Vụ cháy chung cư mini: Những người thoát nạn đã làm gì trong thời khắc cận kề cái chết?

Chia sẻ Facebook
17/09/2023 04:33:55

Thoát chết sau nhiều tiếng cầm cự với khói độc dày đặc, nhiều nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa bết bàng hoàng và sang chấn tâm lý, song điều mà họ cảm thấy may mắn, kì diệu nhất chính là còn sống.

Nhiều gia đình đã được cứu sống nhờ hiểu biết về kỹ năng phòng cháy. Có người tỉnh lại sau trận hôn mê sâu đã vỡ oà khi biết cả gia đình mình thoát chết. Trong phút giây sinh tử, điều kì diệu vẫn xảy ra.


Nhiều giờ cầm cự trong phòng với khói độc

Là một nạn nhân trong vụ cháy ở chung cư mini, chị Đ.T.H.Y không bao giờ quên được đêm 12/9 kinh hoàng. Gia đình chị là một trong số ít các hộ còn sống sót sau vụ hoả hoạn. Chị thầm cảm ơn trời đất vì các thành viên đều may mắn thoát nạn.

Chị Y đang mang thai 13 tuần, sau khi được cứu hộ, chị và con trai trong tình trạng nhiễm độc do ngạt khí CO được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cấp cứu. Sau đó, hai mẹ con chị được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vào sáng 13/9.

Nhớ lại phút giây đối mặt với cái chết, chị Y kể: 'Hơn 23h, em thấy tiếng hô hoán cháy. Điện bị ngắt, nhà em ở tầng 8, chạy ra ngoài thì khói đen xộc vào mù mịt không xuống được mà cũng không lên được tầng thượng. Chồng em kéo hai mẹ con ra ban công. Cả nhà trùm chăn và có vòi nước bên cạnh tưới lên liên tục. May mắn nhà em có ban công hướng ra mặt ngõ nên thoáng hơn các nhà khác. Mỗi tầng chỉ có 2 đến 3 căn có ban công hướng ra ngõ, nhà em lại ở tầng 8 nên thoáng nhất. Cả nhà cứ trùm chăn tưới nước chờ cứu hộ. Cầm cự đến 5h30 thì được các anh cảnh sát phòng cháy cứu xuống'.


Những em bé được cứu sống từ trận hỏa hoạn.

Còn sống là điều may mắn nhất lúc này với gia đình chị Y dù toàn bộ gia tài đã bị 'bà hỏa' thiêu rụi. Chồng chị Y cũng đã dần ổn định, con trai bỏng nhẹ đang điều trị cùng mẹ.

Mặc dù lúc nhập viện hai mẹ con đều trong tình trạng hoảng loạn, khó thở, đau rát vùng họng. Nhưng sau thời gian điều trị tích cực, sức khỏe của họ tiến triển tốt, trận hoả hoạn không ảnh hưởng lớn đến thai nhi trong bụng chị Y.

Ngoạn mục và kỳ diệu hơn nữa là nội lực hồi sinh bền bỉ của bác sĩ Vũ Thị Nhung (39 tuổi), đang công tác tại Trung tâm Giải phẫu bệnh - Tế bào học của Bệnh viện Bạch Mai. Khi được đưa đến cấp cứu, chị Nhung đã ở trong tình trạng hôn mê sâu, sốc, suy đa tạng, tiên lượng rất nặng, phải thở máy.

Nhưng chỉ gần 2 ngày sau, chị được rút ống nội khí quản và tỉnh táo hoàn toàn. Điều kỳ diệu nữa là cả 3 người trong gia đình nữ bác sĩ đều may mắn thoát chết.

Là bác sĩ, chị Nhung có kiến thức về cứu nạn trong tình huống cháy. Chị chia sẻ, khi phát hiện khói đen bao vây phía ngoài, không thể chạy thoát, chị và em gái ở trong nhà, còn chồng chạy lên sân thượng. Em gái bị suy thận phải chạy thận chu kỳ, sức khoẻ yếu, chị vừa phải phòng khói độc vào nhà, vừa hướng dẫn, sơ cứu cho em.

Nữ bác sĩ tìm khăn, ga giường dấp nước, bịt các khe hở ở cửa không cho khói tràn vào nhà. Dội nước lên người, nhúng chăn ướt trùm lên, bịt mũi, miệng 2 chị em bằng khăn nước…


Bác sĩ Vũ Thị Nhung hồi phục kỳ diệu.

Do thời gian quá lâu nên khói vẫn vào phòng và ban công, hai chị em cầm cự bằng dấp nước liên tục để chờ cứu hộ. Cuối cùng không chịu nổi lượng khí độc mỗi lúc một tấn công mạnh, nữ bác sĩ đã ngất đi trước lúc lực lượng cứu hộ tới.

Vì có sự hỗ trợ của chị, em gái bác sĩ Nhung bị tổn thương nhẹ hơn, được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cùng anh rể. May mắn, khi tỉnh lại, bác sĩ Nhung nhận được tin vui, cả nhà cùng thoát nạn, chồng và em gái đã được ra viện. Sự hồi phục của bác sĩ Nhung là điều kỳ diệu.


