Vụ chuyến bay giải cứu: Hành khách có được bồi thường thiệt hại?
Cáo trạng của VKSND Tối cao cho biết 21 bị cáo (là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương) trong nhóm tội Nhận hối lộ bị xác định đã nhận hối lộ lên tới 515 lần, với tổng số tiền gần 165 tỷ đồng.
Để về được quê hương bằng “Chuyến bay giải cứu”, nhiều hành khách đã phải trả một chi phí “cắt cổ” với nhiều thủ tục rườm rà. Khi vụ việc “vỡ lở”, cơ quan công quyền xác định 21 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương, đã nhận hối lộ 515 lần với tổng gần 165 tỷ đồng để tổ chức các chuyến bay. Vậy, câu hỏi được đặt ra là những hành khách đi “Chuyến bay giải cứu” có được bồi thường thiệt hại?
Vụ chuyến bay giải cứu: Chủ tịch VijaSun nói ‘bị cán bộ các bộ ngành ép đến cùng cực’
Vụ án “chuyến bay giải cứu” được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm từ hôm 11/7, dự kiến kéo dài 30 ngày.
54 bị cáo có liên quan đến vụ án, phần lớn bị cáo buộc ở hai nhóm tội Đưa hối lộ (23 người) và Nhận hối lộ (21 người). Còn lại là các tội “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các quan chức cấp cao như ông Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Quang Linh – cựu Trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, cùng bị đưa ra xét xử về tội Nhận hối lộ, với khung truy tố có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Ngoài ra, còn có bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội), Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an)…
Trong đó, cựu Thư ký Phạm Trung Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, cả về số lần và số tiền với 253 lần nhận, tổng 42,6 tỷ đồng.
Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhận 21,5 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Quang Linh nhận 4,2 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ 32 lần với tổng số tiền 25 tỷ đồng…
Trong vụ án, sai phạm của các bị cáo nhóm nhận hối lộ được nhận định đã khiến cho giá vé các chuyến bay về nước bị “độn lên gấp nhiều lần”, và những hành khách muốn về nước phải trả một chi phí “cắt cổ” với nhiều thủ tục rườm rà.
Vậy, những hành khách này có được bồi thường thiệt hại?
Trên trang Facebook cá nhân, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết người bị thiệt hại cuối cùng trong vụ “Chuyến bay giải cứu” không ai khác là người được “giải cứu” khi họ phải mua vé với giá cao mà không có sự lựa chọn khác.
Thế nhưng, trong 5 tội danh mà VKSND Tối cao truy tố trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… không tội danh nào xác định những người mua vé chuyến bay giải cứu là nạn nhân/bị hại hay nguyên đơn dân sự nên “họ không có quyền yêu cầu phần bồi thường thiệt hại (nếu có) thông qua vụ án này”.
“nếu muốn những người mua vé muốn đòi lại một phần tiền”
“họ cần phải thực hiện việc khởi kiện thông qua một/một số những vụ án dân sự độc lập khác. Dù hơi khó khăn, lằng nhằng chút nhưng không phải là không khả thi”.
Một vấn đề khác cũng được luật sư Tuấn nêu ra là “cách xử lý tiền tang vật/tiền thu lợi bất chính từ các bị cáo trong vụ án đang xét xử? Tiền tang vật từ vụ án đang xét xử sẽ làm gì?”.
Luật sư Tuấn cho rằng “nếu xác định rõ đây là những số tiền bất chính mà các bị cáo có được thì sẽ tịch thu, sung công quỹ. Luật là thế, không nói nhiều. Thế nhưng, trong tình huống này, sung công quỹ ngay liệu rằng đã hợp lý chưa? Tôi nghĩ cần xem xét cẩn trọng!
Ở đây, bản chất ta đã xác định ngay được bị hại thực sự ở đây là người dân, chỉ có điều chưa liệt kê được danh tính từng người (dù không hề khó) và họ cũng chưa có yêu cầu (hoặc chưa được hướng dẫn để có yêu cầu) nên họ chưa lên tiếng.
Vậy nên, theo tôi nghĩ, số tiền này cần giữ lại ở một tài khoản độc lập trong một thời hạn nhất định để những người bị thiệt hại có thể có yêu cầu chi trả lại quyền lợi cho họ.
