Vụ chuyến bay giải cứu: Đưa hối lộ vì "nhiều lần không được giải quyết"
Khai nhận tại tòa, Chủ tịch Vijasun Đào Minh Dương cho biết "bị ép" và nếu không đưa hối lộ sẽ bị gây khó khăn trong cấp phép chuyến bay giải cứu.
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” diễn ra chiều ngày 11/7, bị cáo Đào Minh Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vijasun) được HĐXXX thẩm vấn đầu tiên.
Theo cáo trạng, bị cáo này đã gặp, đặt vấn đề và đưa hối lộ hơn 3,5 tỷ đồng cho 3 cá nhân. Cụ thể gồm 1,1 tỷ đồng cho bị cáo Phạm Trung Kiên – Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, 1,6 tỷ đồng cho Vũ Anh Tuấn – Cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và 864 triệu đồng cho Vũ Ngọc Minh – Đại sứ Việt Nam tại Angola.
Quá trình xét hỏi, bị cáo Dương cho biết cho biết công ty của ông xin cấp phép được 17 chuyến bay và đã tổ chức được 22 chuyến bay giải cứu, do có chuyến bay nhỏ phải tách làm hai chuyến.
Theo lời khai của bị cáo này, thời gian đầu nộp hồ sơ cấp phép tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao , nhiều lần không được giải quyết. Khi đó Cục trưởng là bà Nguyễn Thị Hương Lan yêu cầu phải chi tiền. Do không đưa tiền nên doanh nghiệp của ông Dương thường xuyên bị gây khó.
"Bị cáo nhiều lần bị gây khó khăn. Nhiều lần bà Lan yêu cầu đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên bị gây khó bằng cách ngày mai bay thì hôm trước mới được thông báo. Bị cáo bị đưa vào tình thế khó khăn cùng cực. Để tổ chức chuyến bay thì phải đặt cọc thuê tàu bay, 6-9 tỷ một chuyến bay. Cục Lãnh sự và Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT cứ ngày mai bay thì hôm trước mới thông báo.
Người dân ở nước ngoài muốn về nước phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, nhưng ngày mai bay thì hôm trước mới thông báo thì họ không xoay xở kịp", bị cáo Dương phân trần đồng thời khẳng định vì bị đẩy vào thế cùng cực nên buộc phải “xuống tiền”.
Bên cạnh đó, bị cáo này cũng bị ép phải đưa tiền "bôi trơn" cho cán bộ thuộc Bộ Y tế và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
"Sau khi bị cáo bị hai bộ gây khó khăn nên xin gặp anh Kiên nói chuyện. Tại phòng họp của Bộ Y tế, bị cáo chứng kiến Kiên quát một số chủ doanh nghiệp và bảo các anh làm ăn phải nộp mỗi người mấy triệu. Tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến", bị cáo Dương khai nhận về chi tiết khi gặp Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Bị cáo này cũng khẳng định: “Nếu không đưa tiền thì Kiên sẽ không được phê duyệt chuyến bay giải cứu”.
Cũng theo bị cáo này, Vũ Anh Tuấn khi biết chuyện số tiền đưa cho Phạm Trung Kiên cũng yêu cầu doanh nghiệp phải chi ở mức tương đương, 150 triệu đồng/1 chuyến.
"Bị cáo gặp anh Tuấn cũng nhận được yêu cầu tương tự như anh Kiên nếu không đưa tiền thì sếp anh ấy không ký, thì cũng không bay được. Tổng cộng bị cáo đưa cho anh Kiên hai lần là 1,1 tỷ, đưa cho Tuấn bốn lần 1,6 tỷ, trong khi cả hai yêu cầu đưa hơn 3 tỷ", ông Dương khai nhận.
Ngoài ra bị cáo Dương cũng khai nhận việc hối lộ cho Vũ Ngọc Minh - cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola để nhờ giúp đỡ tổ chức chuyến bay giải cứu đưa người dân Việt Nam đang mắc kẹt tại Angola về nước.
Theo đó, do tại Angola không có đại diện các hãng hàng không của Việt Nam nên muốn được hạ cánh đón người, phải có đại diện ngoại giao cấp bay.
Ông Minh đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục cất, hạ cánh tại Angola với 2 yêu cầu là phải được biết về danh sách khách bay và mỗi vé bay phải nộp cho lại 3 triệu đồng.
"Ông Minh đưa ra một số điều kiện, tất cả người về phải cho xem danh sách khi ông đồng ý mới được bán vé và mỗi vé phải chi cho ông Minh 3 triệu. Công ty đã tổ chức chuyến bay đưa 298 công dân về nước và tổng cộng bị cáo đưa cho ông Minh 864 triệu", ông Dương khai .