Kỹ năng giúp cả nhà thoát chết

Điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là đại gia đình cụ Nguyễn Văn Vấn (81 tuổi). Cả 5 người trong gia đình cụ gồm con trai, con dâu và hai cháu nội (6 và 10 tuổi) đã thoát chết. Cụ chỉ bị tổn thương nhẹ, sau 2 ngày điều trị tại Trung tâm Tim mạch, cụ Vấn đã ổn định, gần như bình phục.

Cụ kể, trong cơn hoả hoạn, cả nhà bình tĩnh trong căn phòng ở tầng 7, giữa tâm lửa suốt 6 tiếng. Tới khi dập lửa xong, cả gia đình được lực lượng cứu hộ đưa xuống lúc 5h sáng. 'Tôi luôn dặn cả nhà phải đổ đầy xô nước để trong nhà vệ sinh. Còn mình thì lúc nào cũng trải chiếc khăn lên gối. Trong nhà lúc nào cũng có đèn pin. Khi hỏa hoạn xảy ra, điện mất, có đèn pin soi, có sẵn nước và khăn để bịt miệng, mũi chống hít phải khói độc', cụ Vấn kể lại.

Con trai cụ, anh Nguyễn Việt Hùng điều trị tại Trung tâm Cấp cứu A9 cùng vợ là chị Nguyễn Thị Minh Hồng nhớ lại: 'Tôi dẫn cả nhà ra cầu thang bộ định lên sân thượng. Nhưng khói đã bay mù mịt, tiếng la hét nhiều nên bảo cả nhà quay về, mục đích để cả nhà không lạc nhau. Tôi làm ở Trung tâm hội nghị quốc gia, nhiều lần được tập huấn phòng cháy nên bảo cả nhà nhanh chóng lấy chăn, quần áo nhúng nước bịt khe cửa. Sau đó, cả 5 người vào phòng ngủ tiếp tục bịt khe cửa, lấy khăn mặt thấm nước bịt mũi, dùng tay quạt khói ra cửa sổ. Cứ mở hé cửa sổ ra quạt một lúc rồi đóng lại, liên tục như vậy'.

Vợ chồng anh Nguyễn Việt Hùng gặp lại con sau trận hoả hoạn.

Theo chia sẻ của anh Hùng, hai vợ chồng trực tiếp theo dõi, cứ thấy khói từ tầng dưới bốc lên mạnh là đóng cửa sổ, bắt ông nội và các con ở tư thế nằm rạp xuống sàn, cúi thấp xuống sàn nhà, thở ở vùng thấp. Khi thấy đỡ hơn, lại mở cửa sổ cho không khí vào nhà và lại ra sức quạt.

Trong thời khắc sinh tử ấy, cụ Vấn lo nhất là hai cháu nhỏ ngủ, liên tục phải nói chuyện để các cháu tỉnh táo. Dù rất mệt, khó thở, song các cháu đều kiên cường, nghe lời bố chỉ huy. Con trai cụ chốc chốc dùng đèn pin dọi xuống dưới và gọi điện cho người thân báo phòng 702 có người nhà và trẻ nhỏ cần cứu giúp.

Mắt anh Hùng bị bỏng nhẹ, nhìn còn mờ, khi nhắc đến đêm đó, nước mắt vẫn trào ra. Trong khi vợ hoảng loạn, người đàn ông này luôn cố gắng giữ bình tĩnh để xử lý tình huống. Anh nhủ thầm, dù có chết cũng phải giữ được bình tĩnh. Cầm cự với khói lửa suốt 4 tiếng, khi thấy vòi phun nước đến cửa sổ thì anh Hùng mới thở phào. 5h sáng, cả nhà được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài.

Trong số những người tử vong và bị thương của trận hỏa hoạn, nhiều người bị ngạt khí CO và đa chấn thương do nhảy từ trên cao xuống. Có người dội nước, chui vào tủ quần áo, gọi điện cầu cứu thì thoát nạn.

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, về mặt khoa học, cách chui vào không gian kín như tủ quần áo hay nhà vệ sinh không phải tối ưu, thậm chí là phản khoa học. Bởi trong phòng kín, dù có xả nước lạnh hay quạt thông gió thì dưỡng khí sẽ mất dần khi bị các loại khí độc như CO, CO2 len vào, xâm chiếm không gian của dưỡng khí.

Nguy cơ tử vong do thiếu dưỡng khí, phổi có thể hít phải luồn khí độc đó và hơi nóng, khiến cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng. Nạn nhân bị ngạt khí độc nhanh hơn trước khi bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ.

Do vậy, khi xảy ra sự cố cháy, cách phù hợp nhất vẫn là khom lưng, ngồi hoặc bò dưới sàn nhà, do đây là vùng không khí có chứa ít khí độc hơn. Đồng thời tẩm khăn/vải ướt che mũi, miệng (trừ phần mắt) để có thể hạn chế tối đa lượng khí độc vào phổi.

Nên chạy ra ban công, nơi thoáng khí, nếu không xuống được ngay thì nên dựng một tấm mái để lấp dưới đó, khí độc trong nhà bay ra sẽ bay lên cao, vượt lên mái. Chẳng hạn, dùng một tấm đệm gác chéo tạo hình tam giác để người chui xuống dưới.

>> Xem thêm:

Chia sẻ Facebook