Vụ cô gái 17 tuổi mất tích khi đi lễ nhà thờ ở TP.HCM: Người mẹ tiết lộ về cuộc gọi lạ

Chia sẻ Facebook
24/08/2022 03:23:48

Liên quan vụ cô gái 17 tuổi mất tích khi đi lễ nhà thờ ở TP.HCM, người mẹ cho biết đã nhận được cuộc gọi từ con gái. Tuy nhiên thấy con gái nói chuyện không tự nhiên, như có ai đó giám sát....

HÀ ANH Ngày 23/08/2022 19:00 PM (GMT+7)

Tin tức 24h

Theo tờ Tri thức Trực tuyến, ngày 23/8, bà Huỳnh Ngọc Liên (53 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, đã hơn 1 tháng trôi qua, con gái bà tên Dương Kim Yến (!7 tuổi)- mất tích khi đi lễ nhà thờ ở quận 6 vẫn chưa có tin tức. Hiện bà Liên đã phải nghỉ việc, rong ruổi khắp nơi tìm con.

Yến mất tích hơn 1 tháng nay. Ảnh: Thanh Niên

Bà Liên tiết lộ, cách đây hơn 1 tuần, Yến gọi điện thoại về gia đình nói đang đi bán ốc ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Con gái yêu cầu gia đình đừng đi tìm nữa và sẽ tự quyết định cuộc sống của mình.

“Nhận được điện thoại từ con gái, tôi vừa mừng vừa lo. Yến nói chuyện một cách không tự nhiên, như có ai đó đang ở kế bên giám sát. Con tôi có vấn đề về trí tuệ nên phải nghỉ học sớm. Con còn khờ dại, không biết làm công việc gì nên tôi sợ bị người khác hãm hại”, bà Liên lo lắng.

Theo bà Liên, ngay trong đêm Yến gọi điện thoại về gia đình, bà đã nhờ lực lượng chức năng định vị được số điện thoại và tức tốc xuống Bình Dương tìm con. Tuy nhiên, nơi đến là một khu nhà trọ, dù được Công an thị xã Bến Cát hỗ trợ, bà vẫn không tìm được con gái.

Theo báo Dân Việt, ngày 10/7, bà Liên lấy xe máy chở con gái từ nhà trên đường Tân Hòa Đông (phường Bình Trị Đông) đến nhà thờ ở quận 6 để đi lễ. Khi quay trở lại đón thì không thấy con gái đâu. Bà được một số người quen cho biết con gái khi đến nhà thờ không vào dự lễ mà quay trở ra, vào quán game phía đối diện.

Bão Maon tăng tốc, khả năng mạnh thêm khi vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ chiều nay (23/8), bão Maon đang ở trên khu vực phía Đông Bắc đảo Lu-dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12.

Lúc mới hình thành, bão di chuyển với vận tốc khoảng 10km/giờ theo hướng Bắc Tây Bắc. Dự báo trong 24 giờ tới, mỗi giờ bão đi được 15-20km, theo hướng Tây Tây Bắc. Với tốc độ này, khoảng đêm 23/8 bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc của Biển Đông trở thành bão số 3 năm 2022.

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão Maon (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)

Đến 13 giờ ngày 24/8, bão ở trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh thêm, lên cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km.

Đến 13 giờ ngày 25/8, bão số 3 Maon ở trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông từ chiều 23/8 có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 5-7m; biển động rất mạnh.

Thịt lợn nội tăng giá chóng mặt, thịt ngoại giá rẻ có lấn át?

Những ngày vừa qua, giá lợn hơi tại các địa phương trong cả nước luôn neo ở mức cao. Cụ thể, ngày hôm nay, giá lợn hơi ở vào mức 65-71 nghìn đồng/kg, tăng từ 5-6 nghìn đồng/kg so với tuần trước.

Giá lợn hơi tăng cao đã khiến giá thịt lợn cả tháng nay tại các chợ truyền thống và siêu thị cũng tăng từ 20-30 nghìn đồng/kg so với thời điểm trước tháng 7.

Cụ thể, tại các chợ truyền thống, giá thịt lợn ba chỉ đã lên tới mốc 150 nghìn đồng/kg; sườn thăn 160 nghìn đồng/kg; nạc thăn, mông sấn, vai có giá 130 nghìn đồng/kg; chân giò rút xương có giá 135 nghìn đồng/kg…

Trong khi đó, tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá thịt ba chỉ vào khoảng 177 nghìn đồng/kg; nạc dăm heo 157 nghìn đồng/kg; chân giò rút xương 140 nghìn đồng/kg; nạc vai 140 nghìn đồng/kg; mông sấn có giá 130 nghìn đồng/kg…

Như vậy, mỗi kg thịt ba chỉ tươi bán tại chợ truyền thống có giá lên tới 150 nghìn đồng/kg và từ 175-225 nghìn đồng/kg tại siêu thị. Trong khi đó, giá ba chỉ đông lạnh nhập khẩu chỉ từ 90-100 nghìn đồng/kg, chân giò nguyên chiếc chỉ từ 50-60 nghìn đồng/kg; sườn non chỉ 90 nghìn đồng/kg, rẻ chỉ bằng 1/2 so với thịt lợn tươi sống.