Sau thời hạn này, nếu người dân không có yêu cầu thì khoản tiền này sẽ được sung công quỹ. Nếu chúng ta vội vàng sung công quỹ thì sẽ không công bằng với người dân vì nếu họ kiện đòi tiền doanh nghiệp/cá nhân gây thiệt hại cho họ nhưng những người này không chi trả hoặc không đủ chi trả thì có thể trích khoản này ra trả cho người dân vì một khi đã bị trách nhiệm hình sự, bị tù tội thì họ chỉ chăm chăm lo khắc phục phần nhà nước yêu cầu chứ chờ họ trả lại cho người dân thông qua một vụ án dân sự còn khó hơn tìm đường lên trời.
Hơn thế nữa, nếu số tiền mà những người bị xử lý hình sự đem đi hối lộ là tiền túi của họ thì nhà nước có thể tịch thu sung công ngay được; chứ nếu nó là tiền có được từ người mua vé giải cứu thì nhà nước cũng không nên thu, thậm chí là không được thu khi chưa có căn cứ rõ ràng.
Thế nên, việc xác định nguồn gốc của những số tiền đen mà các bị cáo sử dụng trong vụ án này là vô cùng quan trọng để những nạn nhân thực sự bị ảnh hưởng có cơ hội được lấy lại một phần thiệt hại, nếu không, nếu có kiện thắng, khả năng cao họ chỉ cầm bản án lên để tự sướng với nhau mà thôi. Nếu ta “phân đoạn” số tiền và con đường đi của dòng tiền thì sẽ bớt thiệt thòi hơn cho người dân”.
Luật sư Tuấn tiết lộ thêm “bạn của tôi kể là bình thường đi từ Pháp về Việt Nam khứ hồi mất khoảng 1.200 Euro mà hôm dịch đi một chiều về mất 85 triệu Việt Nam, tương đương khoảng 3.200 Euro, gấp gần 6 lần giá bình thường mà còn cảm thấy may mắn. Mấy ông sếp lớn mua vé Business Class giá còn cao ngất ngưỡng hơn nhiều nhưng cũng bị “nhét như nhét heo” (trích nguyên văn) và vẫn ăn mỳ gói như những anh em khác. Nhiều người trên chuyến bay ấy vẫn còn liên lạc với nhau và họ nói rằng sẽ sẵn sàng đòi lại tiền nếu đòi được bằng một hình thức nào đó chứ nhất định không để số tiền đó cho… doanh nghiệp bẩn và… quan chức đã nhúng chàm, hại dân hại nước… biển thủ đi…”. |
Bị hại trong vụ án được xác định là cơ quan nhà nước chứ không phải khách hàng
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trần Công Chu (nguyên Kiểm sát viên Viện KSND tối cao) cho rằng trong vụ chuyến bay giải cứu, có thể xem hành khách là “ nạn nhân” nhưng “ không thể được xác định là bị hại”.
Ông Chu cho rằng khách thể của hành vi Đưa, Nhận, Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, nhà nước. Như vậy, “bị hại trong vụ án được xác định là cơ quan nhà nước” chứ “không phải khách hàng” bỏ tiền đi chuyến bay.
“Mặc dù vào thời điểm dịch COVID-19, chi phí để có mặt trên “chuyến bay giải cứu” là rất cao nhưng dù biết rõ giá cao như vậy, họ vẫn chấp nhận chi tiền do cần về nước, đó là thỏa thuận dân sự giữa họ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Hiện giờ rất khó cho khách đi chuyến bay vì đối với các tội danh bị đề nghị truy tố trong vụ án này không xác định họ là bị hại. Tuy nhiên họ vẫn có quyền đòi bồi thường, bằng cách kiện những doanh nghiệp cung cấp chuyến bay bằng một vụ kiện dân sự khác” , ông Chu nói.
Minh Long
Ông Tô Anh Dũng nói khi nhận 21,5 tỷ đồng ‘không nhận thức được là vi phạm’ Ông Tô Anh Dũng bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ tổng cộng 21,5 tỷ đồng để cấp phép cho các chuyến bay giải cứu.