Vụ chuyến bay giải cứu: Số tiền hối lộ lớn, rất lớn và đặc biệt lớn
Trong phần tuyên án, HĐXX đã bác bỏ lập luận của nhiều luật sư bào chữa cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ là nhận quà cảm ơn, không phải là nhận hối lộ.
Chiều ngày 28/7, Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ đại án “chuyến bay giải cứu” về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án và các tình tiết diễn ra trong phiên tòa, HĐXX nhận định trong tổng số 54 bị cáo chỉ có 3 bị cáo có nêu các ý kiến về tội danh.
Theo đó, Hoàng Văn Hưng và Trần Minh Tuấn là 2 bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, bác bỏ cáo trạng, kêu oan và liên tục đề nghị HĐXX giải oan. Bị cáo Lê Thị Ngọc Anh cho rằng mình không phạm tội đưa hối lộ mà phạm tội môi giới hối lộ và đề nghị HĐXX chuyển tội danh cho bị cáo
Các bị cáo khác không có ý kiến gì về tội danh, hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng, chỉ mong HĐXX xem xét bối cảnh diễn ra vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nhất là các thành tích trong quá trình công tác, yếu tố nhân thân để được hưởng mức án nhẹ nhất.
Theo HĐXX, quá trình điều tra truy tố vụ án, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã thực hiện đúng thẩm quyền, đúng thủ tục tố tụng.
Trong vụ án này, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ được giao nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỷ và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thiệt hại hơn 10 tỷ trong quá trình cấp phép chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo đưa công dân về nước trong dịch bệnh.
Một số ý kiến bào chữa cho các bị cáo nhận hối lộ cho rằng thân chủ không yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền mà chỉ nhận quà cảm ơn. Quan điểm bào chữa cho rằng hành vi nhận quà cảm ơn này không phải nhận hối lộ.
HĐXX nhận thấy đối với hành vi các bị cáo nhận hối lộ, quá trình điều tra và tranh tụng phiên tòa thể hiện, khi các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay bị gây khó khăn, như việc không được cấp phép, bị từ chối hoặc bị cấp phép muộn; khiến các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay bị thua lỗ.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với các bị cáo để đặt vấn đề nhờ giúp được cấp phép chuyến bay.
Ngoài bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) đòi hỏi, đưa ra giá, các bị cáo thuộc Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác dù không thỏa thuận, yêu cầu phải đưa bao nhiêu tiền nhưng đều gặp gỡ, hứa hẹn hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế các doanh nghiệp sau đó đều được cấp phép nhiều hơn, số khách được đưa về nhiều hơn, được cấp phép sớm hơn.
HĐXX cũng đánh giá, số tiền cảm ơn mà các doanh nghiệp đưa cho các bị cáo tương xứng trên số lượng các chuyến bay, số khách trên các chuyến bay và lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được.
Bên cạnh đó, số tiền này thường ở mức tiền lớn, rất lớn, đặc biệt lớn. Việc nhận tiền của các bị cáo diễn ra thường xuyên, liên tục, vượt quá mức lương công chức rất nhiều. Các bị cáo nhận tiền không báo cáo tổ chức mà dành để sử dụng cá nhân.
HĐXX cũng nêu rõ, các bị cáo là công chức Nhà nước, nhận tiền trong khi đang thi hành công vụ và để thực hiện một hành vi có chủ đích, mang lợi ích cho doanh nghiệp nên không thể gọi là quà cảm ơn.
Tại cơ quan điều tra và tại tòa, các bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đều thừa nhận, nếu không đưa tiền thì doanh nghiệp của các bị cáo sẽ không được tạo điều kiện tốt để thực hiện các chuyến bay. Việc đưa tiền phải thực hiện trước hoặc sau các chuyến bay. Việc đưa tiền là chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp để tiếp tục được cấp phép chuyến bay.