năm tù tháng 6/2021. Tại phiên xử cấp liên bang lần này, ông ta bị xử thêm 21 năm tù giam.
Ba bị cáo còn lại Thomas Lane, Alex Kueng và Tou Thao đều bị buộc tội xâm phạm quyền dân sự (civil rights) của George Floyd và không can thiệp ngăn Chauvin.
Nhưng Kueng và Lane chỉ bị xử ba và ba năm rưỡi tù ở cấp tiểu bang.
Video được các đài Mỹ truyền trực tiếp hôm 07/08 cho thấy Tou Thao còn trích Kinh Thánh để nói về việc tìm thấy Chúa Trời và trưởng thành như một người Ki Tô giáo trong 340 ngày ngồi tù, tính tới nay.
Khi được thẩm phán chủ tọa mời nói lời cuối, Tou Thao chỉ đáp bằng câu 'Chúa Trời ban phước cho ngài!''.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh, Derek Chauvin đã bị xử lần đầu với án tù trên 22 năm
Trong các giấy tờ của chính quyền Hoa Kỳ, Tou Thao ghi là ông ta "nói được tiếng Hmong". Các báo Mỹ cho hay Minnesota có cộng đồng Hmong gốc Đông Dương khá đông đảo.
Họ tới Mỹ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc nhiều năm, với một hai thế hệ chạy từ Lào sang Thái Lan và sống vất vưởng trong các trại tỵ nạn.
Sau đó, họ được các nước thứ ba như Hoa Kỳ, Pháp nhận về.
Các báo Mỹ nói Tou Thao vào lại lực lượng cảnh sát năm 2012. Sinh năm 1986, ông ta từng làm cảnh sát cộng đồng năm 2009 rồi bị sa thải hai năm sau đó vì sở cảnh sát thiếu ngân sách.