Vụ Đặng Đình Bách: LHQ nói 'Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế về giam giữ tùy tiện'
Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc mới đây đã có báo cáo về trường hợp của nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách.
Mỹ Hằng BBC News Tiếng Việt
24 tháng 5 2023
Chụp lại hình ảnh,
Đại diện các tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do cho ông Đặng Đình Bách
Báo cáo này cho hay phiên tòa xét xử ông Bách là 'bất hợp pháp', không tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng và vi phạm nhiều quyền cơ bản được quy định trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như Tuyên ngôn Nhân quyền.
Nhóm cũng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Bách ngay lập tức và vô điều kiện.
Vì sao nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách nói sẽ 'tuyệt thực đến chết' trong tù?
Nhân sự kiện này, BBC phỏng vấn ông Ben Swanton, đồng Giám đốc Dự án 88 (Project88) - tác giả báo cáo mang tên ' Vũ khí hóa luật để truy tố Bộ Tứ Việt Nam ' (bốn nhà hoạt động môi trường gồm Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Ngụy Thị Khanh, Bạch Hùng Dương) - một trong các báo cáo quan trọng mà Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện đã xem xét để đưa ra kết luận nói trên.
Ben Swanton: Nói một cách đơn giản, ý kiến của Nhóm Công tác về bắt giữ tùy tiện có nghĩa rằng ông Bách không nên bị bỏ tù. Đây là kết luận của các chuyên gia nhân quyền độc lập hàng đầu của Liên Hiệp Quốc được giao nhiệm vụ đánh giá xem người dân có bị giam giữ tùy tiện hay không.
Nhóm kết luận rằng việc giam giữ ông Bách không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đặt ra để một chính phủ có thể giam giữ một người một cách hợp pháp.
Chụp lại hình ảnh,
Đại diện các tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do cho ông Đặng Đình Bách
Nhóm cũng kết luận rằng chính phủ Việt Nam, bằng việc giam giữ ông Bách, đã vi phạm luật pháp quốc tế về quyền con người.
Các kết luận này đáng chú ý vì chúng phủ nhận khẳng định của chính phủ Việt Nam rằng họ chỉ đơn giản thực hiện theo quy định của pháp luật và trừng phạt hành động trốn thuế bằng cách bỏ tù Bộ Tứ.
Bây giờ chính phủ Việt Nam phải giải thích vì sao họ giam giữ tùy tiện công dân của mình - những người đấu tranh cho một môi trường trong sạch hơn.
BBC: Ông đã nghiên cứu trường hợp của ông Đặng Đình Bách và ba nhà hoạt động khác bị kết tội vì thực hiện các quyền dân sự của mình. Theo ông vì sao trường hợp của ông Đặng Đình Bách lại đặc biệt?
Ben Swanton: Trường hợp của Bách đặc biệt vì ông ấy là người duy nhất trong Bộ Tứ không nhận tội. Chính vì thế mà ông ấy bị trừng phạt hai lần.
Một lần là vì ông ấy đã đấu tranh cho các chính sách về ăng lượng và nỗ lực để khiến chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho các lời hứa về việc bảo vệ người lao động và môi trường - như một phần trong thỏa thuận của chính phủ Việt Nam với Liên minh châu Âu.
Chụp lại hình ảnh, Tiến sỹ Ben Swanton, đồng Giám đốc Dự án 88
Lần thứ hai là do ông ấy không nhận tội trốn thuế -một tội danh được tuyên vì mục đích chính trị.
Chính phủ Việt Nam hiểu rằng các vụ truy tố này sẽ chỉ được công chúng công nhận là hợp pháp khi hầu hết người bị buộc tội nhận tội. Chừng nào tất cả những người bị truy tố hình sự lựa chọn khẳng định mình vô tội thì công chúng sẽ ngừng tin vào khẳng định của chính quyền và toàn hệ thống tư pháp hình sự sẽ mất đi tính chính danh của nó.
