Vụ Chuyến bay giải cứu: Chỉ là chuyên viên thường vẫn nhận hối lộ tiền tỷ
Dù là cấp thấp nhất trong giải quyết cấp phép tổ chức chuyến bay, nhiều chuyên viên của các Bộ vẫn nhiều lần nhận hối lộ tiền tỷ từ đại diện các doanh nghiệp.
Trong vụ chuyến bay giải cứu, bên cạnh những cán bộ đảm nhận vai trò lãnh đạo tại các Bộ, ngành có hành vi nhận hối lộ của các doanh nghiệp, còn có những bị cáo tuy chỉ đảm nhận vai trò là các Chuyên viên, cán bộ thông thường nhưng vẫn nhận hối lộ hàng tỷ đồng.
Theo đó, từ tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo). Trên cơ sở thí điểm, Chính phủ chủ trương để các cơ quan thẩm quyền cấp phép tổ chức hàng loạt các chuyến bay combo sau đó để đưa công dân về nước.
Từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021, Văn phòng Chính phủ là cơ quan tiếp nhận hồ sơ giải quyết cấp phép chuyến bay cho một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Đến tháng 4/2021, Chính phủ giao Tổ công tác 5 Bộ (gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và xét duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Theo trình tự giải quyết được quy định, ở cả Văn phòng Chính phủ và 5 Bộ trong Tổ công tác 5 Bộ khi tiếp nhận xử lý hồ sơ đều phân công về các Cục, Vụ chức năng. Các Cục, Vụ này lại phân công cho các Chuyên viên là người trực tiếp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất.
Như vậy, trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết cấp phép các chuyến bay cho doanh nghiệp, Chuyên viên ở các Bộ là cấp thấp nhất để giải quyết.
Dù vậy, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quy trình xử lý đó, nhiều chuyên viên của các Bộ có vai trò trong việc cấp phép chuyến bay, đã nhiều lần nhận hối lộ tiền tỷ từ đại diện các doanh nghiệp.
Cụ thể, ở Văn phòng Chính phủ là các bị cáo Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Mai Anh. Cả hai người này đều là Chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế.
Theo nội dung cáo trạng và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Tiến Thân đã nhận hối lộ 8 lần số tiền gần 3,7 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Mai Anh đã nhận hối lộ 3 lần số tiền 3 tỷ đồng.
Ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh – đơn vị được Bộ Công an giao tiếp nhận tiếp nhận xem xét, đề xuất cho ý kiến về việc phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay của Bộ Ngoại giao.
Bị cáo Vũ Sỹ Cường tuy chỉ là cán bộ Phòng Tham mưu song với vai trò thành viên Tổ tham mưu được phân công nghiên cứu, đề xuất, soạn thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao cũng đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để nhận hối lộ.
Kết quả từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, bị cáo Vũ Sỹ Cường nhận hối lộ 7 lần với tổng số tiền 9,3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 5,5 tỷ đồng.
Ở Bộ GTVT , Ngô Quang Tuấn là Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất việc giải quyết cấp phép các chuyến bay, trình lãnh đạo Bộ duyệt, ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao.
Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Ngô Quang Tuấn đã nhận hối lộ 7 lần số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.
Các bị cáo Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Mai Anh, Vũ Sỹ Cường, Ngô Quang Tuấn đều bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo điểm a khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, tại Bộ Y tế, còn có Bùi Huy Hoàng là Chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng có hành vi môi giới nhận hối lộ hơn 3,3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 671 triệu đồng.
Bùi Huy Hoàng bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” theo khoản 4 Điều 365 Bộ Luật hình sự với mức hình phạt tù từ 8 năm đến 15 năm tù.
Bị cáo Lê Thị Ngọc Anh – Nhân viên Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương có hành vi đưa hối lộ hơn 7,6 tỷ đồng. Bị cáo Ngọc Anh bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo điểm a khoản 4 Điều 364 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm .