Vụ cháy quán Karaoke ở Bình Dương: Thời khắc tiếp cận hiện trường
Sau gần 2 ngày nỗ lực cứu người trong vụ cháy tại quán karaoke An Phú, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến 32 người tử vong nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ vẫn chưa quên được thời khắc và những cảnh tượng đau lòng diễn ra trước mắt họ
Xem toàn bộ diễn biến sự kiện tại đây!
Gặp các chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác chữa cháy tại Sở chỉ huy phòng Cảnh sát PCCC- CNCH Công an Bình Dương sau 3 ngày xảy ra vụ cháy, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là hình ảnh mệt mỏi, tiều tụy của các anh.
Thượng úy Lê Quang Tuấn - Tiểu đội trưởng đội công tác PCCC và CNCH phòng PC-07, nói rằng đến giờ vẫn chưa dám về nhà vì còn ám ảnh với những cảnh tượng đau lòng mà không thể kìm được nước mắt. "Nhìn các thi thể nằm chồng lên nhau, cảnh tượng rất hãi hùng, lúc tiếp cận, mùi cơ thể đã bốc lên rất khó chịu, khó khăn cho công tác đưa thi thể ra ngoài" - Thượng úy Tuấn nhớ lại.
Kể về thời khắc tiếp cận hiện trường, Thượng úy Tuấn vẫn không quên được hình ảnh mọi người hoảng loạn, nhân viên quán tập trung trên sân thượng, nhiều người trèo lan can rất nguy hiểm, các anh phải la lên không được nhảy, chờ đưa thang lên. "Có rất nhiều người mắc kẹt trong đám cháy, chúng tôi đã tiếp cận các hướng khác nhau, tôi theo hướng bên phải đối diện tòa nhà karaoke, còn một tốp thì hướng chính tòa nhà, 3-4 phút sau đã đưa được 12 người xuống đất an toàn. Còn những người bên trong thì do nhiệt độ quá lớn và khói nên không thể vào, đến sáng mới tiếp cận được" - Thượng úy Tuấn nói.
Các đồng đội và Thượng úy Tuấn theo từng tốp đeo bình khí tài, thay phiên nhau vào bên trong quán karaoke. Nhưng cứ 20 phút là phải đi ra vì khói ngộp, họ tiến hành tìm kiếm cứu người từ tầng 1, tầng 2, xong lên tầng 3. "Có khoảng mấy phòng tại lầu 3 khói bốc lên nên không vào được. Khi lửa dịu, chúng tôi tiếp tục vào đưa nạn nhân ra ngoài, lúc này cảm thấy hoang mang lắm, trong làn khói đen kịt, gần như kiệt sức mà cứ vào các phòng là phát hiện thi thể. Lúc này 'sợ' lắm vì đây cũng là lần đầu tôi thấy cảnh tượng này" - Thượng uý Tuấn bộc bạch.
Trung tá Bùi Trung Hiếu - Phó Trưởng PC-07 Công an tỉnh Bình Dương nói thêm, anh em lúc đó ai cũng lo lắng, nhưng xác định là trách nhiệm nên tập trung cố gắng bằng mọi cách. Anh cũng chính là người trực tiếp chỉ đạo anh em trong đội thực hiện công tác chữa cháy, CNCH.
"Sau khi nhận tin báo và được lệnh của chỉ huy, các cán bộ - chiến sĩ PCCC ngay lập tức triển khai các phương tiện, trang thiết bị tức tốc tới hiện trường. Khi chúng tôi đến, phát hiện có nhiều nạn nhân đang ở khu vực lan can trên tầng 4 và khói thì đang bao phủ dày đặc. Ngay lúc này, tôi chỉ huy điều động các chiến sĩ tiếp cận chữa cháy mặt trước quán karaoke, đồng thời yêu cầu một nhóm chiến sĩ dùng xe thang nhanh chóng vươn tới khu vực có người gặp nạn để cứu người. Lúc xe thang vào, phía trước mặt đường có một thanh sắt chắn lại, khiến cho quá trình tiếp cận khó khăn, chúng tôi phải dỡ ra, sau đó nhanh chóng đưa người xuống" - Trung tá Hiếu kể.
Cũng theo Trung tá Bùi Trung Hiếu, hoả hoạn bùng phát, việc đầu tiên lực lượng PCCC cần làm là phải nhanh, tính toán chuẩn xác để cứu nhiều người nhất có thể. Khói rất dữ dội, nhiệt toả ra khiến nhiều chiến sĩ không thở được, dù dùng mặt nạ phòng độc cũng chỉ tiếp cận vào hiện trường trong thời gian nhất định.
"Dù hiện trường vụ cháy không lớn, nhưng thiệt hại gây ra rất khủng khiếp. Ngoài vì đuối sức, hít khói còn phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng, ai cũng buồn. Gần như muốn xỉu, nhưng chúng tôi cố gắng động viên nhau, cố gắng đưa nạn nhân ra" - Trung tá Hiếu kể.
Mới về PC07 công tác được hơn 3 tháng và mới tham gia vào lực lượng PCCC, chiến sĩ Ngô Hoài Phương chính là người xung phong cùng 2 đồng đội trong tổ tiếp cận bên trong tòa nhà đầu tiên. "Lúc đầu thực sự rất sợ vì nhớ đến cảnh tượng ở Hà Nội từng có đồng chí đồng đội hy sinh vì chữa cháy cứu người. Nhưng lúc này, vì trách nhiệm, chúng tôi đã động viên nhau, cùng tiến vào, trong đầu gạt ngay sự 'sợ hãi' chỉ mong nhanh chóng đưa được các nạn nhân ra bên ngoài" - chiến sĩ Ngô Hoài Phương nói.
"Tôi cũng đã nỗ lực hết sức mình để cùng đồng đội đưa hơn 10 người ra bên ngoài. Cứ chuyển ra là nghỉ ngơi, một lúc lại thay phiên nhau tìm kiếm. Thực sự, hơn 20 lần trực tiếp tham gia chữa cháy, nỗi ám ảnh lớn nhất là nghe có người bị mắc kẹt. Sợ vì không đưa được người ra ngoài, rồi sợ cho bản thân mình và đồng đội. Vào bên trong, cảm thấy khói ngộp không thể thở, mức nhiệt cao, phòng kín. Nhưng khi quay lại phía sau thì có đồng đội, có chỉ huy hỗ trợ hết mình nên quyết tâm càng cao" - chiến sĩ Ngô Hoài Phương nói.