Đó là lý do vì sao chính phủ Việt Nam lại mạnh tay tới mức cực đoan như vậy để gây áp lực buộc họ phải nhận tội mà họ không phạm phải.
Đó cũng là lý do vì sao chính phủ trừng phạt những người không nhận tội, như Đặng Đình Bách, Phạm Đoan Trang, hay Trần Huỳnh Duy Thức nặng hơn những người nhận tội. Án tù năm năm dành cho Đặng Đình Bách là một ví dụ như vậy.
BBC: Theo ông thì vì sao bắt giữ và giam giữ tùy tiện vẫn tiếp diễn ở Việt Nam? Các tổ chức quốc tế có liên quan có thể làm gì để buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những việc này
Ben Swanton: Giam giữ tùy tiện tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam bởi vì chính phủ không chịu trách nhiệm trước áp lực dư luận.
Nếu, ví dụ, chính phủ Việt Nam dùng hệ thống cảnh sát và tư pháp hình sự để đạt được các mục đích chính trị - như là bỏ tù các nhà hoạt động môi trường - những người thách thức sự độc quyền trong việc tạo ra các chính sách của chính phủ Việt Nam - và công chúng không đồng tình với việc này - thì người dân cũng gần như khó mà làm được gì bởi vì không tồn tại một cơ chế mà người dân có thể khiến chính phủ phải chịu trách nhiệm.
Ở một nước dân chủ, người dân có thể bỏ phiếu để loại chính phủ của họ khi chính phủ này không đại diện được cho các mối quan ngại của người dân.
Tuy nhiên, ở những nước độc đảng như Việt Nam, điều này là không thể vì chỉ có một duy nhất một đảng chính trị được phép tồn tại, Đảng Cộng sản Việt Nam, và không thể bị loại qua bỏ phiếu.
Chỉ có dân chủ hóa, có thể là dựa chủ yếu trên kết quả của một phong trào xã hội rộng khắp, mới có khả năng đưa đến sự tiến bộ đáng kể về trách nhiệm giải trình của chính phủ.
Hành động quan trọng nhất mà các nước phương Tây vốn tự hào là có chính phủ dân chủ và pháp quyền có thể làm để giải quyết việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là bản thân họ cũng phải ngưng vi phạm nhân quyền. Thật đạo đức giả khi các chính phủ này chỉ trích Việt Nam giam giữ tùy tiện ông Đặng Đình Bách và những nhà hoạt động khác trong khi cũng chính họ, đặc biệt là Mỹ, cũng giam giữ người trái pháp luật.
Bắt đầu từ 20 năm trước, khi George W. Bush tuyên bố một 'cuộc chiến chống khủng bố', Hoa Kỳ đã giam giữ một cách có hệ thống và tùy tiện hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn người Hồi giáo, đồng thời bắt cóc và đưa người tới các nước vốn nổi tiếng về tra tấn.
Ngày nay, Hoa Kỳ tiếp tục giam giữ người mà không có thủ tục tố tụng tại Vịnh Guantánamo Bay.
Mỹ cần đóng Guantánamo và ngừng việc bắt giữ tùy tiện. Chừng nào Mỹ tiếp tục bắt giữ người một cách phi pháp thì họ sẽ còn thiếu thẩm quyền đạo đức và tính hợp pháp quốc tế cần thiết để lên án việc bắt giữ tùy tiện ở nước ngoài.
Điều này cũng đúng với chính phủ Úc - nơi đang thực hành giam giữ tùy tiện và vô thời hạn người tỵ nạn và người xin tỵ nạn.
Nói lên điều này không phải để chỉ ra rằng bản chất và mức độ vi phạm quyền con người của các nước châu Âu là ngang bằng với Việt Nam, mà hơn thế, để chỉ ra nguyên tắc đạo đức cơ bản: rằng chúng ta cần phải đặt ra cho chính mình tiêu chuẩn đạo đức mà chúng ta muốn người khác tuân theo.
Các bạn có thể đọc thêm điều này tại đây .
BBC: Có ý kiến cho rằng các phiên tòa 'kín', chóng vánh ở Việt Nam và cách chính phủ Việt Nam cáo buộc các nhà hoạt động vào tội trốn thuế giống như cách Trung Quốc thực hiện với công dân của họ. Ông có ý kiến gì về điều này?
Ben Swanton: Các phiên tòa kín là dấu hiện nhận biết rằng một chính phủ có động cơ gì đó để che dấu qua các vụ truy tố hình sự mang động cơ chính trị.
Bản chất của các phiên tòa xét xử 'kín' là lá chắn khỏi sự soi xét của công luận. Nó khiến công chúng khó có thể đánh giá phiên tòa có được thực hiện một cách công bằng hay không. Vì lý do này, các phiên xử kín được coi là vi phạm quyền có một phiên tòa công bằng. Đây là quyền được luật pháp quốc tế bảo vệ.
Tôi không am tường về bối cảnh của Trung Quốc nhưng tôi có thể nói rằng chính phủ Việt Nam có một lịch sử lâu dài sử dụng các phiên tòa kín để làm chệch hướng các chỉ trích khi truy tố những người như Bộ Tứ - những người bị trừng phạt vì đã thực hiện các quyền cơ bản về tự do ngôn luận và lập hội.
BBC: Bà Ngụy Thị Khanh đã được trả tự do và các tổ chức quốc tế đang vận động cho trường hợp của ông Bách. Vậy còn các nhà hoạt động môi trường khác như Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương thì sao?
Ben Swanton: Mỹ và châu Âu nên sử dụng mọi công cụ mà họ có để đảm bảo rằng Bách và các nhà hoạt động môi trường khác được trả tự do. Chính phủ Mỹ nên đưa việc ông Bách phải được trả tự do vô điều kiện thành một điều kiện cho chuyến thăm đã được lên kế hoạch của ông Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào cuối năm nay.
EU và các nước thành viên cần trừng phạt Việt Nam do vi phạm các điều khoản trong hiệp định thương mại EVFTA bằng cách bỏ tù các đại diện xã hội dân sự - những người lẽ ra sẽ theo dõi độc lập việc chính phủ có cam kết với các lời hứa của mình về các tiêu chuẩn cho người lao động và môi trường mà họ đưa ra như một phần của hiệp định thương mại này hay không.
BBC: Báo cáo của ông chỉ ra rằng xã hội dân sự đã bị bóp nghẹt kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền. Có ánh sáng cuối đường hầm nào cho Việt Nam cho tới nay?
Ben Swanton: Tình trạng xã hội dân sự ở Việt Nam đã đi từ tệ tới vô cùng tồi tệ kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền. Các cá nhân và các nhóm mà, bất chấp các nguy cơ, vẫn tiếp tục có các hoạt động phản kháng ôn hòa, cho chúng ta hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Có rất nhiều ví dụ về việc phản kháng mang tính cá nhân mà tôi đã chứng kiến. Phản kháng tập thể thì khó khăn hơn vì nó đòi hỏi một mức độ tin tưởng và cam kết cao hơn - như vậy khó đạt được hơn khi các cá nhân chia rẽ và sợ hãi.
Theo kinh nghiệm của tôi, phản kháng tập thể phổ biến hơn ở những nhà hoạt động hơn là cộng đồng NGO (tổ chức phi chính phủ). Các chuyên gia của NGO chưa quen với trải nghiệm như bị truy tố và có khuynh hướng tránh các cách tiếp cận mang tính đối đầu. Họ tiếp cận theo cách 'hãy chờ xem'. Giới hạn của cách tiếp cận này - khi được xem là một chiến lược cho sự đổi thay trong xã hội - đang ngày càng rõ rệt.