Ba chỉ lợn đông lạnh nhập khẩu đang được bán lẻ với giá từ 100-110 nghìn đồng/kg.

Là đầu mối cung cấp thịt lợn nhập khẩu ở Hà Nội, anh Minh, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn ba chỉ nhập khẩu hiện tại giao nguyên thùng từ 21-25 kg là khoảng 88 nghìn đồng/kg; chân giò nguyên chiếc là 40 nghìn đồng/kg; sườn non chỉ 87 nghìn đồng/kg. Giá rẻ nhưng sức mua tương đối chậm.

“Đa số khách hàng của chúng tôi là siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể còn người tiêu dùng nhỏ lẻ vẫn có thói quen mua thịt tươi, mới giết mổ trong ngày nên giá thịt lợn ngoài chợ tăng vài chục nghìn đồng/kg nhưng hàng đông lạnh vẫn giữ nguyên giá mà vẫn chậm lắm”, anh Minh nói.

Chuyên bán thịt ba chỉ lợn đông lạnh nhập khẩu tại Cầu Giấy (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Tâm cho biết, giá thịt ba chỉ nhập khẩu Nga hiện bán lẻ chỉ 100 nghìn đồng/kg nhưng vẫn khá ế ẩm.

Động đất "rất lớn" ở Kon Tum, Quảng Nam và Đà Nẵng rung lắc, dân bỏ chạy khỏi nhà

Chiều 23-8, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - cho biết nhiều xã trên địa bàn huyện vừa báo cáo có xảy ra động đất.

"Nhiều xã đã báo cáo có xảy ra trận động đất, có thể mạnh nhất từ trước tới nay mà người dân cảm nhận được. Tại xã Trà Cang, bà con đang tiêm vắc-xin bỏ chạy, cán bộ, người dân nghe tiếng động mạnh, rung lắc dữ dội bỏ chạy ra khỏi nhà" - ông Dũng nói và cho biết trận động đất xảy ra vào khoảng 14 giờ 10 phút chiều nay, 23-8.

Hiện tại, chưa ghi nhận có thiệt hại về người. Theo ông Dũng, vào thời điểm xảy ra động đất, ông đang công tác ở huyện Bắc Trà My và cũng cảm nhận rất rõ, nhiều người đang ở trong hội trường đã giật mình bỏ chạy.

Trong khi đó, rất nhiều người dùng mạng Facebook ở hầu khắp các địa phương tại Quảng Nam như Tam Kỳ, Hội An Điện Bàn, thậm chí ở TP Đà Nẵng cũng cảm nhận rất rõ trận động đất.

Chiều 23-8, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 5 trận động đất liên tiếp. Cụ thể, lúc 14 giờ 8 phút ngày 23-8, một trận động đất có độ lớn 4.7 Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Tiếp đến, vào lúc 14 giờ 11 phút 36 giây ngày 23-8, một trận động đất có độ lớn 3.6 Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Đến 15 giờ 2 phút chiều 23-8, một trận động đất có độ lớn 3.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.801 độ vĩ Bắc, 108.238 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Lúc 15 giờ 27 phút 53 giây ngày 23-8, một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.808 độ vĩ Bắc, 108.235 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Lúc 16 giờ 15 phút 3 giây ngày 23-8, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận trận động đất thứ năm có độ lớn 3.0 Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.785 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Các trận động đất đều xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi 3 trận động đất này.

Thời gian qua, tại huyện Nam Trà My và tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra các trận động đất. Năm 2012, tại khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) cũng ghi nhận trận động đất lớn nhất với 4,6 độ Richter.

1 người Trung Quốc bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vì nhập cảnh trái phép

Chiều 23-8, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành trục xuất một người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam về xuất, nhập cảnh.

Lu Manjia bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ảnh Công an Quảng Ninh

Theo đó, vào ngày 22-9-2021, Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra, phát hiện và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Lu Manjia, (51 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, hộ chiếu số E01179625), về hành vi người nước ngoài nhập cảnh hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên, Lu Manjia chấp hành nộp phạt, sau đó không xuất cảnh mà cắt đứt liên lạc, tự ý bỏ đi khỏi nơi tạm trú.

Đến ngày 5-5-2022, Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh đã vận động thành công Lu Manjia ra trình diện. Sau khi tiến hành xử lý vi phạm hành chính, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái tiến hành thủ tục trục xuất Lu Manjia ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.


Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-24h-co-gai-17-tuoi-mat-tich-khi-di-le-nha-... Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-24h-co-gai-17-tuoi-mat-tich-khi-di-le-nha-tho-o-tphcm-nguoi-me-tiet-lo-ve-cuoc-goi-la-a574346.html

Hơn 1 tháng chưa tìm được tung tích của người em gái Hải Như là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với gia đình. Trên trang cá nhân, người chị gái...

Theo HÀ ANH (T/H từ NLD,PLO.VN, Dân Việt) (Người đưa tin)

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h

Chia sẻ Facebook