Vụ chuyến bay giải cứu: Các bị cáo phản bội lại chính sự cố gắng của đồng đội

Chia sẻ Facebook
17/07/2023 11:46:05

Viện kiểm sát xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn khiến dư luận bức xúc.


Theo đại diện viện kiểm sát, những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ; việc phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án về tham nhũng, kinh tế góp phần đẩy lùi loại tội phạm này, củng cố niềm tin của nhân dân. Thực tế cho thấy, nhiều vụ án tiêu cực có quy mô, tính chất đặc biệt phức tạp, đã bị xử lý, trong đó có vụ "chuyến bay giải cứu".


Trước diễn biến phức tạp của dịch covid-19 chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Trong khi cả nước đang nỗ lực chống dịch, nhiều người bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng để chung tay đẩy lùi Covid-19. Thế nhưng, các bị cáo ở nhiều bộ ngành, địa phương đã nhận hối lộ bằng hành vi "cực kỳ tinh vi" với số tiền đặc biệt lớn, bị dư luận xã hội lên án gay gắt.

Trước sự ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, Chính phủ ban đầu tổ chức các "chuyến bay giải cứu" (chỉ trả vé máy bay và phí cách ly) rồi đến "chuyến bay combo" (trả phí toàn bộ). Kết quả, cơ quan chức năng cùng các doanh nghiệp đã đưa hơn 200.000 công dân Việt Nam từ 62 quốc gia về nước.

Chủ trương này thể hiện chính sách nhân đạo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo hộ cũng như sức khỏe, tính mạng của người dân; nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhân dân trong và ngoài nước.

Viện kiểm sát luận tội các bị cáo.

Trong bối cảnh ấy, một số lãnh đạo, cán bộ đã lợi dụng chủ trương của Nhà nước để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp nâng giá vé máy bay để có chi phí bôi trơn, đưa hối lộ.

Hành vi này làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách mà Đảng, Nhà nước triển khai. Qua đó, Viện kiểm sát đánh giá, đây là những hành vi "phản bội lại chính sự cố gắng của chính đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí của mình".

“Việc đưa vụ án ra xét xử nhằm đảm bảo sự phòng ngừa chung trong xã hội; đồng thời, tạo tính răn đe, giáo dục đối với các bị cáo”, Viện kiểm sát nhấn mạnh.

Về thủ đoạn nhận tiền của các bị cáo, VKS nhận định có hai dạng; một là đưa ra yêu cầu và mặc cả thẳng về giá. Hai là người có thẩm quyền đã gây khó khăn để buộc doanh nghiệp phải chi tiền "theo luật bất thành văn" để được cấp phép chuyến bay.

Qua quá trình xét xử có đủ căn cứ xác định nhóm này đã nhận tiền của doanh nghiệp để trình, duyệt, cấp phép chuyến bay.

Theo Viện kiểm sát, ở phần xét hỏi, một số bị cáo đã có sự lập lờ khi cho rằng việc nhận tiền là do doanh nghiệp "cảm ơn". Đây là việc tránh đáo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ "văn hóa phong bì".

Kiểm sát viên khẳng định, các bị cáo đang làm nhiệm vụ, bộn phận của mình, không thể có chuyện doanh nghiệp cảm ơn số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước; hoặc buộc người đưa phải chi tiền. Chưa kể, số tiền mà các bị cáo nhận là đặc biệt lớn, trong khi Đảng, Nhà nước và người dân đang chắt chiu từng đồng để mua sắm vắc-xin chống dịch.


Viện kiểm sát đánh giá, bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế, nhận nhiều tiền hối lộ nhất, số tiền nhiều nhất vụ án (253 lần tổng 42,6 tỷ đồng) với thủ đoạn "trắng trợn nhất". Trong số này có 198 lần chuyển khoản số tài khoản ngân hàng của Kiên, 30 lần qua số tài khoản của mẹ vợ và con trai.

Để che giấu hành vi, khi bị điều tra truy tố, bị cáo chuyển khoản trả lại các doanh nghiệp và nhờ các doanh nghiệp khai báo số tiền này là vay mượn cá nhân, do đó cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất, Viện kiểm sát nêu.


Viện kiểm sát vẫn đang tiếp tục phần luận tội các bị cáo .

Chia sẻ Facebook